(ĐSPL) - Cho rằng, Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) có nhiều thiếu sót khi giải quyết vụ việc, Công ty Malco Products, Inc cực chẳng đã phải làm đơn khởi kiện quyết định hành chính của Bộ KH&CN ra Toà án Nhân dân TP. Hà Nội.
Chính vì sự xung đột quan điểm của các cơ quan Nhà nước đã dẫn đến việc tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa giữa một bên là doanh nghiệp Mỹ, Malco Products, Inc và một bên là doanh nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Dầu nhờn và Hóa chất Hiệp Tiến Long kéo dài 7 năm đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Người khởi kiện lên tiếng
Đơn khởi kiện vụ án hành chính của công ty Malco Products, Inc (Mỹ) gửi Toà án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội có nội dung như sau: Công ty Malco Products, Inc được thành lập và hoạt động theo pháp luật của bang Ohio, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ngành nghề kinh doanh bao gồm việc sản xuất các sản phẩm về phụ gia dầu nhớt dành cho xe ô tô và hóa chất dùng cho linh kiện ô tô. Năm 1993, công ty Malco Products, Inc đã mua lại công ty PPI và PPI đã chuyển nhượng quyền sở hữu các nhãn hiệu hàng hóa, trong số đó bao gồm nhãn "U.S. & hình" cho công ty Malco.
Từ năm 1995 đến năm 2004, Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Hằng (công ty Vĩnh Hằng) là nhà phân phối sản phẩm phụ gia dầu nhớt mang nhãn hiệu "U.S. & Hình" sản xuất bởi công ty PPI tại thị trường Việt Nam. Sau năm 2004, do trục trặc trong quan hệ thương mại, công ty PPI đã chấm dứt quan hệ phân phối với Vĩnh Hằng. Liền sau đó, một doanh nghiệp mới với tên gọi công ty TNHH Dầu nhờn và Hóa chất Hiệp Tiến Long ra đời và đăng ký nhãn hiệu "P.T. & Hình" có tổng thể phần nhãn hiệu giống với nhãn hiệu "U.S. & hình" của công ty Malco Products, Inc chỉ thay chữ "U.S." bằng chữ "P.T.".
Theo phản ánh của công ty Malco Products, Inc những người "khai tử" công ty Vĩnh Hằng có liên quan mật thiết công ty Hiệp Tiến Long. Phát hiện ra sự nhập nhèm, đánh lận con đen này, phía công ty Malco Products, Inc đã có đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) hủy Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu "P.T. & Hình" của công ty Hiệp Tiến Long.
Hai nhãn hiệu hàng hoá gây nhầm lẫn cho khách hàng. |
Sau khi xem xét hồ sơ liên quan, ngày 21/1/2009, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định số 134, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 72858 bảo hộ nhãn hiệu "P.T. & Hình" của Hiệp Tiến Long. Với quan điểm: Công ty Vĩnh Hằng (tiền thân của công ty Hiệp Tiến Long là nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm dầu nhớt mang nhãn hiệu "U.S. & Hình" do công ty PPI sản xuất. Việc công ty Hiệp Tiến Long nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "P.T. & Hình" cố ý sao chép về tổng thể nhãn hiệu "U.S. & Hình" trên cùng loại sản phẩm do công ty PPI sản xuất là vi phạm điều 14.2.c Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.
Do công ty Hiệp Tiến Long có đơn khiếu nại quyết định 134 nói trên, ngày 8/6/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định giải quyết khiếu nại số 1178. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ bác đơn khiếu nại của công ty Hiệp Tiến Long và giữ nguyên nội dung quyết định 134.
Quyết định gây tranh cãi
Sau khi nhận được Quyết định 1178 của Cục Sở hữu trí tuệ, công ty Hiệp Tiến Long tiếp tục có đơn khiếu nại lần hai gửi Bộ KH&CN. Tuy nhiên lần này, chính xung đột quan điểm giữa Thanh tra Bộ KH&CN và Cục Sở hữu trí tuệ đã khiến Bộ KH&CN ra một quyết định đảo ngược hoàn toàn tình thế.
Cụ thể, ngày 18/10/2013, Bộ KH&CN ra quyết định 3185, giải quyết khiếu nại lần hai của công ty Hiệp Tiến Long đối với quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 72858. Theo đó, Bộ KH&CN đã hủy bỏ hiệu lực quyết định số 134 ngày 21/10/2009 và quyết định giải quyết khiếu nại số 1178 ngày 8/6/2011 của Cục Sở hữu trí tuệ.
Trong vụ việc này, thay vì hướng dẫn Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi hoặc hủy quyết định 134 theo quy định tại Điều 45.2(g) Luật Khiếu nại tố cáo 1998 được sửa đổi năm 2005, Bộ KH&CN lại trực tiếp hủy thẳng quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, trong suốt quá trình ra quyết định 3185, Bộ KH&CN đã không mời đại diện công ty Malco, là người có quyền và lợi ích liên quan đến đối thoại, cũng như vượt quá thời gian giải quyết khiếu nại theo quy định lần lượt tại Điều 9, Nghị định 136/2006/NĐ-CP đối với trách nhiệm tổ chức đối thoại trực tiếp và Điều 43, Luật Khiếu nại tố cáo 1998 sửa đổi 2005. Do vậy, công ty Malco Products, Inc không "tâm phục khẩu phục", nên đã làm đơn khởi kiện quyết định hành chính nói trên của Bộ KH&CN ra TAND.TP.Hà Nội.