+Aa-
    Zalo

    Công nhân đòi tiền lương, bị bắt về tội cướp tài sản: Phạm tội mà không biết?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mặc dù công trình xây dựng đã hoàn thành hơn nửa năm, nhưng chủ vẫn chưa thanh toán hết lương cho người lao động.

    (ĐSPL) - Mặc dù công trình xây dựng đã hoàn thành hơn nửa năm, nhưng chủ vẫn chưa thanh toán hết lương cho người lao động. Cuộc sống của những công nhân xây dựng theo kiểu thời vụ trở nên khó khăn hơn. Họ tìm đến gặp chủ thầu đòi tiền rồi dẫn đến xô xát, cướp tiền của chủ, bị công an bắt. Vụ việc được dư luận quan tâm hơn, khi bản chất của vụ việc chỉ là đi đòi tiền lương!

    Đòi tiền công thành cướp tài sản?

    Bức xúc việc chủ thầu chậm chi trả tiền công, một nhóm công nhân xây dựng công trình cảng Tổng hợp, thuộc phường Phú Hữu, quận 9, do Nguyễn Văn Bé Sáu (SN 1968, quê Đồng Tháp) dẫn đầu, đã theo dõi hành tung của người chủ thầu này, với mục đích đòi lại tiền. Liên quan đến thông tin trên, vào chiều 7/9, đại diện Công an quận 1, TP.HCM xác nhận, chủ thầu công trình nói trên là Nguyễn Văn M. (SN 1975, ngụ tỉnh Vĩnh Long). Ông này thiếu tiền lương của nhóm Sáu, dù nhóm này đã nhiều lần tìm đòi. Chiều 20/8, biết tin ông M. đến trụ sở công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp cảng biển Đ.D. (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1) nhận tiền công trình, nhóm ông Sáu gồm gần chục người tìm đến đòi tiền. Khi gặp, ông M. hứa với nhóm của Sáu, nhận tiền xong sẽ thanh toán. Tuy nhiên nhóm công nhân của Sáu không đồng ý và yêu cầu ông M. trả tiền ngay tại công ty. Nhận gần 113 triệu đồng, ông M. bỏ vào túi quần.

    Khi ông này vừa ra cổng, thì một người trong nhóm của Sáu xông vào khống chế, quật ngã xuống đường. Sáu và những người khác xông vào lấy số tiền của ông M. trong túi. Ông M. bỏ chạy ra cổng, một người khác trong nhóm công nhân ném gạch vào đầu gây thương tích. Ông M. đánh trả, người này bỏ chạy. Kiểm tra tài sản, ông M. phát hiện mất khoảng 109 triệu đồng, lập tức đến Công an phường Bến Nghé trình báo.

    Được biết, sau khi lấy tiền từ trong túi của ông M., nhóm của Sáu hẹn gặp nhau tại công trường, kiểm đếm được 71 triệu đồng. Nhóm này họp bàn, đem đến cho một cai thầu để công khai việc chia tiền lương thiếu. Một số công nhân khác cho biết, việc chia tiền được nhóm của Sáu thực hiện theo thủ tục và có ghi chép cụ thể. Số tiền mỗi người được nhận bằng với số tiền mà ông M. đã nợ họ trước đó. Sau khi chia hết cho công nhân, còn dư ra 5,8 triệu đồng, nhóm của Sáu đưa lại cho một người cất giữ, để sau đó trả lại cho ông M..

    Ngày 28 và 29/8, Công an quận 1 đã truy xét, bắt 7 đối tượng do Sáu cầm đầu, lấy tiền của ông M., chia trả lương công nhân. Sau khi bị bắt, nhóm của Sáu đã gom lại số tiền lấy của ông M. giao cho công an. Một cán bộ điều tra Công an quận 1 cho biết, bước đầu, nhóm này thừa nhận hành vi như khai báo, do bức xúc vì đòi tiền công không được nên bất đắc dĩ mới dùng đến biện pháp bạo lực, hoàn toàn không nghĩ đến hậu quả là “dính” đến pháp luật.

    Theo tìm hiểu của PV thì việc 7 công nhân bị bắt, khiến nhiều công nhân khác của chủ thầu này rất bức xúc. Anh N.V.N., một công nhân cùng làm việc với 7 người bị bắt, chia sẻ: “Chủ thầu nợ lương mấy tháng, làm cho cuộc sống của chúng tôi khó khăn, bế tắc. Thấy mọi người khổ sở quá, nên mấy anh em mới rủ nhau, quyết đi đòi cho được tiền. Họ chỉ là đi đòi lại tiền lương thuộc về chúng tôi thôi, chứ không có chuyện cướp bóc gì cả”.

    “Tình ngay, lý gian”

    Chiều 7/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Tố Nga, đại diện công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp cảng biển Đ.D., có trụ sở tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP.HCM) chia sẻ: “Công trình ông M. nhận thầu của công ty tôi là công trình xây dựng cảng Tổng hợp tại phường Phú Hữu (quận 9, TP.HCM). Thời gian thực hiện là một năm và được ông M. cùng nhân viên thực hiện trong năm 2014. Mặc dù, công trình này xây dựng đã xong, nhưng mới đây chúng tôi mới thanh toán số tiền còn lại. Bởi, trong hợp đồng đã thể hiện rõ việc thanh toán tiền sẽ được chia ra nhiều giai đoạn. Sau khi hoàn thành, chúng tôi phải kiểm tra, tiến hành làm thủ tục xác minh về độ an toàn của việc thi công công trình, xem có đảm bảo hợp đồng thì mới thanh toán hết. Thực ra, việc ký hợp đồng chúng tôi thực hiện với ông M., còn nhóm công nhân của ông M., chúng tôi hoàn toàn không biết”.

    “Dẫu vậy, tôi vẫn mong công an vào cuộc điều tra, tha cho họ được trở về nhà. Bởi, tôi thấy việc này, ông M. đi quá xa. Công ty chúng tôi thấy ông M. và nhóm công nhân có lời qua tiếng lại trước cổng nên sợ có chuyện không hay xảy ra và báo công an vào cuộc để ngăn chặn tình trạng gây mất an ninh trật tự khu phố. Khi công an tới hiện trường, mọi việc đã xong. Theo tôi, bản chất của vụ việc không phải là cướp tài sản. Thực ra, nhóm công nhân không có tiền trang trải, cho rằng chủ của mình là ông M. “quỵt” tiền, nên họ mới xông vào đòi tiền lương dẫn tới bị bắt”, bà Nga cho biết thêm.

    Cũng trong chiều 7/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn M., chủ thầu xây dựng, người nợ tiền nhóm công nhân cho hay: “Tôi không ngờ câu chuyện lại rắc rối như vậy. Trong số những người bị công an tạm giữ, có người từng là bạn thân của tôi. Chỉ vì một phút nông nổi, khiến cho chuyện không hay đến với anh em chúng tôi. Nói cho cùng, họ đều là những người làm việc chăm chỉ, tích cực để có tiền trang trải cho gia đình, con cái và họ đều nghèo, xa quê lên TP.HCM kiếm sống. Tôi cũng đã cố gắng giải thích tất cả cho họ nghe, là tôi không cố tình nợ mà vì chưa lấy được tiền từ công ty. Do làm ăn với công ty xây dựng lớn nên việc thanh toán tiền thi công khó hơn những công ty tư nhân. Hiện, tôi đã viết giấy bãi nại, để công an cho họ về, nhưng chưa được”.

    Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết: “Hành vi của nhóm công nhân nói trên đã đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo tôi, đây là một vụ việc “tình ngay lý gian”. Việc đi đòi tiền công của mình là chính đáng, nhưng họ quá nóng vội, mất kiềm chế, làm điều vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ đây cũng là một bài học sâu sắc cho những người lao động, khi thực hiện việc đòi quyền lợi. Xét về pháp lý, tôi nghĩ, sẽ có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho nhóm công nhân này như: Thành thật khai báo, gây thiệt hại ở mức độ nhẹ...”.

    Thượng tá Nguyễn Nhật Thành, Phó trưởng Công an quận 1 cho biết, vụ Sáu cùng đồng bọn cướp tài sản vẫn đang được Công an quận 1 điều tra. Lúc đầu, vụ việc được Công an phường Bến Nghé tiếp nhận điều tra. Sau khi nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến hành vi cướp tài sản nên Công an quận 1 đã tiến hành điều tra, bắt tạm giữ các đối tượng liên quan, chứ chưa khởi tố vụ án. Hành vi của những công nhân này đã đủ yếu tố pháp lý cấu thành tội phạm. Nhưng về thực chất, vụ việc là một trường hợp “tình ngay lý gian”.

    Chờ quyết định của Viện Kiểm sát

    Chiều 7/9, trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Công an quận 1 cho biết: “Tôi được cán bộ báo cáo vụ này. Hiện vụ việc trong quá trình điều tra nên chúng tôi chưa thể trả lời được. Việc có khởi tố vụ án hay không do kết quả điều tra từ công an, mà do quyết định của Viện KSND quận 1, dựa trên hồ sơ vụ việc cũng như tình tiết vụ án. Tuy nhiên, theo nội dung vụ án mà tôi biết, nhóm công nhân không thể vì thiếu nợ mà hành xử như vậy được”.

    HẢI ĐĂNG – LÀNH NGUYỄN

    [mecloud]OOw5qCbPyM[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-nhan-doi-tien-luong-bi-bat-ve-toi-cuop-tai-san-pham-toi-ma-khong-biet-a111014.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.