+Aa-
    Zalo

    Công nghệ "lên đời" thịt lợn nái thành… thịt lợn rừng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Để có được thịt lợn rừng giả, Hậu chọn mua những con lợn nái già tuổi hết khả năng đẻ rồi mang về nhốt một thời gian cho tiêu bớt lớp mỡ...

    (ĐSPL) - Để có được thịt lợn rừng giả, Hậu chọn mua những con lợn nái già tuổi hết khả năng đẻ rồi mang về nhốt một thời gian cho tiêu bớt lớp mỡ...

    [mecloud]HoNPBfDTfq[/mecloud]

    Sáng 24/7, Công an huyện Phù Cát cho biết chủ tịch UBND huyện này vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Trương Văn Hậu (SN 1978, ngụ xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) với số tiền gần 41 triệu đồng về các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, Hậu còn bị buộc tiêu hủy gần 850 kg thịt lợn nái chưa qua kiểm dịch.

    Trước đó, ngày 20/7, Công an huyện Phù Cát bất ngờ kiểm tra thì phát hiện Hậu đang cặm cụi “chế biến” gần 1 tạ thịt lợn nái thành… thịt lợn rừng ngay tại nhà mình. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Hậu đã khai nhận về “lò sản xuất” lợn rừng giả khá tinh vi của mình.

    Dùng kim bắn lông 3 chấu cho giống thịt lợn rừng thật. (Ảnh minh họa).

    Cụ thể, để có được thịt lợn rừng giả, Hậu chọn mua những con lợn nái già tuổi hết khả năng đẻ rồi mang về nhốt một thời gian cho tiêu bớt lớp mỡ. Sau đó, Hậu để nguyên con giết thịt, dùng đèn khò thui lớp da bên ngoài cho có màu vàng, tiếp đến dùng kim bắn lông 3 chấu cho giống thịt lợn rừng thật rồi đưa ra thị trường tiêu thụ với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Với cách làm trên, mỗi ngày Hậu kiếm được tiền triệu từ việc bán thịt lợn rừng giả.

    Huyện Phù Cát được xem là nơi tập trung nhiều “lò chế biến” lợn rừng giả nhiều nhất tỉnh Bình Định. Ước tính, thời gian qua, mỗi ngày nơi này cung cấp hàng tấn thịt lợn rừng giả cho thị trường TP HCM và các tỉnh phía Nam, thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.

    Trước tình trạng trên, thời gian qua, các lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường kiểm tra và liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ chế biến lợn rừng giả với số lượng lớn. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn cứ tồn tại dai dẳng ở địa phương.

    "Thịt lợn rừng" để lâu ngày và không được bảo quản đúng cách, thịt đã xỉn màu, bốc mùi hôi thối..

    Trước đó, sáng 17/3, kiểm tra một xe tải chạy trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hoá), nhà chức trách địa phương phát hiện 9 thùng xốp đựng hơn 650 kg thịt và đuôi lợn. Tất cả đều là thịt lợn nái đã được thui sơ chế, lọc xương và mỡ, còn nguyên da.

    Lái xe đồng thời là chủ hàng khai tên Phạm Văn Cương (quê xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, Nam Định) cho hay thu gom số thực phẩm trên ở Nam Định và đang vận chuyển vào Nha Trang, Vũng Tàu để phân phối cho các nhà hàng. Do để lâu ngày và không được bảo quản đúng cách, thịt đã xỉn màu, bốc mùi hôi thối.

    Theo cơ quan chức năng, trên bì của những mảng thịt lợn bị thu giữ có nhiều chấm nhỏ màu đen trông như lỗ chân lông. Đây là dấu kim nung đỏ sau đó châm thành lỗ màu đen để giả như thịt lợn rừng nhằm bán với giá cao.

    Lực lượng quản lý thị trường Thanh Hóa đã lập biên bản tạm giữ phương tiện đồng thời xử phạt hành chính chủ xe hơn 24 triệu đồng.

    Thịt lợn rừng chuẩn.

    Dấu hiệu nhận biết thịt lợn rừng chuẩn

    Đặc điểm bên ngoài: Lợn rừng chuẩn có da và lớp lông rất dày, mõm dài cứng để đào đất tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra chúng còn có cặp nanh hàm dưới rất dài, chìa ra khỏi mồm và hơi cong.

    Bên cạnh đó, lợn rừng có tai nhọn bé, các lỗ chân lông khá sát nhau, hốc mắt to, chân thon hơn so với khửu gối, đầu móng guốc thon và nhọn.

    Đặc điểm lớp da và thịt: Thịt lợn rừng có da khá dày và cứng. Lớp thịt nạc gần như dính liền vào với da vì lớp mỡ ở giữa rất ít hoặc không có. Da lợn rừng chuẩn thì sần sùi, không bóng và trơn láng như da của lợn nhà nuôi hoặc lợn lai.

    Màu sắc: Thịt lợn rừng có màu sắc nhạt hơn, không có màu đỏ thẫm như thịt lợn nhà và có mùi hôi khá đặc trưng.

    Hương vị của thịt lợn rừng: Thịt lợn rừng dù chế biến thế nào thì thịt vẫn giữ được vị ngọt đậm đà đặc trưng, không ra nhiều nước, săn hơn hẳn so với các thịt lợn lai, tự nuôi khác.

    Bì lợn rừng dày và khô, phải cho vào chế biến trong vòng 15 - 25 phút thì thịt mới giòn và ăn được. Còn thịt lợn lai, lợn nuôi nhà thường có nhiều mỡ, thịt mềm và bì mềm, không giòn như thịt lợn rừng.

    Ngoài ra để nhận biết thịt lợn rừng chuẩn, người nội trợ nên kiểm tra bằng cách bứt thử lỗ chân lông ở trên bì lợn xem ba lông ấy là thật hay giả. Vì lợn rừng thật thường có ba sợi lông chụm vào một chỗ, một số cơ sở thường làm giả thịt lợn rừng bằng cách bắn thêm lông vào.

    Bên cạnh đó, để tránh mua phải thịt lợn rừng giả, người tiêu dùng nên chọn mua lợn rừng tại những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh… Không nên mua ở những địa điểm không rõ nguồn gốc, xuất xứ của thịt lợn.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-nghe-len-doi-thit-lon-nai-thanh-thit-lon-rung-a103288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.