Với những ưu điểm như là loại lá lành tính, không tạo ra mùi vị lạ nên từ xa xưa ngoài sử dụng làm thuốc chữa bệnh lá riềng còn trở thành gia vị tạo màu cho món ăn.
Cây riềng là loại cây nhỏ, thân rễ mọc bò ngang, dài. Cụm hoa mặt trong màu trắng, mép hơi mỏng, kèm hai lá bắc hình mo, một màu xanh, một màu trắng. Lá không cuống, có bẹ, hình mác dài.
Ở nước ta cây riềng thường được sử dụng làm gia vị: củ riềng dùng để kho cá, nấu món thịt chó rất hợp; mầm riềng và củ riềng dùng kho cá giúp át mùi tanh và rất thơm;..
Riềng là nguồn cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… Những dưỡng chất này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.
Riềng chứa các hoạt chất mang đặc tính kháng viêm nên rất có ích trong việc điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp và giúp vết thương mau lành mà ít để lại sẹo. Bên cạnh đó, nó cũng còn có khả năng điều trị chứng khó tiêu, giúp làm giảm khó chịu gây ra do viêm loét dạ dày.
Đặc biệt, lá Riềng là loại lá lành tính, có tính sát khuẩn nhẹ và cộng với khả năng giải nhiệt nên từ lâu trong gian dan người ta thường dùng lá riềng để đun nước tắm cho trẻ nhỏ nhằm chữa trị và phòng ngừa mụn nhọt rôm sảy và chữa mụn kê.
Lá riềng tắm cho bé
Tắm lá riềng cho trẻ thường theo kinh nghiệm dân gian sẽ giúp chữa mụn kê và rôm sảy rất công hiệu: Lá riềng rửa sạch lông bề ngoài, vò nát vào cùng nước còn âm ấm cho tiết ra chất diệp lục, sau đó dùng nước này tắm cho trẻ nhỏ. Còn có kinh nghiệm khi tắm nước lá riềng cho trẻ cần dùng bé trai 7 lá, bé gái 9 lá. Nhìn chung, tắm lá riềng cho trẻ sơ sinh là kinh nghiệm truyền miệng của các cụ, về khoa học có thể cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.
Dùng nước cốt lá riềng tạo màu cho món ăn
Lá riềng được giã hoặc xay để vắt lấy nước cốt, dùng nước cốt này trộn cùng gạo đã ngâm, tạo thành màu xanh đẹp mắt. Chủ yếu là các món từ gạo nếp như xôi, bánh chưng.
Câu hát “Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng bên cành đào tươi” từ lâu như một thước đo vô hình, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tròn trịa của đất trời và sự may mắn an lành của cả năm mới. Bánh chưng hình vuông, màu xanh tượng trưng cho Đất, đây cũng là món ăn mà người Việt cúng tổ tiên trong ngày Tết để thể hiện lòng thành uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Để tạo màu xanh đẹp mắt cho những chiếc bánh chưng, nhiều người đã dùng lá riềng vò nát hoặc giã nhỏ lấy nước, sau đó trộn với nếp ngay trước khi gói bánh. Cách làm này sẽ giúp vỏ bánh có một màu xanh đẹp mắt từ trong ra ngoài và đặc biệt còn có mùi thơm và hương vị đặc biệt.
Đây là cách làm phổ biến và được rất nhiều người áp dụng. Điển hình là bánh chưng nếp nương lá riềng Điện Biên. Bánh được làm bằng gạo nếp nương Điện Biên, hạt to, dài, có mùi thơm núi rừng. Gạo nếp nương được ngâm với nước cốt lá riềng sau đó mới đem gói. Do đó, những chiếc bánh chưng nếp nương lá riềng luôn có một màu xanh mướt tự nhiên từ trong ra ngoài.
Bà Trần Thị Kiều, người dân tộc Tày, quê gốc ở Lạng Sơn đã sáng tạo nên bánh chưng có thành phần cốt lá riềng dùng để ngâm gạo. Trải qua một thời gian nghiên cứu, bà Kiều đã sáng tạo ra một công thức làm bánh hoàn toàn khác biệt với bánh chưng dưới xuôi, khác biệt từ việc ngâm gạo, rửa lá dong, thái thịt, tước lạt giang, đồ đỗ đến gói bánh, luộc bánh và vớt bánh.
Bánh chưng được làm bằng những hạt gạo dài, chắc, mẩy, mười hạt như mười nên khi bánh được ninh nhừ đến mấy vẫn giữ nguyên được hình dáng hạt gạo, bánh dền và dù có để tủ lạnh 3-4 ngày vẫn không hề lại gạo như với những loại bánh thông thường.
Chia sẻ bí quyết này, bà Trần Thị Kiều (80 tuổi) tại TP. Điện Biên cho biết: “Tôi thường phải dày công nghiên cứu xem làm thế nào để bánh xanh được. Một hôm tình cờ có cô bạn làm cùng tôi bảo lá riềng và gạo nếp nương rất hợp nhau, lấy nước lá riềng giã ngâm gạo thì bánh xanh mà thơm lắm. Tôi nghe theo và thế là 30 năm rồi tôi đều gói bánh theo cách này.”
Bánh chưng lá riềng có màu xanh đậm hơn nhiều so với dùng lá dứa rất đẹp mắt, hương vị thơm mát, ăn không ngán, thích hợp cho cả bánh chưng chay nhân ngọt và bánh chưng mặn nhân thịt.
Nguyễn Hà(T/h)