Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, nhiều người đã trục lợi bằng những sản phẩm làm đẹp kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái với công dụng "đẹp cấp tốc", "trắng da thần tốc". Thậm chí, trên thị trường còn xuất hiện tràn lan các loại thuốc được gắn với mác 'thuốc đông y gia truyền'.
Đông y Dung Hà mạo nhận danh hiệu để đánh bóng thương hiệu
Để đánh bóng thương hiệu thuốc gia truyền của mình, công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà đã không ngần ngại mạo nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng Việt Nam” không có thực.
Được biết, công ty Dung Hà vừa mới được thành lập vào tháng 3/2017, thế nhưng theo như thông tin đăng tải trên website của doanh nghiệp này, ngày 16/6/2016, Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã vinh danh “Thương hiệu vàng Việt Nam” cho Đông y Dung Hà. Sản phẩm “Thuốc xoa bóp xương khớp Dung Hà” đã đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng vàng năm 2016”.
Thế nhưng, hiện tại Bộ Y tế chưa cấp giấy chứng nhận nào cho sản phẩm có tên “Thuốc xoa bóp xương khớp Dung Hà”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Từ - Chánh Văn phòng Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (VINASME) cho biết: “VINASME không trao chứng nhận cho Công ty Dung Hà. Như vậy, công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà đã tự trao giải thưởng không có thực cho mình.
Nắm bắt được sự việc, ngay sau đó Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã khẩn trương thành lập đoàn thanh tra để làm rõ vấn đề. Theo thông tin mới nhất từ ông Lều Văn Quân - Chánh Thanh tra Sở, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên phát hiện Công ty hóa chất Quang Xanh - doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại sản phẩm “Bách nhi tán” và “Đặc trị xương khớp” cho Đông y Dung Hà - đã có hàng loạt vi phạm rất nghiêm trọng.
Cụ thể là doanh nghiệp này đã sản xuất kinh doanh mỹ phẩm có nhãn mỹ phẩm ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm, vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 53, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực Y tế. Do đó, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã áp dụng hình thức xử phạt với Công ty hóa chất Quang Xanh số tiền là 30 triệu đồng. Ngoài ra, buộc doanh nghiệp này phải phối hợp cùng Công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà kiểm kê, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số lượng mỹ phẩm còn tồn...
Công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà mạo nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng Việt Nam” không có thực. |
Không chỉ có công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà mới 'dám' đánh bóng thương hiệu bằng chiêu trò mạo nhận danh hiệu.Trước đây cũng có không ít doanh nghiệp tự trao cho mình những danh hiệu 'trên trời rơi xuống'. Thậm chí, như cơ sở Thái Chân Đường (số 7 đường Dân Chủ, TP Hòa Bình) với thương hiệu thuốc An Nhãn còn giả danh chứng nhận của Bộ Y tế, khẳng định đặc trị cận thị chỉ trong vòng 15-30 ngày. "Nhà thuốc" này công khai Giấy chứng nhận lưu hành số 00015/2015/ATTP-CNĐK do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp.
Thuốc đông y gia truyền trộn... tân dược
Quảng cáo là thuốc đông y nhưng lại trộn tân dược là chiêu trò của cơ sở thuốc đông y gia truyền Hà Tộc ở số 34, khu tập thể ngân hàng Ba La, Hà Đông, Hà Nội.
1/10/2016, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở thuốc đông y gia truyền Hà Tộc. Qua đó, đoàn kiểm tra phát hiện trong 10 gói thuốc bột đóng gói có nhãn “Thuốc đông y gia truyền” của nhà thuốc đều có thành phần hoạt chất tân dược là Prednisolon, Dexamethason acetat và Paracetamol.
Đặc biệt, cơ sở thuốc đông y này không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành lập biên bản xử phạt 80 triệu đồng đối với ông Hà Quang Phước - chủ cơ sở lương y gia truyền Hà Tộc - về hành vi vi phạm sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, yêu cầu cơ sở tiêu hủy toàn bộ số thuốc không bảo đảm chất lượng và chấm dứt ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc.
Hiểm họa từ thuốc đông y giả.
Cơ sở thuốc đông y gia truyền Hà Tộc. |
PGS.TS Trần Văn Thủy -Tổng hội Y dược học Việt Nam - cho biết, việc trộn các hoạt chất có tác dụng dược lý mạnh của tân dược vào các dạng bào chế đông dược, thực phẩm chức năng... là nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh: Giảm đau, ăn ngon, ngủ yên, tăng cân, sinh lực dồi dào, trí óc minh mẫn... Tuy nhiên, di chứng về sau cho sức khỏe là hết sức nặng nề. Thông thường, người bệnh sẽ rất khó lường trước được các nguy hiểm vì cứ tin rằng mình đang uống thuốc có nguồn gốc dược liệu an toàn và uống kéo dài. Chỉ đến khi phát hiện những tác dụng có hại thì đã muộn, tình trạng bệnh đã rất trầm trọng.
Những tác hại đông dược pha tân dược gây ra có thể là: Loét dạ dày, gây xốp xương, phù, tăng huyết áp, rậm lông (thuốc có chất corticoid), loét đường tiêu hóa, xuất huyết, dị ứng (thuốc có hoạt chất chống viêm không steroid), buồn ngủ, khô miệng (thuốc có cyproheptadin), suy gan (thuốc có paracetamol); nhức đầu, chóng mặt, dạ dày khó chịu (thuốc có sildenafil). Nếu dùng sildenafil kết hợp với các thuốc nhóm nitrate - thuốc trị đau thắt ngực - thì còn nguy cơ gây ra tụt huyết áp, trụy tim mạch, dẫn đến tử vong... Vì vậy, việc trộn tân dược vào đông dược là điều cấm kỵ trong bào chế thuốc.
Thực trạng mỹ phẩm giả, thuốc đông y không đạt tiêu chuẩn... được các "ông lừa" đội lốt doanh nghiệp tung ra thị trường tràn lan đang khiến người tiêu dùng hoang mang. Rất nhiều người lo ngại tiền mất tật mang. Để tránh bị lừa, rước bệnh vào thân, người tiêu dùng luôn luôn cảnh giác, không tự ý mua thuốc ở những cơ sở không uy tín, không mua thuốc, mỹ phẩm được rao bán qua mạng internet, nếu có bệnh nên đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh để được bác sĩ kê đơn.
Mỹ An (T/h)