+Aa-
    Zalo

    Cố vấn chính phủ Iraq: IS có đến 100.000 chiến binh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trái với dự đoán của phương Tây, một cố vấn an ninh Iraq nói nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện có trong tay tới 100.000 thành viên.

    (ĐSPL) – Trái với dự đoán của phương Tây, một cố vấn an ninh Iraq nói nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện có trong tay tới 100.000 thành viên.
    Quân số Nhà nước Hồi giáo đông hơn dự kiến
    Theo Russia Today, một cố vấn an ninh hàng đầu của Iraq có quyền truy cập thông tin tình báo cho biết quân số của “Nhà nước Hồi giáo” (IS) – trước đây là “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS) - là cao hơn nhiều so với ước tính của các nhà quan sát nước ngoài (20.000-50.000) và lên tới 100.000 chiến binh. Theo ông này, IS đang nuốt chửng và thâu tóm các nhóm nổi dậy khác.
    Cố vấn chính phủ Iraq: IS có đến 100.000 chiến binh

    Chiến binh Hồi giáo vũ trang trong xe quân sự diễu hành dọc theo đường phố tỉnh Raqqa của Syria ngày 30 tháng 6 năm 2014.

    Ông Hisham al-Hashimi, cố vấn tình báo của chính phủ Iraq, nói:  "Nhà nước Hồi giáo không từ trên trời rơi xuống mà là một sự mở rộng của các nhóm đã tồn tại trước đây, xét theo khía cạnh lịch sử và ý thức hệ”.
    Với việc đánh chiếm thành phố Mosul  - một thành trì của người Sunni - trong hồi Sáu, ISIS đã thu thập thêm hàng ngàn chiến binh mới, trong đó có cựu quan chức quân đội của chế độ Saddam Hussein vốn kịch liệt phản đối chính phủ Iraq do người Shiite chiếm đa số hiện nay. Đó là chưa kể những người bị ép buộc gia nhập ISIS. Đáng lo ngại hơn nữa là quân số của IS còn tăng thêm do các cuộc không kích của Mỹ.
    Cựu sĩ quan tình báo Salem Aljomaily phụ họa: "Hầu hết những người vừa tham gia nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo là các sĩ quan quân đội cũ hoặc con em của họ".
    Một chuyên gia tình báo nữa là Ibrahim al-Sumaidei cũng tán đồng ý kiến của cố vấn Hashimi và nói: "Quân số của Nhà nước Hồi giáo  nước đã được nhân lên một cách rất nguy hiểm ... Việc có trong tay rất nhiều vũ khí và tiền bạc đã khiến cho Nhà nước Hồi giáo thu hút được rất nhiều chiến binh của các nhóm nổi dậy khác ở Iraq và Syria”.
    Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc ngày 27/8 đã lên tiếng lo ngại rằng khá nhiều trẻ em đang bị ép buộc tham gia lực lượng Nhà nước Hồi giáo và  xuất hiện ngày càng nhiều tại các trại huấn luyện của IS ở Syria. Số thành viên của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo được chia đều giữa Syria và Iraq  và bao gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như hậu cần, kinh doanh.
    Nhà nghiên cứu Harith Hassan của Đại học Harvard  đã so sánh Nhà nước Hồi giáo với al-Qaeda và cho rằng ISIS là “nhóm thánh chiến mạnh nhất". Đó là chưa kể các chiến binh thánh chiến của IS đến từ khắp các khu vực từ  Trung Đông, Bắc Phi cho đến  Châu Âu , Chechnya, Anh và Mỹ.
    Thổ Nhĩ Kỳ“nuôi ong tay áo”
    Mối đe dọa ngày càng tăng này hiện nay đang nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã hậu thuẫn và dung dưỡng các lực lượng nổi dậy chống chính phủ Syria, trong đó có các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Chính Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử qua lại biên giới kể từ đầu cuộc nổi dậy ở Syria.
    Mối đe dọa này xuất phát từ biên giới Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ không kiểm soát nổi “dòng chảy chiến binh thánh chiến nước ngoài “ tham chiến. Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa biên giới cho đám chiến binh thánh chiến nước ngoài, miễn là họ tham gia khởi nghĩa và đánh lại các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Khốn nỗi, gió đã đổi chiều.
    Cố vấn chính phủ Iraq: IS có đến 100.000 chiến binh

    Chiến binh Nhà nước Hồi giáo diễu hành trên xe bọc thép chiếm được

    Vào ngày Chủ Nhật (24/8), những kẻ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo đã đánh chiếm một căn cứ không quân ở phía đông bắc của Syria với mục đích tiến gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ từ thành phố Raqqa, thủ đô mới thành lập của Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
    Các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo hiện đang phân bổ lại  vũ khí và lực lượng chiến đấu, một nguồn thạo tin nói với Reuters.
    Cuối tuần qua, các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo đã tiến quân cách Aleppo khoảng 60 dặm (97km) về phía bắc, với nhiều xe bọc thép chiếm được  ở các căn cứ mà quân đội Iraq bỏ lại trong khi tháo chạy.
    Một chiến binh của nhóm phiến quân Mặt trận Hồi giáo Syria nói với báo Guardian rằng đám chiến binh của Nhà nước Hồi giáo “hung hãn như quân Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn”.
    Một số lượng lớn các chiến binh thánh chiến nước ngoài đã vào Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
    Một chiến binh thánh chiến Hồi giáo người nước ngoài nói với Reuters: "Biên giới (Thổ Nhĩ Kỳ-Syria) đã rộng mở. Chúng tôi ra vào Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ dàng. Các lô vũ khí được nhập lậu dễ dàng vào Syria".
    Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cực lực phủ nhận mọi cáo buộc rằng họ đã  bí mật tài trợ và cung cấp vũ khí cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Nhưng bản thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ  cũng không hề giấu giếm mục tiêu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
    Một nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) tại Ankara nói với Reuters rằng "hàng ngàn công dân  Châu Âu đã qua Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến Syria, và một số lượng lớn trong số đó đã gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan”. Nhà ngoại giao này nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị “gậy ông đập lưng ông” và mối đe dọa thánh chiến Hồi giáo hiện là một “một ưu tiên an ninh hàng đầu" đối với Thổ Nhĩ Kỳ .
    Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước ông đã cấm nhập cảnh hàng ngàn nghi can khủng bố và số người bị cấm nhập cảnh  lên tới 4.000 trong năm ngoái.
    Nhiều chuyên gia lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành “Ai Cập thứ hai”, với việc khách du lịch bị tấn công và hoạt động khủng bố đã trở thành “chuyện cơm bữa”. Nếu Nhà nước Hồi giáo coi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù, chính phủ nước này khó có thể làm được gì nhiều để hóa giải các cuộc tấn công khủng bố của IS.
     Tuy nhiên, với công dân của khoảng 80 quốc gia trên thế giới đang tham chiến ở Syria và Iraq, việc qui cho Thổ Nhĩ Kỳ là  "người gác cổng duy nhất" thật không công bằng, mặc dù nước này ở vị trí thuận lợi nhất để ngăn cản sự lây lan của khủng bố trong khu vực.
    Các chính khách ở Trung Đông và EU vẫn tiếp tục cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ làm ngơ trước hiểm họa khủng bố. Một lãnh đạo khu vực nói với báo Guardian của Anh: "Chúng ta hãy chờ xem họ (Thổ Nhĩ Kỳ) phản ứng như thế  nào với trước đà tiến của  ISIS hiện nay... Hơn một năm nay, dân chúng đã nói với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Bây giờ, họ phải đóng cửa biên giới và Nhà nước Hồi giáo sẽ không để yên”.
    Theo cố vấn an ninh al-Hashimi, Ankara hiện phải đưa ra một sự lựa chọn. Ông dự đoán: "Lần này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm điều gì đó và đóng cửa các đường biên giới bởi vì họ  không còn tin tưởng Nhà nước Hồi giáo nữa, sau khi ISIS tấn công người Kurd. Họ hiểu bây giờ mà ISIS có thể chống lại họ".
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-van-chinh-phu-iraq-is-co-den-100000-chien-binh-a48385.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan