(ĐSPL) - Nhận định chung của báo chí Pháp số ra ngày 22/8 là tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” đang thách thức, đe dọa cả thế giới.
Bài xã luận của báo Le Monde nhận định vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley trên cho thấy rõ “chiến thuật gây kinh hoàng” của những kẻ cực đoan tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo”.
Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq và Syria đang thách thức, đe dọa cả thế giới |
Theo RFI, bài viết nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên một phóng viên Mỹ bị các phần tử Hồi giáo cực đoan sát hại. Bốn tháng sau vụ khủng bố tòa tháp đôi 11/9/2001, một phóng viên Mỹ của tờ Wall Street Journal cũng đã bị Al-Qaeda hành quyết trước một ống kính camera. Hai năm sau đó, đến lượt một doanh nhân người Mỹ cũng chịu một số phận tương tự tại Iraq.
Dù gì đi chăng nữa, đoạn video đó cũng đã đạt được mục đích của nó : tạo được một tiếng vang toàn cầu ngay tức thì cho quân thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo”, mặc dù trang web cũng như nhiều mạng xã hội khác đã nhanh chóng có những biện pháp để hạn chế việc lưu truyền.
Có thể nói là hành vi tàn bạo đó vẫn như cũ, chỉ có điều là vụ việc lần này được thực hiện tinh vi hơn. Nếu như phương Tây sau 12 năm đã làm suy yếu được phe Al-Qaeda qua việc hạ sát được Osama Bin Laden, thì với vụ hành quyết nhà báo Mỹ vừa qua, “Nhà nước Hồi giáo” muốn chứng tỏ rằng không những họ là những kẻ thừa kế chính hiệu, mà tai ương sẽ được gieo rắc khắp nơi ngay trong lòng xã hội phương Tây. Mà bằng chứng hiển nhiên là giờ đây hàng trăm thanh niên Châu Âu tham gia vào đội quân thánh chiến của tổ chức này.
Nhà nước Hồi giáo thách thức cả thế giới
Về điểm này, nhật báo công giáo La Croix có cùng nhận định với Le Monde. Trên trang nhất, với tấm ảnh phóng viên Mỹ James Foley đang tác nghiệp, La Croix đăng tít lớn trên trang nhất “Thế giới bị Nhà nước Hồi giáo thách thức”. Báo này cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác để chống lại hành động cực đoan của quân thánh chiến.
Trong bài “Nhà nước Hồi giáo: Một mối họa cho thế giới” trên trang hai, La Croix viết kể từ khi tổ chức này thành công trong việc chiếm được quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của Iraq và Syria, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” đang làm run sợ cả thế giới. Theo đánh giá của Alaya Allani, một chuyên gia về Hồi giáo thuộc Đại học Tunis, « Tổ chức này có đến 12 ngàn quân, sở hữu nhiều thiết bị tinh vi, thu được từ quân đội Iraq và rất có thể có một gia tài trị giá lên đến một tỷ USD”.
Không những thế, “binh lính của Nhà nước Hồi giáo còn cực đoan và cuồng tín hơn cả Al-Qaeda. Chúng sở hữu nhiều loại phương tiện và một cứ địa mà Al-Qaeda chưa bao giờ có được. Đây quả là một mối họa cho toàn cầu”, theo như nhận xét của nhà nghiên cứu về Iraq, ông Karim Pakzad thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và chiến lược IRIS của Pháp.
Giáo sư Mathieu Guidère, chuyên nghiên cứu về Hồi giáo của trường Đại học Toulouse II , Pháp giải thích thêm là việc chiếm cứ lãnh thổ tại Iraq có ý nghĩa quan trọng cho quân Nhà nước Hồi giáo (IS), bởi vì nó cho phép chúng có thể tự tài trợ một phần về mặt tài chính thông qua việc thu thuế và bán dầu hỏa.
Vấn đề là xung đột tại đây bắt đầu có những tác động lên quốc gia láng giềng Lebanon. Các chuyên gia quan ngại nhiều nhóm thánh chiến khác, noi theo IS mà gia tăng các hành động bạo tàn.
Bàn về nguyên nhân của sự đi lên như vũ bão của quân thánh chiến cực đoan, La Croix trích nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng chính sự thiếu vắng một chuyên ngành đào tạo khoa học nhân văn trong thế giới Hồi giáo là “miền đất màu mỡ” cho tổ chức tự phong Nhà nước Hồi giáo hoành hành.
Truy lùng kẻ sát nhân
Việc truy lùng kẻ sát hại phóng viên Mỹ cũng được các báo Pháp theo dõi sít sao. Trong bài “Tên đao phủ làm Luân Đôn lo lắng”, báo La Croix viết kẻ hành quyết nhà báo Mỹ có lẽ là người Anh.
Le Parisien nói rõ cụ thể qua phân tích băng hình cảnh hành quyết nhà báo, tên đao phủ, dù mặc đồ trùm kín đen và che mặt nhưng “gần như đã bị chính quyền Anh và Mỹ nhận dạng”. Le Parisien trích một vài chi tiết trong bài điều tra trên tờ báo Anh The Guardian, cho biết cảnh sát Anh và Mỹ đang lần theo hai hướng điều tra. Căn cứ vào giọng nói, tên sát nhân có thể đến từ vùng East End của Luân Đôn như phía tây nam của Anh quốc và “rất có khả năng ngay từ Luân Đôn, vùng Kent hay Essex”.
Trên trang nhất, báo Libération đăng tựa nhỏ “Cuộc truy lùng đang diễn ra”. Tờ báo cho hay London đang “lần theo dấu vết kẻ hành quyết”. Các nhân viên mật vụ Anh và FBI của Mỹ “có lẽ đang tập trung vào một đối tượng có tên gọi là ‘John’, cùng với hai người Anh khác có biệt hiệu ‘Paul’ và ‘Ringo’, dựa theo tên gọi các thành viên nhóm nhạc ‘Beatles’”. Cả ba người này có lẽ đang chỉ huy một nhóm quân thánh chiến, tác giả của nhiều vụ bắt cóc người nước ngoài xung quanh khu vực Raqqa, tại Iraq.
Con tin phương Tây: Ngành kinh doanh béo bở
Tuy nhiên theo nhiều tờ báo Pháp, trước khi vụ nhà báo Mỹ bị hành quyết xảy ra, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã từng cố gắng giải cứu các con tin tại Syria nhưng bất thành.
Libération và Le Figaro dẫn lời các báo Anh Mỹ cho hay vào đầu mùa hè này, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bí mật tiến hành một vụ tấn công vào “nhà máy con tin” của Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Thế nhưng, chiến dịch đã thất bại. Cùng lúc đó, thân nhân của nạn nhân cũng như chủ tòa bút trang mạng GlobalPost khẳng định là quân thánh chiến đã yêu cầu một số tiền chuộc trị giá hơn 100 triệu đô la.
Theo nhận định của tờ New York Times được Libération trích dẫn lại thì Al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan xem việc bắt cóc các con tin phương Tây như là một ngành kinh doanh béo bở, và có thể thu về hàng trăm triệu đô la từ các khoản tiền chuộc.
Vấn đề “tiền chuộc hay cái chết của những con tin” đang đặt phương Tây và Mỹ vào “tình thế khó xử”. Mỹ không chấp nhận chuyện trả tiền chuộc như Châu Âu đã làm. Mỹ cho rằng trả tiền chuộc như Châu Âu chỉ có lợi trong ngắn hạn nhưng không giải quyết được vấn đề mà còn gián tiếp “tài trợ cho quân khủng bố, giúp chúng tăng cường ảnh hưởng và khả năng chiến đấu”, theo như nhận định của một cựu nhân viên CIA. Ông này cho rằng “sự khác biệt về phương thức hành động giữa Mỹ và Châu Âu chẳng tốt cho bên nào cả”.
La Croix nhấn mạnh rằng hành động sát hại nhà báo James Foley buộc cộng đồng thế giới phải có trách nhiệm hơn nữa, không những đối với các con tin phương Tây mà còn cả đối với tất cả những nạn nhân khác của Nhà nước Hồi giáo, dù đó là người Công giáo, Yezidi hay Hồi giáo.