"Các công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam đủ sức đảm nhận trọng trách này, vấn đề là phải có cơ chế thực hiện..." - Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội (HNX) chia sẻ.
432 DNNN sẽ cổ phần hóa (CPH) là mục tiêu mà Chính phủ đã quyết trong công cuộc tái cấu trúc DNNN từ nay đến hết năm 2015. Nhưng làm thế nào để bán được cổ phần của số DNNN này trong 2 năm là câu hỏi lớn khi bàn về tính khả thi của kế hoạch này.
|
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội. |
Ở vai trò của Sở GDCK - nơi tổ chức đấu giá DNNN, Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng chia sẻ, về phía Sở, HNX đã nâng cấp hệ thống, tập huấn đại lý, bổ sung nhân sự, sẵn sàng bước vào “chiến dịch mới” về đấu giá cổ phần. Tuy nhiên, để các cuộc bán vốn thành công hơn, cần hơn nữa một sự đổi mới về tư duy và cách làm.
- Quyết liệt CPH 432 DNNN năm nay và năm tới là mục tiêu trọng yếu mà Chính phủ đề ra mới đây. Ông cảm nhận như thế nào về mục tiêu này?
- Cổ phần hóa DNNN là mục tiêu lớn và hoàn toàn đúng đắn trong nỗ lực cải cách DNNN và tạo động lực tăng trưởng mới. Thực tế, tiến trình này đã được thực hiện từ nhiều năm trước và cũng đã từng nhiều lần đổi mới về cách làm, để đến hôm nay, từ 12.000 DNNN, Việt Nam chỉ còn gần 1.000 DNNN. Đặc biệt, kể từ năm 2005, việc bán vốn nhà nước được đại chúng hóa mạnh mẽ bằng cách thực hiện bán cổ phần qua các Sở GDCK (trước đó, thực hiện bán tại DN hoặc bán qua tổ chức tài chính trung gian như CTCK). Nhiều DNNN lớn đã cổ phần hóa thành công như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Nhiệt điện Phả Lại, Vietcombank, Bảo Việt, Vietinbank, Vinaconex, Petrolimex, PVI… Sau cổ phần hóa, không ít DN đã niêm yết cổ phiếu, giúp TTCK có nguồn hàng dồi dào, chất lượng, thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư.
Đánh giá về 432 DNNN phải CPH từ nay đến hết năm 2015, tôi cho rằng, đó là một mục tiêu lớn, cần nhiều sự nỗ lực và sáng tạo để thực thi. Theo đó, cùng với việc có chính sách phù hợp về định giá DNNN, xử lý chế độ của người lao động thì theo tôi, cần đa dạng hình thức bán vốn của DNNN và xây dựng lộ trình bán hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Một điểm quan trọng khác cũng cần được lưu ý trong CPH là mục tiêu đại chúng hóa DNNN có tầm quan trọng số 1, vì thế, không nên đặt nặng việc bán theo giá nào, mà cần tôn trọng quy luật cung cầu và hãy để thị trường xác định giá mua - bán.
- Thực tế, nhiều cuộc bán vốn nhà nước không thành công trọn vẹn, chỉ bán được một tỷ lệ nhất định, thậm chí không thu hút được người mua. Ông vừa nói đến việc cần đa dạng hình thức bán, cụ thể là như thế nào?
- Nhìn lại cả quá trình dài bán vốn DNNN có thể thấy, chúng ta đã thực hiện nhiều sự đổi mới: từ bán đấu giá tại DNNN, bán đấu giá qua CTCK, đến bán đấu giá qua Sở GDCK. Tại Sở GDCK, cũng có nhiều sự đổi mới: đầu tiên là mô hình 1 cấp, nhà đầu tư đặt lệnh trực tiếp tại Sở, rồi đến mô hình kết hợp, nhà đầu tư vừa đặt tại Sở, vừa đặt tại CTCK và nay là mô hình 2 cấp, nhà đầu tư đặt lệnh qua các đại lý đấu giá. Mỗi sự đổi mới đều góp phần mở rộng khả năng tiếp cận thông tin và tạo sự thuận lợi hơn cho nhà đầu tư đại chúng tham gia đấu giá. Dù vậy, đấu giá qua Sở vẫn chưa hẳn là cách làm tốt nhất cho tất cả các trường hợp, chúng ta cần tiếp tục đổi mới để các cuộc bán vốn nhà nước được thành công hơn.
|
Các CTCK hàng đầu Việt Nam đủ sức thực hiện vai trò của đơn vị bảo lãnh trong bán vốn doanh nghiệp nhà nước? |
Chẳng hạn, hãy nói đến hình thức phát hành mới bên cạnh việc đấu giá qua TTCK, như phương thức bookbuilding (dựng sổ). Theo phương thức này, tổ chức ghi sổ (đơn vị bảo lãnh phát hành) sẽ trực tiếp thăm dò, quảng bá doanh nghiệp ra thị trường, dựng sổ dựa trên đăng ký nhu cầu về số lượng và giá cả của các nhà đầu tư lớn. Quá trình này sẽ giúp xác định khối lượng, mức giá phát hành phù hợp và phân bổ cho nhà đầu tư một cách hiệu quả, nhất là đối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các ngành nghề đặc thù có đối tượng quan tâm đầu tư khá chọn lọc. Bằng phương thức này, đơn vị bảo lãnh sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình khơi cung, tạo giá. Là người đứng giữa bên bán và bên mua, đơn vị bảo lãnh buộc phải đưa ra một mức giá phù hợp với cả 2 phía, cung - cầu.
- Nhưng tại Việt Nam, các CTCK có tuổi đời còn non trẻ, liệu có thể đủ sức thực hiện vai trò của đơn vị bảo lãnh trong bán vốn DNNN không, thưa ông?
- Đúng là CTCK Việt Nam mới trải qua gần 15 năm hoạt động, nên chưa thể dồi dào tiềm lực tài chính và mạng lưới nhà đầu tư như ở các TTCK lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các CTCK hàng đầu tại Việt Nam đủ sức đảm nhận trọng trách này, vấn đề là phải có cơ chế thực hiện. Khi có cơ sở pháp lý và cơ chế khuyến khích hợp lý thì các CTCK đủ điều kiện sẽ tự mình hoặc liên kết lập thành tổ hợp tham gia bảo lãnh và rất có thể có sự liên kết với các tổ chức tài chính quốc tế nữa. Nhiều năm nay, nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội mua cổ phần của DNNN Việt Nam khi CPH. Tuy nhiên, ai chịu trách nhiệm tổ chức hệ thống tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, bám sát nhu cầu thị trường, để thúc đẩy tiềm năng này thành hiện thực? Phần việc này hiện đang còn trống, bởi các Sở GDCK mới tham gia vào quá trình bán vốn của DNNN ở vai trò tổ chức trung gian đấu giá, chứ không thực hiện vai trò của một tổ chức bảo lãnh phát hành, tìm kiếm, thương lượng để kết nối nhu cầu bên mua và bên bán. Nếu có cơ chế khuyến khích vai trò của các “bà đỡ” trong bán vốn DNNN, sẽ giúp các DNNN và Nhà nước lắng nghe tín hiệu thị trường tốt hơn, tăng khả năng thành công cho các cuộc bán vốn.
- Một vấn đề khác là nhà đầu tư dễ nản lòng khi tham gia mua cổ phần DNNN qua đấu giá, bởi họ phải chờ rất lâu sau đó, cổ phiếu mới có thể được giao dịch. Theo ông, phải xử lý điểm này như thế nào?
- Đây cũng là một điểm bất cập cần một sự đổi mới về quy trình, từ đấu giá đến giao dịch cổ phiếu. Theo quy định hiện hành, sau đấu giá, DN cần một khoảng thời gian dài để hoàn thiện thủ tục trở thành công ty cổ phần và trong khoảng thời gian này, khoản đầu tư vào DN không có cơ chế để chuyển nhượng. Theo tôi, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư có thể thực hiện lưu ký và giao dịch cổ phiếu ngay sau khi thực hiện thanh toán xong cổ phiếu vừa mua sau đấu giá. Đại hội đồng cổ đông thành lập công ty cổ phần sẽ được thực hiện trên cơ sở chốt danh sách cổ đông tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế gắn các DNNN sau CPH với niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, để tạo thêm động lực và niềm tin cho nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần.
- Tháng 3/2005, Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC, nay là HNX) chính thức khai trương hoạt động bằng việc đấu giá cổ phần DNNN. Tháng 3 năm nay, HNX bước vào “chiến dịch mới” thực hiện bán vốn DNNN. Cảm nhận về “sự kiện tháng 3” năm nay với 9 năm trước đó, có gì khác, thưa ông?
- Tháng 3/2005, sau đợt đấu giá đầu tiên Nhà máy Thiết bị điện thành công ở quy mô vài chục tỷ đồng, chúng tôi bắt tay vào việc bán trên 400 tỷ đồng vốn cổ phần tại Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Đó là cuộc bán vốn căng thẳng nhất với chúng tôi, vì không những khối lượng bán ra thị trường quá lớn, mà còn vì cả tổ chức HASTC và hệ thống công nghệ phục vụ bán cổ phần mà chúng tôi dày công xây dựng mới đi vào hoạt động được vài ngày, rất dễ xảy ra trục trặc. Rất may là cuộc bán vốn lớn đầu tiên đó đã diễn ra suôn sẻ, mở đường cho nhiều cuộc bán vốn của các tập đoàn, tổng công ty lớn sau này.
Tháng 3 năm nay, HNX sẽ thực hiện 18 cuộc bán vốn của DNNN và các tháng sau, công việc chắc cũng đầy ắp như vậy, nhưng đỡ căng thẳng hơn nhiều vì hệ thống công nghệ giờ đã hiện đại, cán bộ của HNX và hệ thống đại lý đã có kinh nghiệm phục vụ các cuộc đấu giá. 9 năm qua, HNX đã thực hiện trên 230 cuộc bán đấu giá cổ phần, với nhiều cung bậc cảm xúc. Vui mừng trước mỗi cuộc đấu giá thành công; căng thẳng trước mỗi cuộc đấu giá nhiều nghìn người tham dự và lo lắng, trăn trở mỗi khi cuộc bán vốn không trọn vẹn… Trong mọi trường hợp, chúng tôi luôn nỗ lực tối đa vai trò của một tổ chức đấu giá để góp phần hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc CPH DNNN.
Theo Đầu tư Chứng khoán
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-phan-hoa-ai-bao-lanh-ban-von-doanh-nghiep-nha-nuoc-a24715.html