(ĐSPL) - “Hình thức xử phạt hành chính chưa thực sự đủ sức răn đe người vi phạm, do đó cần phải áp dụng chế tài hình sự thì mới đủ sức răn đe", LS Hiếu cho biết.
Chưa khi nào vấn đề thực phẩm bẩn lại nổi cộm như hiện nay. Nhiều chủ cơ sở vì lợi ích kinh doanh mà bất chấp sử dụng những hóa chất độc hại để biến những thực phẩm bẩn, hôi thối trở thành loại hàng hóa tươi ngon. Ví như thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở ngâm chuối xanh trong thuốc diệt cỏ để làm cứng và chín chuối.
Tuy nhiên, hình thức xử lý cho hành vi này chỉ là phạt hành chính 6,4 triệu đồng và hầu như những vụ thực phẩm khác khi bị phát hiện cũng chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính. Liệu mức xử phạt này có quá nhẹ nhàng và không đủ sức răn đe?
Nói về điều này, Luật sư Nguyễn Công Hiếu - Trung tâm tư vấn pháp luật và vận động chính sách (ALAC) cho biết, thực tế các cơ quan chức năng đang rất đau đầu với việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP, bởi chế tài xử lý hiện nay quá nhẹ nhàng, hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức lý vi phạm hành chính là phạt tiền, bên cạnh hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 01 đến 06 tháng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Có nên đưa vào chế tài xử lý hình sự?
“Theo tôi, hình thức này chưa thực sự đủ sức răn đe người vi phạm, do đó cần phải áp dụng chế tài hình sự thì mới đủ sức răn đe. Tuy nhiên thực tế hiện nay chế tài xử lý hình sự được quy định tại Điều 244 BLHS lại đang đánh đố cơ quan chức năng vì bế tắc trong chứng minh tội phạm”, LS Hiếu cho biết.
Theo LS Hiếu, điều khoản này quy định về Tội vi phạm quy định về ATTP. Theo đó, người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Có nên đưa việc xử lý vi phạm vệ sinh ATTP vào xử lý hình sự? |
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, trên thực tế thì những điều này có nhiều bất cập bởi, theo chủ quan, luật quy định người phạm tội là người biết rõ thực phẩm họ chế biến, cung cấp là không đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc “biết rõ” đó có thể bằng trực quan: màu sắc, mùi vị… Nên đối với các thực phẩm cần có những phương tiện kỹ thuật chuyên ngành mới đánh giá được tiêu chuẩn VSATTP, vậy họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Về khách quan, điều luật này đã phi phạm tội hóa tội của những người trồng trọt, chăn nuôi nhưng sử dụng chất tạo nạc, các loại thuốc kích thích tăng trưởng cho rau… Sau đó bán cho người khác để tiêu thụ ra thị trường thì cũng không khác gì so với hành vi được quy định tại Điều 244 nhưng lại không xem đó là hành vi phạm tội.
Về hậu quả của tội vi phạm quy định về VSATTP cũng còn nhiều sự bất cập.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng; gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì thiếu những hướng dẫn này nên các vi phạm về VSATTP đang xảy ra hiện nay chỉ có thể xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, ý kiến trên cũng chưa giải quyết được “cái gốc” của vấn đề.
Theo y học thì nhiễm trùng, nhiễm độc từ thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh ngoài những triệu chứng thể hiện rõ như ngộ độc, chóng mặt, đau bụng… nhưng có những hóa chất mang tính tích lũy lâu dài có thể là vài năm, thậm chí là 10 năm mới bộc phát thành những căn bệnh nguy hiểm như ung thư…
“Như vậy, nếu ngay sau khi ăn uống thực phẩm mà bị ngộ độc cấp tính và nguy hiểm đến tính mạng mới xử lý hình sự được thì rõ ràng nó đang quá bất cập khi dung thứ cho hành vi nguy hiểm cho xã hội”, LS Hiếu cho biết thêm.
Theo LS Hiếu, chúng ta nên quy định lại việc vi phạm quy định về VSATTP, chỉ cần có dấu hiệu của hành vi phạm tội là thỏa mãn cấu thành tội phạm chứ không cần phải xảy ra hậu quả mới nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm tội phạm về VSATTP của Việt Nam hiện nay.
KIỀU LINH