+Aa-
    Zalo

    Có nên đóng nắp sau khi máy giặt xong?

    (ĐS&PL) - Có nên đóng nắp khi máy giặt xong hay không chắc hẳn là vấn đề mà nhiều người đang thắc mắc.

    Máy giặt sau khi sử dụng có nên đóng nắp không?

    Không ít người có thói quen đóng nắp máy giặt lại ngay sau khi sử dụng cho đỡ vướng, hoặc để ngăn bụi bẩn, chuột bọ vào bên trong. Tuy nhiên, đây là việc không nên làm.

    Trong quá trình hoạt động, máy giặt cần một lượng nước lớn để có thể làm sạch quần áo. Sau khi vừa giặt xong, phía trong máy vẫn còn tương đối ẩm ướt. Nếu bạn đóng nặp ngay sau khi sử dụng, độ ẩm sẽ không thể thoát ra mà tiếp tục tích tụ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, khiến quần áo càng bẩn hơn.

    Môi trường ẩm thấp, không thoáng khí và kém vệ sinh cũng là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc sinh sôi. Nấm mốc tích tụ trong lồng gặp sẽ làm quần áo có mùi ẩm mốc rất khó chịu.

    Nếu tình trạng này kéo dài thì quần áo của bạn sẽ xuất hiện những chấm đen li ti rất “cứng đầu”, khó loại bỏ khi chúng đã ăn sâu vào từng sợi vải. Về lâu dài, quần áo sẽ không đảm bảo về cả thẩm mỹ và chất lượng.

    Bạn không nên đóng nắp máy giặt lại ngay khi vừa sử dụng xong. Ảnh minh họa

    Bạn không nên đóng nắp máy giặt lại ngay khi vừa sử dụng xong. Ảnh minh họa

    Vi khuẩn và nấm mốc rất dễ hình thành ở lớp gioăng cao su xung quanh nắp máy giặt, có thể gây ô nhiễm nguồn nước được bơm vào máy giặt, qua đó ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. 

    Khi nấm mốc và vi khuẩn tích tụ đủ nhiều, bạn sẽ thấy sự bất thường của nước và hệ thống thải, chẳng hạn như nước có mùi hôi hay xuất hiện tình trạng vẩn đục, có màu tối sẫm. Nếu không vệ sinh máy giặt thường xuyên và đúng cách thì tuổi thọ của thiết bị này sẽ bị suy giảm.

    Việc đóng nắp máy giặt ngay sau khi dùng còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Cụ thể, nấm mốc hình thành và phát triển ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện bằng mắt thường. Chúng sẽ ngầm thâm nhập nguồn nước trực tiếp dùng để giặt quần áo, rồi bám vào quần áo. 

    Kết hợp với các yếu tố môi trường, thời tiết khi phơi quần áo, về lâu dài chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới da, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm hoặc cơ địa dị ứng. Thậm chí, hệ hô hấp, tình trạng viêm xoang, viêm mũi dị ứng… cũng bị ảnh hưởng.

    Tuy nhiên, bạn cũng không nên mở nắp máy giặt nếu không dùng tới thiết bị này trong thời gian dài vì rất dễ khiến bên trong máy bị bám bụi bẩn. Chưa kể, một số thứ bẩn rơi vào sẽ ảnh hưởng đến quần áo sau khi giặt, khiến máy nhanh xuống cấp hơn.

    Các tốt nhất là tạm thời không đóng nắp máy giặt sau khi lấy quần áo đã giặt ra khỏi máy. Bạn nên đợi tới khi lồng giặt bên trong khô hoàn toàn mới đóng nắp lại.

    Cần lưu ý những điều gì khi sử dụng máy giặt?

    Vệ sinh máy giặt đúng cách sau khi dùng xong

    Máy giặt sẽ bị bẩn, cặn bã bám chặt lồng giặt, che kín van cấp nước, bịt ống xả sau một thời gian sử dụng. Bạn cần vệ sinh máy giặt đúng cách để thiết bị hoạt động hiệu quả, đảm bảo vận hành trơn tru, tiết kiệm điện năng và hạn chế hư hỏng các bộ phận liên quan.

    Giặt lượng quần áo phù hợp

    Mỗi chiếc máy giặt có một khối lượng giặt nhất định. Việc nhồi nhét thật nhiều quần áo vào máy trong một lần giặt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới động cơ, có thể dẫn đến hao mòn hệ thống dây cu-roa và vòng bi của máy giặt.

    Tốt nhất bạn nên giặt quần áo theo khối lượng giặt đã ghi rõ trên vỏ máy hoặc trong hướng dẫn sử dụng, không giặt quá nhiều hoặc quá ít quần áo.

    Đặt máy giặt cân bằng trên bề mặt bằng phẳng

    Bạn không nên đặt máy giặt ở nơi không bằng phẳng, bởi việc kê máy giặt cập kênh sẽ khiến máy bị rung lắc mạnh, tạo tiếng ồn và dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu trong quá trình vận hành. Sau một thời gian ngắn, trục quay, lồng giặt có thể bị xô lệch sang một bên. Máy giặt sẽ bị rút ngắn tuổi thọ, hỏng nhanh hơn.

    Máy giặt cần được đặt trên mặt phẳng cố định. Bạn có thể trang bị thêm cho thiết bị này chân đế để giữ máy luôn cân bằng mỗi lần hoạt động.

    Để giữ máy giặt lâu bền, bạn cũng cần lưu ý không đặt thiết bị ở nơi ẩm thấp, không để nước rơi vào bàn phím máy giặt, nếu không may rơi vào thì phải lau khô ngay lập tức.

    Chú ý kiểm tra, bảo trì máy giặt

    Sau một thời gian sử dụng, máy giặt sẽ tích tụ cặn bẩn và bụi vải bên trong lồng giặt và ống nước thải, gây nhiều tác hại không tốt cho động cơ, dẫn đến các bệnh về da và hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Các chuyên gia cho biết, việc bảo dưỡng vệ sinh máy giặt cần được thực hiện định kỳ thường xuyên, khoảng từ 12- 18 tháng/lần. Bạn có thể kết hợp vệ sinh bằng giấm chua, baking soda. Bên cạnh đó, bạn nên bảo trì hệ thống máy để giúp máy giặt hoạt động bền bỉ hơn.

    Máy giặt cần được bảo dưỡng và vệ sinh đúng cách sau một thời gian sử dụng. Ảnh minh họa

    Máy giặt cần được bảo dưỡng và vệ sinh đúng cách sau một thời gian sử dụng. Ảnh minh họa

    Nếu phát hiện nấm mốc ở một vài nơi trong lồng giặt, bạn có thể sử dụng hỗn hợp nước ấm cùng thuốc tẩy theo tỷ lệ 10:1 để lau hoặc thực hiện chế độ giặt với hỗn hợp này.

    Bạn lặp lại chu trình nhưng thay thuốc tẩy bằng 2 cốc giấm trắng để loại bỏ mùi nấm mốc. Cuối cùng, bạn lặp lại chu trình lần nữa nhưng chỉ dùng nước nóng cho tới khi mùi hôi bay hết.

    Theo các chuyên gia, bạn nên áp dụng cách này 1 lần/tháng để ngăn chặn nấm mốc quay trở lại. Nếu không có thời gian hoặc không nắm rõ cách thì bạn có thể nhờ các đơn vị vệ sinh máy giặt hỗ trợ để đảm bảo quy trình vệ sinh được thực hiện đúng. 

    Chọn chế độ vắt phù hợp

    Chế độ vắt thường đi kèm chương trình giặt đã được cài đặt sẵn nhưng bạn nên chọn chế độ vắt hợp lý. Cụ thể, bạn nên chọn chế độ vắt cực khô đối với quần áo dày, hoặc chăn ga gối nệm để tiết kiệm thời gian.

    Đối với quần áo mỏng, nhẹ, bạn nên chọn chế độ vắt thấp hơn để đảm bảo độ khô cũng như chất lượng vải.

    Để quần áo ẩm ướt trong không gian kín khí là một trong các nguyên nhân góp phần thúc đẩy sự sinh sôi của nấm mốc, vi khuẩn. Vì vậy, bạn cũng cần lưu ý phơi hoặc sấy quần áo ngay khi máy giặt vừa kết thúc chu trình giặt.

    Rút phích cắm của máy giặt sau khi dùng

    Theo nguyên tắc chung, các thiết bị điện phải được rút phích cắm hoặc ngắt nguồn điện khi sử dụng xong hoặc không còn nhu cầu dùng nữa. Dù thiết bị không hoạt động nhưng dòng điện vẫn chạy bên trong.

    Việc không ngắt nguồn điện sau khi dùng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như giảm tuổi thọ máy, nguy cơ chập điện, rò rỉ điện gây nguy hiểm tới tính mạng của người sử dụng.

    Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới các sự cố là dòng điện bị chập, rò rỉ ảnh hưởng đến các mạch điện, gây tan chảy các thành phần nhựa làm máy rò điện.

    Trong khi đó, các tác nhân do môi trường như nhà vệ sinh hay hành lang ẩm ướt là chất xúc tác dẫn điện khi máy giặt rò rỉ điện.

    Các trường hợp hy hữu khác như dây nguồn điện hoặc phích cắm của máy bị gián, chuột cắn nhưng nguồn điện vẫn còn. Lúc này, tai nạn điện là điều khó tránh khỏi.

    Vì thế, bạn nên rút phích cắm máy giặt sau khi sử dụng hoặc không dùng đến nữa để tránh các tình huống không may xảy ra.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/co-nen-ong-nap-sau-khi-may-giat-xong-a418779.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan