Nhiều chị em truyền tai nhau về công dụng của cỏ lúa mì (lúa mạch) giúp khử mùi hôi cơ thể… Nhưng theo các chuyên gia, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh cụ thể công dụng trên của cỏ lúa mì trong việc khử mùi hôi cơ thể.
Khoa học chưa chứng minh
Theo TS Võ Văn Năm, phó trưởng Bộ môn Dược liệu, ĐH Y Dược TPHCM, cỏ lúa mì (lúa mạch) trồng nhiều ở một số nước Châu Âu, Nga, Ý, phía Bắc của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam chỉ trồng được lúa nước. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào của y khoa Việt Nam chứng minh công dụng khử mùi hôi cơ thể của cỏ lúa mì. Đây có thể chỉ là chiêu trò quảng cáo, thổi phồng công dụng sản phẩm, nói dựa trên công dụng của chất diệp lục trong việc khử mùi hôi nói chung chứ không chỉ mùi hôi cơ thể.
Riêng chất diệp lục của thực vật nhiều loại có thể khử mùi hôi miệng, đặc biệt như diệp lục của lá tre. Khi làm chế phẩm khử mùi hôi miệng, người ta thường chiết từ lá tre do loại lá này ít tạp chất có tác dụng sát khuẩn, chữa hôi miệng.
Trong dân gian thường sử dụng các loại lá cây chứa tinh dầu như xả, bạc hà, hương nhu, vỏ bưởi… vừa có tác dụng khử mùi hôi giúp cơ thể thơm mát, vừa giúp lưu thông khí huyết và thư giãn tinh thần bởi mùi thơm tự nhiên của thực vật. Trong thời chiến, các chiến sĩ bộ đội cũng thường dùng chất diệp lục của lá cây rừng để sát trùng, khử khuẩn chống viêm nhiễm.
Một cơ sở quảng cáo sản phẩm được cho là “cỏ lúa mì trồng tại Việt Nam” |
Cẩn thận tác dụng ngược
Trên các diễn đàn ẩm thực, các trang web mua sắm, làm đẹp của chị em đang rộ lên phong trào trồng và chế biến nước uống từ cỏ lúa mì để chăm sóc sức khỏe. Theo các tài liệu truyền trên mạng xã hội, cỏ lúa mì được biết đến chứa nhiều vitamin B, C, E, H và K… là những chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa; phòng ngừa các bệnh mỡ máu, tiểu đường, cảm lạnh, ho, tiêu chảy…
Thành phẩm nước ép cỏ lúa mì còn được “quảng cáo” giải độc gan, thanh lọc cơ thể rất nhanh và hiệu quả. Ngoài ra, qua khảo sát của phóng viên cho thấy, trên thị trường nhiều nơi còn quảng cáo cỏ lúa mì có công dụng khử mùi hôi cơ thể chị em trong những ngày ấy. Như giới thiệu của công ty TNHH K.V.C.M (Q.Tân Phú, TPHCM): “… cỏ lúa mì có thể che dấu và loại bỏ mùi tỏi, chống lại các mùi hôi từ hơi thở, cơ thể và mùi hôi chị em trong ngày ấy…”. Ông T.Đ, Giám đốc công ty cho biết: “Cơ chế khử mùi cơ thể của cỏ lúa mì là sau khi uống nước cỏ lúa mì sẽ giúp cơ thể thải độc tố, như vậy là khử mùi hôi cơ thể. Giá bán 180.000 đồng/túi 120gram.”...
Tuy nhiên, theo TS Võ Văn Năm, cỏ lúa mì cũng chỉ là cây lúa với những công dụng thông thường chứ không nhiều công dụng thần kỳ tới mức như vậy. Có nhiều dược liệu giải độc cơ thể đường uống như rễ cỏ tranh, bông mã đề, râu ngô…là những dược liệu vừa rẻ tiền, vừa mát bổ đã được khoa học chứng minh công dụng, khi uống giúp lợi tiểu, thải độc cơ thể qua đường tiểu, giải nhiệt.
Không nhất thiết phải dùng tới loại cỏ du nhập từ nước ngoài, có khi không rõ nguồn gốc xuất xứ lại phải mua với giá quá đắt đỏ. Chưa kể khi trồng tại Việt Nam loại cỏ này có còn phát huy được những công dụng như đã quảng cáo hay không. Nhiều loại cây khi trồng ở vùng đất này thì cho chất lượng tốt nhưng khi trồng ở vùng đất nơi khác có thể đạt số lượng nhưng lại không đạt chất lượng.
Sản phẩm nước ép cỏ lúa mì chào bán trên mạng |
GS.TS.BS Nguyễn Duy Tài, nguyên trưởng Bộ môn Sản, trường Đại học Y dược TPHCM thì nhận định, để vệ sinh cơ thể và nhất là vệ sinh phụ nữ, chị em chỉ cần dùng nước sạch vệ sinh trong ngày là đủ, không cần thiết phải dùng thảo dược để khử mùi. Một số loại thực vật dân gian cho rằng có tác dụng khử mùi cơ thể hay sát khuẩn nhưng chỉ là tạo mùi thơm trong khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, sử dụng một số loại lá cây tự chế nếu không được làm sạch đúng cách có khi còn gây tác dụng ngược.
Nhiều người có thói quen nghe theo truyền miệng mà không hiểu cơ thể mình có thích nghi với sản phẩm đó hay không? Dù là thảo dược, cây lá thiên nhiên nhưng để ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe con người đều phải có nghiên cứu khoa học chứng minh công dụng, thử nghiệm lâm sàng, đưa ra cách dùng phù hợp với cơ địa của từng người, vùng miền, khí hậu, theo từng nhóm độ tuổi khác nhau… TS Võ Văn Năm, ĐH Y dược TPHCM |
Hương Nguyên