Ở cấp bậc tiểu học, văn miêu tả là một phần của bộ môn Tiếng Việt mà học sinh sẽ được học. Với sự ngây thơ cùng trí tưởng tượng phong phú của mình các em đã cho ra đời những bài văn miêu tả "chân thực" đến mức bạn không nhìn được cười khi đọc.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài văn tả cô giáo của một học sinh lớp 5 khiến ai đọc được cũng không nhịn được cười. Người đăng tải bài văn lên mạng xã hội cũng chính là người được miêu tả trong bài tên Đặng Nga (SN 1995) là giáo viên tại trường Tiểu học Sa Lý, Lục Ngạn, Bắc Giang.
Bài văn tả cô giáo rất thật của học sinh lớp 5 - Ảnh: Facebook |
Nội dung bài văn như sau: "Từ đầu năm học lớp 5, em đã gặp rất nhiều cô giáo, cô giáo đã từng dạy em lớp 5 là cô Nga. Cô Nga có khuôn mặt hình tròn, đôi mắt long lanh tròn như hai hột vải, da trắng như tờ giấy. Mái tóc đen đen óng và có mái tóc rất đẹp. Mặt cô hơi béo nhưng rất xinh. Cô Nga như người mẹ của em. Mỗi lần cô ấy cười rất vui. Cô ấy rất hiền và cô ấy xào rau tay đảo rất đều, ai làm cô ấy tức cô ấy rất ác. Cô Nga có lúc buồn có lúc vui em rất thích cô ấy. Em rất yêu quý cô Nga, cô Nga như người mẹ của em".
Được biết, chủ nhân của bài văn này là học sinh tên H., hiện học lớp 5 trường Tiểu học Sa Lý, Lục Ngạn, Bắc Giang.
Ngay sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội bài văn đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người đã để lại bình luận hài hước về sự ngây ngô của các em học sinh tiểu học.
Một số bình luận hài hước của cộng đồng mạng khi đọc bài văn - Ảnh: Tin Nhanh Online |
Chia sẻ trên Tiền Phong về bài văn này cô giáo Nga cho biết, đã nhận được hình ảnh chụp lại bài văn này của một giáo viên cùng trường. Cô vui vẻ nói: "Đây là bài giáo viên cho học sinh làm thử trước khi thi kết thúc năm học, đầu năm mình có dạy lớp của em học sinh này một tháng. Vì giáo viên trường mình đều ở tại trường nên hết giờ học hoặc lúc rảnh các em học sinh hay vào chơi. Bài văn là bạn đồng nghiệp gửi cho mình, mình cũng rất bất ngờ khi nhận được nó".
Cô Nga duyên dáng trong tà áo dài - Ảnh: Facebook |
Cô Nga cho biết thêm, các em học sinh ở đây đa phần là người dân tộc, hộ nghèo. Nhà nước phải hỗ trợ chi phí cho các em học sinh đến trường nhưng các em rất ngoan, tình cảm và chăm học.
Bài văn của em học sinh dù vẫn lộn xộn và miêu tả "chân thực" quá mức, thế nhưng ẩn sâu trong đó là biết bao tình cảm của học trò dành cho người mẹ thứ hai của mình.
Quỳnh Chi(T/h)