(ĐSPL) - Công việc của những nữ cảnh sát ấy khá đặc biệt bởi quanh năm họ phải ở nơi “kín cổng cao tường”, thường xuyên phải đối mặt với những phạm nhân chống đối, quậy phá và có ý định trốn trại.
Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi ghi nhận ở nhiều trại giam đó là đa phần các nữ cảnh sát đều lấy chồng cùng làm cán bộ trại. Bởi, họ thực sự đồng cảm và tự nguyện gắn đời mình để gieo mầm thiện, cải tạo những con người lầm lỡ... Bạn bè thường dí dỏm gọi họ là những người “chung thân, không án”.
Bén duyên với trại giam
Trại giam Tân Lập (Bộ Công an) nằm trên địa bàn hai huyện Hạ Hòa và Yên Lập của tỉnh Phú Thọ. Ở nơi bốn bề là rừng núi, khoảng cánh giữa các phân trại khá xa, từ 5-10 km. Hiện nay, trại Tân Lập quản lý trên 4.000 phạm nhân với 5 phân trại, trong đó có duy nhất 1 phân trại nữ. Phân trại này cũng khá đặc biệt bởi có nhiều nữ quản giáo trẻ tuổi.
Qua lời giới thiệu của ban Giám thị trại giam, chúng tôi gặp trung úy Nguyễn Thị Thúy Ngọc, cán bộ quản giáo của phân trại số 5. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp là sau giờ lao động cuối buổi chiều, trung úy Ngọc đang giao lưu văn nghệ cùng một nhóm nữ phạm nhân. Họ ca hát với nhau, trò chuyện với nhau khiến khoảng cách giữa cán bộ trại giam và phạm nhân như gần lại.
Trung úy Nguyễn Thị Thúy Ngọc, nữ quản giáo trại giam Tân Lập. |
Chị Ngọc sinh năm 1986 tại vùng quê có trại giam Tân Lập đóng trên địa bàn. Từ nhỏ, những buổi đạp xe đến trường, Ngọc thường hay gặp hình ảnh các nữ cán bộ trại giam khiến chị có niềm đam mê kỳ lạ với ngành công an.
Tốt nghiệp cấp 3, Ngọc thi vào trường Trung học Cảnh sát Nhân dân 1 đóng tại Sóc Sơn, Hà Nội. Năm 2007, học xong, chị nhận quyết định vào tận Bến Tre, công tác ở trại giam Châu Bình với công việc của một nữ quản giáo.
Hai năm sau, vì lý do hoàn cảnh gia đình, Ngọc được chuyển công tác về trại giam Tân Lập, Phú Thọ. Khác hẳn với trại Châu Bình, ở trại Tân Lập nơi chị nhận công tác mới đa phần là những phạm nhân có mức án cao, rất nhiều người mang án chung thân. Những ngày đầu bắt gặp cảnh phạm nhân văng tục, đánh nhau khiến chị không khỏi ái ngại.
Ngọc kể, hồi mới về, chị còn trẻ, mỗi khi nhắc nhở các phạm nhân vi phạm nội quy trại giam thì một số trường hợp cá biệt còn lớn tiếng mắng lại chị. Họ bảo chị trẻ con biết gì mà nói. Khi ấy, Ngọc phải cố bình tĩnh, kìm cho nước mắt không trào ra. Rồi Ngọc nhẹ nhàng nói điều đúng sai với thái độ nhẹ nhàng, góp ý với phạm nhân để họ nhận thức được lỗi của mình.
Một trong những nữ phạm nhân mà cán bộ trại giam Tân Lập nhắc đến nhiều đó là chị Vụ, quê ở Vĩnh Phúc. Vụ ở buồng giam do chính cán bộ Ngọc quản lý. Ban đầu, phạm nhân này cực liệt chống đối Ngọc và luôn có thái độ to tiếng, gây gổ.
Sau những lần ấy, Ngọc luôn tìm cách chủ động trò chuyện với phạm nhân Vụ. Qua hồ sơ biết chị Vụ có con gái cùng lứa tuổi với mình, Ngọc có những cởi mở hơn. Chẳng bao lâu sau, hai người đã tìm được tiếng nói chung. Rồi chị Vụ trở nên thay đổi tính nết, biết lắng nghe và quan tâm đến người khác. Ba năm sau đó, nhờ cải tạo tốt chị Vụ được đặc xá và về nhà.
Ngày chia tay, Ngọc dành mua một món quà nhỏ tặng chị Vụ. Còn người phụ nữ ấy chỉ biết ôm nữ cán bộ với lời hứa sẽ làm việc tốt và không dính vào tội lỗi nữa.
Khi chúng tôi hỏi về gia đình, Trung úy Nguyễn Thị Thủy Ngọc mỉm cười. Chị bảo, có một điều rất may mắn là chồng chị học cùng ngành. Ngày trước, sau khi ra trường, cả hai đều được nhận công tác ở Bến Tre. Rồi một duyên tình nữa khi năm 2009 hai người cùng được chuyển công tác về trại giam Tân Lập.
Tại đây, tình cảm nảy sinh từ sự chia sẻ, đồng cảm với nhau. Họ tổ chức lễ cưới tại trại giam với sự hân hoan, chúc mừng của mọi người. Hiện nay họ đã có một đứa con ba tuổi, sống hạnh phúc tại ngôi nhà tập thể của cán bộ trại giam. “Anh ấy rất hiểu và luôn chia sẻ với công việc của mình. Những lần gặp chuyện căng thẳng trong công việc, anh ấy lại động viên rồi bảo ban thêm cho mình những kinh nghiệm sống”, Ngọc cười mãn nguyện.
Đối với Trung úy Đỗ Thị Thu Hương (SN 1986), cán bộ làm công tác giáo dục tại phân trại số 5, trại giam Tân Lập cũng có nhiều tâm sự về nghề. Chị bảo rằng, khi chứng kiến những phạm nhân 70-80 tuổi, già yếu mà vẫn vi phạm pháp luật, phải chấp hành án thì chị thực sự cảm thấy xót xa.
Trung úy Đỗ Thị Thu Hương, cán bộ làm công tác giáo dục của trại giam Tân Lập. |
Có trường hợp, nữ phạm nhân lớn tuổi rất thích ăn trầu, các chị thường đi xin cau, trầu về cho họ, động viên họ an tâm cải tạo tốt. Khó khăn nhất của những nữ cán bộ trại giam là phải tiếp xúc với số phạm nhân bị nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Phần lớn số đối tượng này biết mình mắc căn bệnh vô phương cứu chữa, nên thường tỏ ra bất cần, tuyệt vọng. Ai tiếp xúc với họ cũng đều thấy ngại, nhưng với các cán bộ trại giam thì họ vừa gần gũi, động viên, vừa trực tiếp cùng cán bộ y tế điều trị, chăm sóc, giúp họ chữa bệnh và cắt cơn nghiện...
Chị Hương chia sẻ: “Cả gia đình em cũng đều công tác trong nghề nên mọi người hiểu được công việc, cảm thông cho nhau”.
“Lấy chồng cùng ngành mới thông cảm cho mình được”
Tại trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng trên địa bàn huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An, một trong những nữ cán bộ năng động, nhiệt tình nhất với công tác đời sống, văn nghệ của trại giam là Thiếu tá Nguyễn Thị Phương. Điều đặc biệt nhất mà Thiếu tá Phương, Chủ tịch hội phụ nữ Trại giam số 3 giới thiệu đó là ở trại này, 95\% chị em cán bộ lấy chồng công tác trong trại. Rồi chị Phương bấm ngón tay đếm và kể: “Toàn trại giam số 3 có 73 chị em cán bộ thì có đến ngót 70 người là lấy chồng làm cán bộ trại giam”.
Thiếu tá Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch hội phụ nữ trại giam số 3 Bộ Công an. |
Chị Phương sinh ra tại một vùng quê nghèo của huyện Yên Thành, Nghệ An. Hồi đó, cả xóm chỉ duy nhất chị được theo học cấp 3. Rồi chị theo học trường Đại học Cảnh sát và được điều động vào trại giam số 3 Bộ Công an.
Cho đến nay, chị Phương cũng là một trong những nữ cán bộ có thâm niên tại đây. Tính từ năm 1998 được phân công về đơn vị, chị đã có 16 năm gắn bó với trại giam. Thiếu tá Trần Đình Lâm (chồng chị) trước đây là trinh sát trại giam, nay là Phó giám thị, cũng có tới 18 năm làm việc tại trại giam số 3. Sau những lần giao lưu văn nghệ, trò chuyện, chia sẻ, hai người đã nảy sinh tình cảm và nguyện gắn duyên đời mình với nhau. Bạn bè thường hay cười đùa bảo vợ chồng chị là những người “chung thân không án”.
Năm 2009, chị Phương được giới thiệu chuyển công tác về phòng Hồ sơ của Công an tỉnh Nghệ An. Đây là cơ hội hiếm có mà nữ cán bộ trại giam nào cũng mong muốn. Thế nhưng chị Phương lại đắn đo. Rồi chị đưa ra quyết định ở lại làm việc tại trại giam để được gần chồng và phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền cho phạm nhân.
Nhiều phạm nhân ra trại nhưng vẫn không quên... cán bộ Chị Phương kể, trại giam có nhiều phạm nhân mang án từ giết người đến án ma túy… Tuy nhiên mình phải tìm hiểu về gia đình của họ, động viên, giáo dục tư tưởng cho họ. Rồi chị phải phối hợp với các đội khác mở những lớp xóa mù chữ, dạy nghề cho phạm nhân… Chị Phương cũng chia sẻ, bản thân chị và nhiều cán bộ khác luôn dùng phương pháp nêu gương điển hình, đưa vào bài học, cách này dễ đi vào lòng người, khắc sâu trong mỗi phạm nhân… Chính vì thế mà trong mỗi câu chuyện kể của chị, có những mảnh đời phạm nhân rất đỗi nhân văn. Nhiều phạm nhân ra trại, hoà nhập xã hội nhưng vẫn thường xuyên liên lạc chị. Khi thì họ hỏi thăm sức khoẻ, gia đình chị và những cán bộ ở trại; khi thì bế tắc trong cuộc sống cần chị tư vấn hoặc hỏi ý kiến chị để định hướng nghề nghiệp…Rồi có những phạm nhân từ khi vào trại cả chục năm nhưng không có người đến thăm, những khi đó trại giam luôn có sự quan tâm, chia sẻ qua Quỹ tấm lòng vàng. |