+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình vợ chồng khuyết tật: Thôi thì mình cứ 'nồi nào úp vung nấy'

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù tật nguyền nhưng họ lại là hai mảnh ghép vừa khít. Họ vượt qua được rào cản của gia đình để đến bên nhau, nắm tay nhau viết tiếp hành trình mang tên “hạnh phúc”.

    Dù tật nguyền nhưng họ lại là hai mảnh ghép vừa khít. Họ vượt qua được rào cản của gia đình để đến bên nhau, nắm tay nhau viết tiếp hành trình mang tên “hạnh phúc”.

    Tình yêu giản dị

    Nhiều người thường nói anh chị là “nồi nào úp vung nấy”, bởi cả hai cùng khuyết tật, cùng dũng cảm vượt lên mặc cảm, rào cản của gia đình để đến với nhau.

    Nhớ lại những ngày tháng đấu tranh cho hạnh phúc, chị Trần Thị Ngọc Hiếu (SN 1984, Đồng Nai) không giấu nổi sự xúc động: “Với tôi, đó là những ngày tháng cực khổ nhất, tôi phải tự đấu tranh với gia đình và chính bản thân mình để gìn giữ hạnh phúc”.

    Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, chị Hiếu kể, năm lên 3 tuổi sau một cơn sốt, hai chân chị bị teo lại, không thể di chuyển được. Tay phải của chị cũng không thể cầm nắm được một đồ vật quá lâu. Đến tuổi đi học, bố mẹ chị sợ con mình sẽ bị bạn bè chế giễu nên định cho chị ở nhà, nhưng chị vẫn nhất quyết đòi đi học. “Chiều lòng con, bố mẹ cho tôi đi học nhưng phải có người đưa đi đón về, ngồi canh tôi hàng giờ vì sợ ai đó sẽ trêu tôi. Quãng thời gian đó cực kỳ khó khăn, vất vả đối với gia đình tôi. Khi học xong cấp 3, tôi có ý định thi vào sư phạm nhưng không được. Tôi đành ở nhà làm cô nuôi dạy trẻ. Ban đầu, nhiều gia đình cũng lo ngại, không biết một người khuyết tật, không thể đi lại được thì chăm trẻ bằng cách nào. Nhưng, tôi lại được bọn trẻ rất yêu mến và nghe lời. 10 đứa trẻ luôn bám lấy tôi mỗi ngày”, chị Hiếu tâm sự.

    Dù thế, trông trẻ là công việc khá vất vả, với một người khuyết tật như chị Hiếu thì khó khăn, vất vả lại tăng gấp bội. Vì thế, sau một thời gian, chị quyết định lên Sài Gòn để học làm tranh đá quý. Sợ bố mẹ ngăn cản nên chị đã giấu gia đình, rồi tự bắt xe ôm từ Đồng Nai lên Sài Gòn học.

    Những ngày đầu, chị Hiếu gặp không ít khó khăn. Học làm tranh đá quý phải làm bằng tay là chủ yếu nhưng tay phải của chị Hiếu quá yếu, thường xuyên bị làm rơi đồ. “Tôi cảm thấy bất lực về bản thân mình lắm, nhưng vẫn cố xin bên trung tâm cho làm thêm 1 tháng. Hàng ngày tôi ngồi luyện từng tí một và cuối cùng cái tay nó đã chịu nghe lời mình. Được nhận vào trung tâm, cũng từ đó tôi quen với chàng trai của đời mình. Anh Vũ (SN 1983) cũng là học viên trong trung tâm nhưng anh kém may mắn hơn tôi khi không có gia đình và từ nhỏ phải sống trong cô nhi viện. Tôi càng thương anh hơn, khi nghe những tâm sự của anh về cuộc sống”, chị Hiếu kể.

    Tình yêu giữa hai người cứ lớn dần từng ngày. Dù thế, họ vấp phải rào cản từ gia đình. Chị Hiếu bật khóc kể: “Khi nhìn thấy anh Vũ, bố mẹ tôi đã khóc. Họ sợ rằng, tôi yêu và lấy một người khuyết tật thì cuộc sống chúng tôi sẽ ra sao? Tôi thương anh Vũ nhiều, nhưng vì bố mẹ phản đối kịch liệt nên tôi đã chủ động chia tay. Còn anh Vũ không đồng ý, anh nói rằng: “Thôi thì mình cứ “nồi nào úp vung nấy” rồi cả hai sẽ bù trừ cho nhau”. Vậy là tôi cũng không thể buông được.

    Anh lặn lội quãng đường hơn 40km đến nhà thuyết phục ba mẹ tôi. Chúng tôi cũng nằng nặc bằng mọi giá không thể sống thiếu nhau và quyết tâm thuyết phục gia đình bằng đủ mọi cách”. Và rồi, sau 5 năm quen biết, yêu nhau, cuối năm 2015, một đám cưới đơn giản nhưng chứa chan hạnh phúc đã diễn ra.

    Gia đình hạnh phúc của chị Hiếu.

    Chuyện tình của Hà Anh Mến (SN 1987, thôn Trại Mới, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) với vợ cũng khiến nhiều người xúc động. Anh Mến bị liệt tứ chi sau một tai nạn năm 22 tuổi.

    Từ ngày bị tai nạn, anh Mến chỉ có duy nhất chiếc điện thoại làm bạn. Ngày ngày, anh lướt web, đọc các tin tức trên mạng xã hội. Thông qua thế giới ảo, anh gặp và quen với chị Lục Thị Loan, một cô gái xinh xắn, hiền lành (xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Thế rồi, sau 3 tháng kết bạn, trò chuyện cùng nhau trên mạng ảo, anh Mến và chị Loan đã nảy sinh tình cảm với nhau.

    Nói đến đây, giọng anh Mến ngậm ngùi: “Tôi cứ nghĩ chẳng ai muốn xây dựng hạnh phúc với một người tàn phế như tôi, nhưng rồi, cô ấy đã xuất hiện. Ngày đó, tôi nói chuyện với Loan rất hợp, chúng tôi dù chưa gặp nhau trực tiếp nhưng quý mến nhau, có thể thoải mái tâm sự cùng nhau mọi chuyện trên trời dưới biển”.

    Từ những tin nhắn Facebook động viên mỗi tối, rồi sau 3 tháng quen nhau, anh Mến đã mời cô bạn gái quen trên Facebook về thăm nhà. Vì ngày đó, Loan làm tại khu công nghiệp Bắc Ninh nên cô cũng đồng ý. “Bắt xe khách từ Bắc Ninh lên Bắc Giang thăm anh, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là một chàng trai đang độ tuổi xuân thì mà phải gắn bó với chiếc xe lăn. Từ lần gặp đó, tôi rung động”, chị Loan nhớ lại.

    Anh Mến cho hay, vì mặc cảm với cơ thể mình, sợ không xứng với chị Loan nên anh cứ ngập ngừng mãi, không dám ngỏ lời yêu. Đó là chuỗi ngày anh sống trong day dứt, mãi 5 tháng sau quen nhau, khi chị Loan “bật đèn xanh”, anh mới quyết định tỏ tình.

    Vượt qua sóng gió bảo vệ tình yêu

    Vượt qua mặc cảm để nói lời yêu, nhưng khi quyết định kết hôn, anh Mến và chị Loan lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ. Chị Loan tâm sự: “Yêu anh một thời gian, tôi dẫn anh về Lạng Sơn ra mắt bố mẹ, cũng đề cập đến chuyện muốn kết hôn. Nhưng thấy chàng trai mà tôi định gắn bó cả đời là người khuyết tật, bố mẹ đã kịch liệt phản đối. Khuyên bảo nhẹ nhàng không được, bố mẹ bắt đầu cấm đoán, nói những lời rất khó nghe miễn là tôi từ bỏ. Không những thế, bố mẹ còn tuyên bố sẽ từ mặt nếu tôi cố ý làm trái lời họ”.

    Không được gia đình bạn gái chấp nhận, anh Mến rất buồn. Nhiều lần anh muốn buông tay để chị Loan đi tìm hạnh phúc mới, nhưng chị vẫn quyết tâm cùng anh bảo vệ tình yêu.

    “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, sau những thuyết phục không mệt mỏi của đôi trẻ, bố mẹ chị Loan đã chấp nhận đám cưới. “Bố tôi nói mẹ muốn tổ chức cưới cho tôi thì tổ chức, chứ bố không tham dự. Mẹ thương tôi và cũng thương anh nên đã đồng ý và đứng ra lo liệu đám cưới cho chúng tôi. Cuối tháng 12/2015, sau 1 năm yêu nhau, chúng tôi đã quyết định về chung một nhà”, chị Loan chia sẻ.

    Nói về lý do dù biết anh Mến khuyết tật vẫn quyết tâm gắn bó cả đời, chị Loan cho hay: “Tôi chỉ biết rằng tôi rất thương anh, muốn chăm sóc và làm gì đó tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất cho anh. Đó là lý do vì sao tôi quyết định gắn cuộc đời mình với anh dù cho chúng tôi có nghèo khổ”.

    Vừa trò chuyện với PV, hai vợ chồng vừa nắm chặt tay nhau, họ nhìn nhau âu yếm, anh Mến không giấu nổi niềm vui khi ngày ấy được gia đình vợ đồng ý cho hai người tổ chức lễ cưới. “Được gia đình vợ đồng ý cho kết hôn, tôi hạnh phúc không nói nên lời. Ngày cưới, cô ấy đẩy xe lăn cho tôi, hình ảnh đó khiến tôi xúc động vô cùng, có lẽ cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được, cảm ơn cô ấy vì đã quyết tâm, đến bên tôi đến cùng”, anh Mến bày tỏ sự xúc động về chuyện tình yêu của mình.

    Gia đình nhỏ của anh chị dù còn nhiều khó khăn về mặt vật chất, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười khi có thêm cậu con trai 7 tháng tuổi kháu khỉnh. Họ vẫn đang cùng nhau viết tiếp câu chuyện tình yêu cổ tích giữa đời thực.

    Mai Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-vo-chong-khuyet-tat-thoi-thi-minh-cu-noi-nao-up-vung-nay-a208291.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan