+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình thời chiến: Cổ tích của mối tình cùng nhau “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chẳng một lời hứa đợi, nhưng họ lại tìm được về bên nhau sau gần 5 năm “bặt vô âm tín” để cùng nhau viết một chuyện tình đẹp như cổ tích.

    Giữa khói lửa chiến tranh, giữa mưa bom lửa đạn, ông Thắng vô tình gặp bà Tự trong một lần làm nhiệm vụ tại đơn vị. Không một lời hứa chờ, chẳng một lời hứa đợi, nhưng họ lại tìm được về bên nhau sau gần 5 năm “bặt vô âm tín” để cùng nhau viết một chuyện tình đẹp như cổ tích.

    Hai người lính trẻ khi xưa mái tóc đã điểm bạc.

    Cuộc gặp gỡ “như đùa”

    Những ngày cuối tháng Tư, nhờ cơ duyên đặc biệt chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Trần Đức Thắng (SN 1955) tại nhà riêng của ông trong con ngõ nhỏ thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Là một cựu chiến binh về địa phương, ông Thắng tích cực tham gia hoạt động xã hội, hiện làm Chủ nhiệm CLB B93 (Mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng – PV) phường Nghĩa Đô. Thời trẻ, ông là một cá nhân tiêu biểu cho lớp thanh niên xưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia giải phóng miền Nam năm xưa. Ông cũng chính là một trong những người lính đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập năm 1975.

    Trò chuyện cùng chúng tôi còn có bà Vũ Thị Tự (SN 1955), vợ ông Thắng. Rất cởi mở và chất phác, ông bà đã giúp cho những người trẻ như chúng tôi thấy lại cả một thời thanh xuân sôi nổi mà rất đỗi tự hào của thế hệ cha ông. Và rồi, từ tình yêu đất nước, từ việc chung một ý chí “sống chết cho quê hương” mà tình yêu của họ đã “bén rễ, nảy mầm” và vươn xanh mãi cho đến tận bây giờ.
    Kể về thời “gác bút nghiên ra trận”, ông Thắng chia sẻ, năm 17 tuổi, cũng như bao thanh niên thời đó, ông bà viết đơn xin đi bộ đội để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972, ông Thắng hành quân bộ gia nhập đơn vị C22, Tiểu đoàn 768, Trung đoàn 15, Quân khu 3 tại Thạch Thành, Thanh Hoá. Đây cũng là nơi “ươm mầm” cho tình yêu son sắt của hai người lính bộ đội Cụ Hồ, nơi ông tìm thấy một nửa của cuộc đời mình.

    Ấn tượng đầu tiên trong lòng chàng trai khi ấy chính là nghị lực của cô gái nhỏ nhắn khoảng 40kg gánh trên vai mình những tải lương thực nặng cố gắng leo từng con dốc. Chính sự ngưỡng mộ khi ấy thôi thúc ông phải cố gắng hết sức theo kịp và ngỏ lời làm quen. Mùa xuân năm 1973, ông được đơn vị cho nghỉ vỏn vẹn 3 ngày phép về quê ăn Tết và chuẩn bị chuyển công tác vào miền Nam chiến đấu. Ngày mùng 2 Tết, ông xin phép gia đình đến Ninh Bình để thăm “bóng hồng trong tim” trước khi đi xa.

    Ông Thắng kể, ngày ấy đi cả 1 ngày mới tìm được đến nhà bà (tại xóm Rận, xã Khánh Hoà, huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Thế nhưng Tết năm nay ấy bà Tự chỉ về nhà chớp nhoáng rồi vào đơn vị ngay nên ông chỉ gặp và thưa chuyện với bố mẹ và em gái của bà. Khi đó, bà Tự vẫn phục vụ bộ đội chiến đấu tại đơn vị (Thạch Thành, Thanh Hoá) mà không hề hay biết chuyện ông Thắng tìm đến nhà. Ngày về đơn vị, nghe ông kể mà bà nghĩ ông đùa. Khi biết được sự thật, bà rất cảm động.

    Thế rồi chiến tranh ác liệt, ông nhận nhiệm vụ theo đoàn vào Nam chiến đấu. Thời ấy, những người lính được cử đi B (vào chiến trường miền Nam - PV) là rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Tháng 4/1973, ông vào Nam tập kết. Trên bến xe năm ấy, có chàng trai Hà Nội được người thiếu nữ tiễn biệt. Ngày chia tay không có nước mắt nhưng đầy lưu luyến.

    Suốt những năm tháng xa nhau, chưa một lần ông quên người con gái trong lòng. “Khoảng thời gian đó có rất nhiều kỷ niệm. Thế nhưng tôi vẫn nhớ nhất tấm ảnh bà ấy tặng tôi trước lúc vào Nam công tác. Tấm hình nhỏ như một “tín vật” minh chứng cho tình yêu đôi bên”, ông Thắng nhớ lại.

    Còn bà Tự ở nơi hậu phương vẫn luôn ngóng chờ tin tức, từng dòng thư gửi của ông Thắng đã khiến bà có thêm động lực tin tưởng, đợi chờ. Hòa bình năm 1975, bà Tự chính thức nhận công tác ở Học viện Quốc phòng tại Hà Nội.

    Ảnh ông Thắng bà Tự thời mới quen nhau.

    Tìm lại lời hứa năm nào

    Sau nhiều năm xa cách, mặc dù không có bất cứ một thông tin gì từ ông nhưng bà vẫn một lòng chờ ông. Nhiều năm trôi qua bà vẫn chưa một phút giây quên lời hẹn: “Ra Hà Nội nhất định đi tìm nhau”.

    Giữa cái tiết trời nắng chang chang của tháng Sáu, bà đạp xe từ đơn vị tìm đến nhà ông ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (Hà Nội). Đúng là mối duyên trời “sắp đặt” giúp bà hỏi đường đúng người trong dòng họ nhà ông Thắng. Sau khi nghe bà bảo tìm người con trai tên là Thắng, người này đã dẫn bà tới tận nơi.

    Ngày gặp lại sau giải phóng là ngày ông vẫn còn nằm dưỡng bệnh vì sốt rét. Ông xúc động kể: “Gần 4 năm ròng rã trong chiến trường chẳng liên lạc gì mà bà vẫn một lòng chờ đợi. Tôi thực sự cảm động và cũng cảm phục bà ấy”.

    Năm 1976, ngày hạnh phúc cũng đến với hai người lính ấy. Họ tổ chức lễ cưới trong ngày nắng đẹp, không mâm cao cỗ đầy nhưng đậm tình yêu thương.

    Nói về bí quyết giữ lửa cho cuộc hôn nhân trong thời bình, ông cười rồi nói: “Tôi thấy quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng chính là phải nhường nhịn. Tiền bạc không thể mua được tình cảm chân thành, chính cái tâm và cái tình giữ mình luôn ở bên nhau. Mái ấm gia đình thực sự phải là nơi cả hai nỗ lực cùng tu dưỡng phẩm chất đạo đức tốt”.

    Đã hơn 40 năm trôi qua, hai người lính trẻ khi xưa mái tóc giờ đã điểm bạc, gương mặt xuất hiện những nếp nhăn, điểm chấm đồi mồi nhưng ánh mắt họ dành cho nhau vẫn chứa chan niềm hạnh phúc của tình yêu mãnh liệt như thời đầu.

    Phương Ly - Nguyễn Quỳnh

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 5(66)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-thoi-chien-co-tich-cua-moi-tinh-cung-nhau-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-a321032.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan