+Aa-
    Zalo

    Chuyện những siêu công trình chống ngập “bất lực” trước… nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trên địa bàn TP.HCM, nhiều công trình chống ngập đã và đang được thực hiện, thế nhưng, khi hoàn thành thì tình trạng ngập vẫn hoàn ngập.

    (ĐSPL) - Trên địa bàn TP.HCM, nhiều công trình chống ngập đã và đang được thực hiện, thế nhưng, khi hoàn thành thì tình trạng ngập vẫn hoàn ngập. Đặc biệt, các dự án nâng đường không những không chống được ngập mà lại biến nhà thành hầm… chứa nước. Điều đáng nói, đa phần các công trình này đều ngốn hàng trăm tỉ đồng.

    Càng chống… càng ngập

    Hiện nay, TP.HCM có khoảng 30 điểm ngập, như đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), Xa lộ Hà Nội (quận 2, Thủ Đức), Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng (Thủ Đức)... Đơn cử, tại đường Nguyễn Văn Quá, từ đầu mùa đến nay, người dân luôn phải hứng chịu cảnh ngập nặng.

    Ông Nguyễn Văn Bình, nhà ngụ trên đường phản ánh: “Chưa bao giờ con đường này lại ngập như hiện nay. Hồi trước, đường chưa làm cũng có ngập nhưng ít hơn và thời gian ngập không lâu như bây giờ. Sau trận mưa, vài giờ sau là nước rút hết, còn bây giờ, có khi cả nửa ngày mà nước vẫn còn. Chả hiểu họ chống ngập kiểu gì mà ngập thì nặng hơn”.

    Đặc biệt, hàng ngàn hộ dân đã chìm trong biển nước sau những cơn mưa vừa qua, nhất là khu vực thuộc địa bàn phường Đông Hưng Thuận. Theo tìm hiểu của PV, công trình nâng mặt đường, xây cống hộp thoát nước kích thước lớn với mục tiêu chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá qua địa phận quận 12 và khu vực lân cận đã ngốn số tiền hơn 160 tỉ đồng. Công trình này do trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9/2015 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 5/2016.

    Người dân đang mong chờ các dự án chống ngập tiền tỉ sẽ làm hết ngập, chứ không phải là ngập nặng hơn. Ảnh: Dân trí.

    Tương tự, đường Tam Bình (quận Thủ Đức) cũng được nâng cao lên so với đường cũ khoảng hơn 1m để chống ngập. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, hàng trăm hộ dân hai bên đường lại bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn. Tại con đường này cũng là một trong những điển hình về nhà biến thành hầm, nhiều người phải làm thang để ra vào nhà mình. Và mỗi khi nước ngập, người dân phải dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài.

    Điểm nóng về ngập nước hiện nay có lẽ là đường Kinh Dương Vương (quận 8 và Bình Tân). Đường này cũng do trung tâm Chống ngập nước làm chủ đầu tư. Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương có chiều dài khoảng 3,6 km từ vòng xoay An Lạc đến mũi tàu Phú Lâm. Với vốn đầu tư lên đến hơn 730 tỉ đồng, tưởng chừng sẽ giúp người dân bớt khổ, thế nhưng nỗi ám ảnh ngập nước lại kinh hoàng hơn.

    Theo ghi nhận của PV, tại đường An Dương Vương, mỗi khi mưa xuống, nước ngập lênh láng. Có đoạn, nước ngập sâu trên diện rộng khiến cho cuộc sống của người dân khu vực này hết sức khó khăn. Ông Trần Tuấn Hòa, người bán tạp hóa tại đây cho biết: “Mỗi khi mưa xuống là nước chảy không kịp, công trình nâng đường lại làm dở dang nên hết sức dơ bẩn. Nước ngập và rất lâu mới rút nên việc buôn bán, làm ăn của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ngày trước bán được 10 thì nay chỉ 4, 5”.

    Tiếp tục “đẻ” dự án

    Theo thông tin mà PV có được, tổng nhu cầu vốn mà trung tâm Chống ngập dự chi cho việc chống ngập trên địa bàn TP.HCM trong năm 2016 khoảng 2 ngàn tỉ đồng. Trong vòng 10 năm qua, TP.HCM đã đầu tư trên 24 ngàn tỉ đồng cho các dự án chống ngập, đến nay chưa có con số về dư nợ vay nhưng đến thời điểm năm 2014, TP.HCM đã vay hơn 25 ngàn tỉ đồng. Mỗi năm, TP phải tra khoảng trên 4 ngàn tỉ đồng cho nợ gốc va lãi vay của các dự án.

    Hiện nay, trong tổng số 56 dự án chống ngập trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập thì đã có 8 công trình thi công xong từ năm 2015, 12 công trình thi công trong năm nay và 3 công trình đến năm 2017 sẽ hoàn thành. Theo đó, năm 2017, sẽ hoàn thành các công trình như cải tạo tuyến mương Nhật Bản (từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm), cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Quốc lô 13 – Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm, làm hệ thống thoát nước đường An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định)... Ngoài ra, một dự án đang được kỳ vọng sẽ làm giảm ngập cho khu vực rộng tới 550km2 thuộc 13 quận trung tâm chính là chi ra 10 ngàn tỉ đồng để xây 6 cống ngăn triều và một tuyến đê bao sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh.

    Nói về các giải pháp chống ngập, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học - Công nghệ và Quản lý TP.HCM cho rằng: “Hiện nay, TP đang triển khai xây dựng nhiều hệ thống tiêu thoát nước và chống ngập với số tiền lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Mục tiêu nhắm đến cuối cùng là chống ngập cho cả TP.HCM trong tương lai. Trong khi đó có nhiều gói được tài trợ, nhiều gói phải đi vay tiền từ nước ngoài”.

    TS Phúc phân tích thêm: “Việc cần làm bây giờ là phải tính toán lại các chương trình, dự án này, cái nào hiệu quả thì làm tiếp, cái nào không còn phù hợp thì loại ra, không nên tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó cũng tránh dự án chồng lên dự án, rất lãng phí. Điển hình như hiện nay, TP.HCM đang nâng Quốc lộ 13 để chống ngập thì song song cũng có một dự án chống ngập hết sức quy mô là dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn, dài khoảng 4km có tổng mức đầu tư 444 tỉ đồng, đã thi công một số hạng mục. Làm như vậy là lãng phí thấy rõ”.

    Còn nói về việc nâng đường để chống ngập, TS. Phạm Sanh, giảng viên trường đại học Giao thông vận tải (cơ sở TP.HCM), chuyên gia giao thông – đô thị nhận xét: “Việc nâng đường chống ngập là giải pháp không khả thi. Bởi, khi nâng đường lên cao thì đương nhiên, nhà dân sẽ bị thấp xuống (so với mặt đường mới). Khi đó, nước sẽ không thoát được vì cống thoát nước cũng cao hơn nhà dân thì chuyện bị ngập là hết sức bình thường. Bên cạnh đó, khi nâng đường thì cơ quan chức năng đã không khảo sát, tính toán kỹ các phương án làm sao cho nước thoát ra khỏi khu dân cư đã dẫn đến tình trạng công trình chống ngập lại gây ngập”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin: “TP đang triển khai các công trình, chương trình chống ngập, tuy nhiên phải chia ra nhiều giai đoạn, hạng mục vì nguồn vốn ngân sách hạn chế, không thể cùng một lúc có thể làm dàn trải hết tất cả các công trình, hạng mục. TP cũng đã có kế hoạch để khắc phục tình trạng này. Chúng tôi chia sẻ những khó khăn của người dân những nơi bị ngập và đang tìm cách khắc phục, vì vậy, dự án nào đang triển khai thì đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành để chống ngập cho người dân”.

    Trung tâm chống ngập có hiệu quả?

    Được thành lập từ năm 2008, với mục tiêu là giải bài toán ngập úng cho TP, đồng thời hướng đến mục tiêu là chống ngập phải có hệ thống, mang tính lâu dài và bền vững, tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả chống ngập mà Trung tâm chống ngập mang lại đang bị dư luận lên tiếng. Nhất là tình trạng ngập vẫn diễn ra trên diện rộng và phức tạp. Mới đây nhất, Trung tâm này còn đề xuất mua xe bơm nước với 1.400 tỉ đồng để đầu tư 63 xe bơm nước (dự kiến khoảng 1.200 tỉ đồng) và bến bãi, trang thiết bị.

    THANH TÙNG

    [mecloud]ZlfVzrFkoM[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nhung-sieu-cong-trinh-chong-ngap-bat-luc-truoc-nuoc-a146363.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan