Nhiều người ví những nữ DJ là “cú đêm”, bởi họ chìm đắm trong thế giới của rượu, bia, thuốc... đến tận sáng. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với một số nữ DJ để hiểu được công việc mà họ đang làm.
“Mua vui cho đời”
Nghề DJ hiện nay đã trở nên phổ biến ở Việt Nam và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, DJ không còn là nghề độc quyền của phái mạnh mà đã xuất hiện nhiều nữ DJ. Do môi trường làm việc là quán bar hoặc vũ trường, nơi bị nhiều người cho là không lành mạnh nên DJ vô tình bị đánh đồng là nghề của kẻ "ăn chơi".
DJ Trương Thị Thảo Nguyên - thường gọi DJ Vita. |
Khi gặp chúng tôi, nữ DJ Trương Thị Thảo Nguyên (tên thường gọi DJ Vita, đến từ Hải Dương) với khuôn mặt phờ phạc vì thiếu ngủ, lớp phấn son vẫn phủ dày cộm và bộ cánh có “một không hai” chia sẻ về lý do đến với nghề DJ: “Hồi đó tôi chỉ 17 tuổi nhưng “máu” âm nhạc dường như đã ngấm vào cơ thể tôi. Sau khi học hết cấp 3, tôi quyết định rẽ ngang sang hướng khác là theo học nghề DJ và bắt đầu sự nghiệp tại Hà Nội tính đến nay cũng đã được hơn 3 năm”.
Những ngày mới bắt đầu vào nghề, DJ Vita vấp phải sự phản đối gay gắt từ bố mẹ bởi họ cho rằng môi trường này rất bạc và quá nhiều cám dỗ với con gái.
DJ Vita bộc bạch: “Gặp phải sự phản đối gay gắt từ bố mẹ, tôi cảm thấy rất nản, dường như không ai ủng hộ con đường mà tôi đang đi. Vượt qua sự phản đối, tôi quyết tâm học và làm nghề một cách tử tế. Tôi thuyết phục bố mẹ bằng cách mời họ đến xem tôi biểu diễn và dần bố mẹ thấy được sự quyết tâm của tôi, cách tôi làm là hoạt động nghệ thuật nghiêm túc. Và cuối cùng họ đã chấp nhận công việc của tôi”.
DJ Mai Anh:"Nghề DJ phải chịu nhiều định kiến xã hội". |
Nguyễn Mai Anh (DJ Mai Anh, SN 1992 tại Hà Nội) có 5 năm trong nghề DJ, chia sẻ: “Nhìn bề ngoài ai cũng bảo DJ là một nghề nhàn, chỉ cần xoay đĩa, chỉnh mixer lên - xuống là xong. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, chúng tôi phải học cách “pha trộn” (Mix nhạc) âm thanh theo tư duy và óc sáng tạo của mình, để kích thích sự hào hứng của khách, khuấy động không khí cho bar, vũ trường. Chúng tôi phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện gian khổ chứ không thể “chơi bừa” được”.
Những người làm nghề DJ thường gọi nghề này là nghề “mua vui cho đời”, bởi bất cứ ai đang có tâm trạng khi nghe những bản nhạc mà họ tạo ra đều cảm thấy hưng phấn.
Đánh đổi bằng giá “chát”
Theo tiết lộ của một số nữ DJ làm cứng trong nghề, mức thu nhập mà họ đạt được trung bình mỗi tháng lên đến vài chục triệu đồng. Thậm chí, những DJ nữ nổi tiếng có thể có khoản thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng; nhưng cũng có những DJ nữ chỉ được vài triệu đồng/tháng. Chính vì mức thu nhập “khủng” và suy nghĩ DJ là công việc đơn giản, không cần tài năng mà chỉ cần có ngoại hình, ăn mặc hở hang, 3 vòng chuẩn,... nên nhiều cô gái bất chấp mọi thứ để học DJ cho được.
Nhưng biết bao nhiêu cô gái theo nghề DJ, không ai cũng thành công, đó chỉ là số ít, phần màu hồng mà các cô gái nhìn thấy. Và với những môi trường phức tạp như vũ trường, quán bar, các cô gái DJ phải đối mặt với nhiều sức ép và cạm bẫy.
5 năm theo nghề DJ, Mai Anh cho hay cô không nhớ nổi mình đã phải chịu bao nhiêu ánh mắt dò xét, dị nghị của người đời: “Hàng xóm họ không hiểu công việc mà tôi đang làm, thấy tôi đi đêm, ăn mặc hở hang và son phấn lòe loẹt họ nghĩ tôi làm công việc không đứng đắn”.
Không chỉ nhận ánh mắt dò xét của hàng xóm, nữ DJ này cũng nghe bố mẹ chia sẻ họ cảm thấy ngại, xấu hổ khi nói đến công việc của con. Tuy nhiên, khi được con giải thích họ đã hiểu hơn và cởi mở hơn về công việc mà những nữ DJ này đang ngày đêm theo đuổi.
Để có thể tồn tại trong nghề, những nữ DJ cho hay, họ cũng phải trả giá bằng việc sức khỏe giảm sút, nhan sắc tàn phai. DJ Mai Anh nói: “Làm việc trong môi trường âm nhạc, đặc biệt DJ là nhạc sôi động, khuấy động mọi người, nên âm thanh lúc nào cũng luôn ở trạng thái cao nhất, đứng cạnh loa tôi rất sợ thính giác của mình bị ảnh hưởng. Để thính giác không bị ảnh hưởng quá nhiều, tôi điều chỉnh bằng cách nghe nhạc qua tai nghe trong lúc làm, giảm âm lượng khoảng 20-30% so với mức trung bình mà một DJ dùng. Việc này giúp tôi cảm thấy đỡ đau đầu hơn sau 1 bản nhạc. Nhất là những hôm làm 2 nơi liên tiếp”.
Công việc của DJ thường bắt đầu từ tối hôm trước và kết thúc vào sáng sớm hôm sau, chính vì thế khi trở về nhà đôi chân và đôi tay của họ lúc nào cũng luôn trong trạng thái mỏi rã rời. Không chỉ bị ánh mắt dò xét, dị nghị của người đời, DJ Vita cũng cho hay nghề mà cô và những DJ nữ khác đang làm cũng gặp phải những cạm bẫy như bị khách gạ gẫm, xin số điện thoại, lừa sử dụng chất kích thích...
Theo Mai Anh, vì tính chất công việc phải làm đêm nên họ cũng phải biết cách làm sao cho chồng và bạn trai tin tưởng. Có đôi lúc thấy vợ, bạn gái ăn mặc sexy các chàng cũng ghen tuông. Để bạn trai tin tưởng tuyệt đối, những nữ DJ này thường dẫn người yêu đến nơi mình làm vừa nghe nhạc, vừa xem cách các cô làm việc. Một vài lần, họ đã tạo được sự tin tưởng từ phía người yêu.
Theo DJ Vita, để theo được nghề này và có chỗ đứng nhất định những nữ DJ luôn phải biết làm mới mình nghĩa là phải liên tục tìm tòi nghiên cứu tài liệu và học hỏi thường xuyên để nâng cao tay nghề, làm mới phong cách âm nhạc. Để liên tục cập nhật những bài nhạc hay trên thị trường, DJ luôn phải đầu tư để thay đổi CD thường xuyên và những CD này thường phải mua ở nước ngoài mới đảm bảo chất lượng. Mỗi DJ muốn thành danh đều tạo cho mình một phong cách riêng biệt.
“Ngoài việc làm mới phong cách âm nhạc, cách trình diễn những người làm DJ như chúng tôi phải biết cách ăn mặc để lôi cuốn được người xem, để họ nhớ đến mình. Nếu mình làm không tốt, khán giả họ sẽ yêu cầu đổi DJ khác và như vậy là mình mất show diễn, mất tiền”, DJ Vita chia sẻ.
Mặc dù công việc nhiều cạm bẫy nhưng khi được hỏi có khi nào họ có ý định chuyển nghề. Những nữ DJ đều tâm sự: “Đến khi nào khán giả không còn thích những bản nhạc mà chúng tôi tạo ra nữa thì khi đó chúng tôi sẽ từ bỏ. Chúng tôi chấp nhận mạo hiểm để đi theo con đường này vì đam mê”.
Và điều mà nhiều nữ DJ mong muốn vẫn là xóa bỏ những định kiến của xã hội về cái nghề được mệnh danh là "phù thủy âm thanh" nhưng rất nhọc nhằn này.
Hằng - Bích