Sau khi có thông tin tôi có thể bị cơ quan điều tra khởi tố với tội danh Không tố giác tội phạm (liên quan đến việc tác nghiệp và đăng tải bài viết về cuộc gặp A Lý sau vụ nổ súng tại vũ trường Metropolis đêm 8/11/2001), “nhiệt độ” dư luận về vụ việc đột nhiên tăng cao. Khi đó đã là nửa cuối tháng 3 năm 2002, nghĩa là gần nửa năm sau cuộc gặp, A Lý biệt vô âm tín (ngoài một vài thông tin mơ hồ đồn thổi rằng gã giang hồ xứ Đài đã đào tẩu sang Campuchia để tránh sự truy bắt của công an và sự truy sát của xã hội đen Sài Gòn dưới trướng ông trùm Năm Cam), còn tôi thì bất đắc dĩ đóng vai... nhân vật truyền thông...
“Cuộc chiến pháp lý”
Đầu tiên, một số tờ báo tìm đến phỏng vấn VKS, để tìm hiểu tính pháp lý của vụ việc. Những tờ báo khác phỏng vấn lãnh đạo hội Nhà báo Việt Nam, hội Nhà báo TP.HCM (hội nghề nghiệp), có tờ thì phân tích vụ việc kỹ lưỡng, soi chiếu cặn kẽ dưới nhiều góc độ khác nhau, đặt giả thiết này nọ... Thông tin về vụ khởi tố cứ nháo nhào cả lên, mỗi tờ báo một kiểu, nhưng tựu trung là bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên, tức là bảo vệ tôi. Riêng báo Thanh Niên-vừa là nơi tôi đang công tác lúc bấy giờ, vừa là tờ báo đăng bài viết dẫn đến khả năng xảy ra một tình huống tố tụng hi hữu liên quan đến việc tác nghiệp của phóng viên-có tờ còn tìm phỏng vấn luôn ông Trương Hòa Bình – Viện trưởng VKSND TP.HCM lúc bấy giờ. Để bạn đọc có thể hình dung ra góc nhìn pháp lý về sự việc, tôi xin trích đăng lại một phần nội dung bài phỏng vấn đăng trên tờ Thanh Niên số ra ngày 20/3/2002:
“- Tại sao trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án mạng Metropolis, VKS thành phố lại yêu cầu “xem xét trách nhiệm hình sự” với Hữu Phú?
- Đây là vụ án phức tạp liên quan đến nhiều người, nhiều bị can, và quá trình điều tra trong thời hạn luật định ban đầu không làm rõ ngay được, nhất là với đối tượng bỏ trốn. Trong quá trình đó, VKS xem xét các tình tiết, tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra đưa sang, nếu có chứng cứ quan trọng chưa được chứng minh làm rõ thì VKS yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cụ thể trong vụ án này, trả hồ sơ chính là để yêu cầu điều tra thêm với các bị can, sau đó là những việc khác, như “xem xét trách nhiệm hình sự” về tội danh Không tố giác tội phạm với Hữu Phú.
Việc trao đổi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau là bình thường. Nên lưu ý rằng, đây chỉ là công văn trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, và cấp kiểm sát điều tra là cấp phòng chứ chưa phải là quyết định của VKS. Tôi không hiểu sao lại lọt ra ngoài và đăng báo. Nếu không đã chẳng ồn ào lên như vậy.
Hồ Việt Sử và vụ bắn nhau ở vũ trường |
- Nhưng sự việc có thể không còn là “công văn trao đổi” nữa mà sẽ đi theo hướng khác?
- Làm sao đi theo hướng khác được.
Bởi khi kết thúc điều tra để đưa ra truy tố, phải thông qua lãnh đạo viện, rồi Ủy ban Kiểm sát, phải là một quyết định có sự đánh giá chặt chẽ về nội dung điều tra.
Tôi nhắc lại là quyết định yêu cầu điều tra bổ sung đối với các bị can là quyết định của cấp có thẩm quyền tư pháp (cấp phòng). Còn vấn đề khác chỉ là nội dung trao đổi để làm rõ thêm chứ chưa phải là quyết định. Quyết định nói trên chỉ đề nghị xem xét có hay không hành vi vi phạm tội danh Không tố giác tội phạm.
Có vấn đề này là vì Hữu Phú đã tiếp xúc với vợ chồng A Lý, một đang là bị can của vụ án, một đang bỏ trốn bị truy nã; sau khi tiếp xúc, đã đăng tải trên báo. Nhìn ở góc độ nào đó thì tài liệu đã đăng tải trên báo được xem là thông tin tố giác tội phạm. Nếu như sau khi đăng tải, được các cơ quan chức năng yêu cầu, phóng viên và cơ quan báo chí cung cấp đầy đủ tài liệu đó thì rất đáng hoan nghênh.
- Nhưng Hữu Phú đã cung cấp đầy đủ nội dung cuộc tiếp xúc trước khi báo đăng mà không đợi cơ quan chức năng yêu cầu?
- Thế có nghĩa là cơ quan báo cũng như phóng viên đã làm tròn nghĩa vụ công dân đối với việc phát hiện tội phạm. Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh khác của vấn đề, là Hữu Phú đã liên lạc và sau đó là gặp gỡ với vợ chồng A Lý. Cơ quan điều tra khi đưa hồ sơ khởi tố và một số quyết định về biện pháp ngăn chặn sang VKS có thể hiện nội dung này. Và lúc đó, VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ nội dung trên, nhưng họ chưa làm. Lần này, trong quyết định trả hồ sơ, cấp phòng của chúng tôi đã nhắc lại.
Cần phải khách quan và bình tĩnh. Có tiêu cực hay không là chuyện khác. Ở góc độ này, theo tôi có lẽ là nghiệp vụ bình thường thôi. Bây giờ, Ủy ban Kiểm sát họp và xem xét những chứng cứ nào trên hồ sơ khiến kiểm sát viên yêu cầu phải xem xét bổ sung.
- Ủy ban Kiểm sát đã kết luận thế nào?
- Đánh giá bước đầu, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung với các bị can là có căn cứ.
- Còn về yêu cầu xem xét với Hữu Phú?
- Các chi tiết khác thì hiện nay Ủy ban nghe báo cáo rồi còn phải thẩm định lại hồ sơ mới đi đến kết luận chính thức được. Chắc phải chờ vài ngày nữa, vì hồ sơ vụ án rất phức tạp, kết luận liền sao được.
- Với những thông tin có được, ý kiến ông về việc này thế nào?
- Trước tiên là phải hoan nghênh các nhà báo có tinh thần dũng cảm dám làm phóng sự điều tra để tố giác tội phạm. Với Hữu Phú, như tôi nói ở trên, dưới góc độ nhà báo đã làm nghiệp vụ rất tốt. Nhưng cũng cần lưu ý ranh giới nghề nghiệp, bởi nhà báo hoạt động theo luật Báo chí, song còn là công dân. Nếu Hữu Phú biết vợ chồng A Lý liên quan đến vụ giết người, đang lẩn trốn thì việc tiếp cận, tìm hiểu về A Lý và các đối tượng khác là tinh thần đáng hoan nghênh. Nhưng nếu trước đó, Hữu Phú thông báo với cơ quan chủ quản và cơ quan điều tra để có kế hoạch bảo vệ cho hoạt động của mình; và nếu là tội phạm thì bắt giữ, không để bỏ trốn, hoặc khi tiếp xúc thấy rõ dấu hiệu tội phạm phải tìm cách báo ngay cho cơ quan công an ngăn chặn, thì Hữu Phú đã làm hết trách nhiệm của mình. Nếu phần đầu cậu ấy làm chưa tốt thì cũng có thiếu sót.
- Tại sao là thiếu sót, khi bản thân phóng viên không biết đó là tội phạm, cơ quan công an cũng chưa có lệnh truy nã?
- Có dấu hiệu liên quan thôi thì ý thức công dân đã phải báo ngay. Hơn nữa, là nhà báo thì phải nắm được luật hình sự chứ? Tất nhiên, tôi đọc báo thấy Hữu Phú đã báo ngay với cơ quan điều tra. Đúng vậy thì Hữu Phú làm rất tốt. Tuy nhiên, trong hồ sơ chưa thể hiện là Hữu Phú làm ngay động tác này. Ý tôi muốn nhấn mạnh là nếu có sự phối hợp ngay từ đầu để nhà báo tiếp cận đối tượng làm phóng sự điều tra và có sự bảo vệ tính mạng của cơ quan pháp luật là giải pháp hay nhất”.
Bài phỏng vấn này khá thẳng thắn, và cũng phần nào khiến tôi yên tâm và tự tin vào sự đúng đắn khi tác nghiệp trong vụ gặp A Lý. Tôi, nhân vật chính của vụ đề nghị khởi tố hi hữu này, tất nhiên là không thể nằm ngoài “cuộc chiến” đang bắt đầu lan rộng giữa các tòa soạn báo và cơ quan điều tra...
Quan điểm của những người làm báo
Một buổi sáng, khi tôi đang ngồi uống cà phê trên vỉa hè trước cửa tòa soạn báo Thanh Niên thì nhận được cuộc gọi từ số máy bàn: “A lô, anh Hữu Phú hả? Em Đ.H. báo Pháp Luật TP.HCM đây. Em muốn gặp anh, phỏng vấn anh xung quanh vụ A Lý...”. Phóng viên phỏng vấn phóng viên? Đúng là chuyện “xưa nay hiếm”, lần đầu tiên tôi mới gặp phải trong quá trình làm báo của mình.
Tôi không ngu gì từ chối cơ hội được “mở miệng” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó, minh bạch, công khai tất cả các tình tiết của vụ việc, nêu quan điểm, lớn tiếng đòi hỏi sự công bằng cho mình... Cuộc phỏng vấn lập tức được thiết lập, ngay tại quán cà phê vỉa hè trước toàn soạn báo Thanh Niên.
Nghe nói đến Đ.H., em trai N.H.L.– báo An Ninh Thế giới- đã lâu (tôi chơi khá thân với N.H.L.), đến hôm đó tôi mới được gặp mặt.
H. là một phóng viên trẻ, dáng gầy, có gương mặt rất nhanh nhẹn. Đi với một người nữa, vừa gặp tôi là H. kéo ghế ngồi xuống vỉa hè, vào đề ngay. Chúng tôi trao đổi sôi nổi, phân tích cặn kẽ vụ việc ngay tại chỗ. Xong, H. đưa lại cho tôi xem kỹ bản thảo chép tay, đề nghị tôi có thêm thắt ý kiến hay gạch bỏ điều gì thì làm luôn, ký tên chịu trách nhiệm...
Cuộc phỏng vấn kết thúc nhanh chóng như nó bắt đầu. Tôi yên tâm hơn, vì đã có những đồng nghiệp đồng hành trên chặng đường đang còn dài phía trước.
Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài phỏng vấn tôi, Đ.H. có gửi ngay cho tôi 1 tờ để làm kỷ niệm, đỡ tốn tiền mua, kèm theo câu hỏi: “Anh thấy em viết được không?”. Được, rất được nữa là khác, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ những đồng nghiệp của mình đang gặp khó khăn trong công tác là một nghĩa cử nên làm, phát huy... Tại sao không?
Sau báo Pháp luật TP.HCM, tôi lại được anh H.N.–sếp cũ, Trưởng ban Kinh tế - Chính trị - Xã hội báo Thanh Niên (trước thời anh H.N.C.) gọi điện, kêu sang khu Sở thú (Thảo Cầm Viên) Sài Gòn trao đổi công việc, phỏng vấn, cũng xung quanh vụ A Lý (lúc đó anh H.N. là trưởng đại diện của báo Đại Đoàn Kết tại TP.HCM).
Thật là “ấm lòng chiến sĩ”, cứ tưởng rằng mình sẽ đơn độc đối phó với mọi thứ... Nào ngờ, khi biết mình gặp sự cố trong tác nghiệp, biết bao nhiêu anh em đồng nghiệp đã đến bên cạnh mình, trong đó có những người tôi chưa hề quen biết, gặp mặt, chỉ nghe tên nhau, biết tên nhau qua mặt báo.
Những cuộc điện thoại gọi trực tiếp đến tôi để động viên, hứa sẽ sát cánh với tôi trên đường “chiến đấu”; những tờ báo, bài báo gửi đến toà soạn trong phong bì mang tên tôi, kèm theo số điện thoại của người viết bài, và những bức thư đậm đà tình anh em... Có những tờ báo ở xa tít nơi tận cùng của Tổ quốc.
Cứ thế, tôi trở thành “người hùng bất đắc dĩ” tự lúc nào cũng không hay biết.
Chưa kịp hoàn tất thủ tục khởi tố tôi, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung đã bị Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành –Phó Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát, bộ Công an, Trưởng ban chuyên án vụ án Năm Cam- bắt giữ vì có liên quan đến băng nhóm Năm Cam.
Lên thay thế Nguyễn Mạnh Trung tại phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM là Trung tá Nguyễn Việt Dũng, nguyên Đội trưởng đội Tham mưu Tổng hợp của cơ quan này. Anh Nguyễn Việt Dũng chưa hề có thù oán cá nhân nào đối với riêng tôi, và cũng chẳng hề có động cơ nào khác khi tiếp nhận vụ việc để lại sau khi Nguyễn Mạnh Trung bị bắt.
Và như thế, tôi đã đến cơ quan cảnh sát điều tra để cung cấp lời khai, chứng cứ với một tâm thái khác, tin tưởng rằng sự thật khách quan sẽ được bảo vệ. Kết quả vụ việc: Tôi không bị khởi tố, tiếp tục được hành nghề phóng viên điều tra, tiếp tục lăn xả vào vụ án Năm Cam đang hồi gây cấn nhất.
Tôi viết loạt bài này không nhằm đả kích cá nhân ai, chỉ tường thuật lại chi tiết những tình huống có thể xảy ra khi phóng viên đi tác nghiệp, kinh nghiệm xử lý vấn đề... Đồng thời, cũng muốn nêu ra một phần sự thật vẫn diễn ra dù vô tình hay cố ý trong mối quan hệ giữa tòa soạn với phóng viên, mà vì nhiều lý do, các phóng viên không thể, và cũng không dám nói ra.
Phóng viên là linh hồn của tờ báo, là những người trực tiếp chịu đựng sự khổ sở, gian truân nhất để đưa những thông tin đúng và hay nhất đến với bạn đọc. Không có những phóng viên giỏi, hết lòng tận tụy phục vụ đêm ngày, tờ báo có tồn tại trong lòng bạn đọc được không?
Hữu Phú
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (69)
(Đón đọc loạt bài “Chuyện đời, chuyện nghề của phóng viên nội chính thập niên 2000: Tôi đi làm phóng sự điều tra” khởi đăng trên Đời sống&Pháp luật số Thứ 2 ra ngày 4/5)