+Aa-
    Zalo

    Chuyện khó tin về động vật “báo oán” cướp mạng người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có người mê ăn thịt dơi không hiểu sao bị chứng bệnh hét kỳ lạ, có gia đình làm nghề mổ chó thì liên tục gặp tai ương...

    (ĐSPL) - Có người mê ăn thịt dơi không hiểu sao bị chứng bệnh hét kỳ lạ, có gia đình làm nghề mổ chó thì liên tục gặp tai ương...

    Đặc sản và tiếng hét

    Thời còn đương chức, mỗi lần đi công tác kiểm tra nắm tình hình đơn vị, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Chu Phác thường được anh em mời ăn đặc sản. Một lần, anh em đồng nghiệp đưa ông đến một nhà hàng đặc sản nổi tiếng ở thành phố Huế. Những người bạn khác đã chờ sẵn, vị chủ nhà hàng cũng tươi cười đón tiếp ông.

    Ông chủ vui vẻ dẫn Thiếu tướng Chu Phác ra phía nhà bếp để chứng minh rằng cả nhóm sẽ được thưởng thức những thực phẩm tươi sống, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là của hiếm.

    Nhiều gia đình làm nghề mổ chó ở làng Cao Hạ liên tiếp gặp tai ương (Ảnh: Thiên Vũ).

    Thiếu tướng Chu Phác thấy anh phụ bếp xắn tay áo lên bắt một con dơi đen to bằng cái quạt giấy xoè ra. Con dơi kêu ken két. Sau đó, nó nhanh chóng bị căng ra trên thớt và bị anh đầu bếp đóng đinh chi chít vào các đầu cánh. Mọi người đứng xem cười nói râm ran. Con dơi không giãy được nhưng nó hét ré lên như tiếng trẻ con gào, rất thảm thiết. Người xem vẫn đứng cười nói và bàn tán không ngớt.

    Thảm hại hơn, con dơi sau đó còn bị cắt đứt cổ, máu nó phun ra vào một cốc rượu để sẵn. Xem xong cảnh cắt tiết dơi, ai nấy trở về bàn tiệc, hân hoan bàn tán và thưởng thức các món thịt dơi. Khi ấy, Thiếu tướng Chu Phác bỗng rùng mình, ông chợt nhớ đến một lần hành quân trong chiến dịch Thượng Lào. Khi đơn vị ông vào nghỉ ở một hang núi đá, ông thấy có hàng trăm con dơi đậu treo ngược. Một cậu lính trẻ đã bắt dơi định làm thịt ăn nhưng bị chỉ huy ngăn lại. Con dơi được thả kêu ken két và lượn vài vòng như bày tỏ sự cảm ơn.

    Quay trở lại bàn tiệc, TS. Chu Phác chỉ biết nhìn chén rượu đỏ máu tươi mà rùng mình. Trên bàn tiệc khi ấy còn có thêm một đĩa bàn tay gấu luộc chín. Những người khách tỏ ra sành sỏi về đặc sản vừa ăn, vừa kể chuyện. Một ông kể chuyện đã từng ăn đặc sản ở bên Trung Quốc. Về nước, ông đã bắt cấp dưới làm món đặc sản để ông thưởng thức vì cho rằng nó rất bổ dưỡng, giúp người ăn sống lâu năm, không đau ốm.

    Một ông vừa xé thịt gấu nhắm với rượu máu dơi vừa kể: “Người ta chôn khỉ xuống hố chỉ còn hở nửa đầu, rồi liên tục giội nước sôi cho sạch lông. Sau đó, họ lấy con dao to sắc phạt một nhát như gọt quả dừa nước để mọi người đến múc óc khỉ hòa rượu uống. Không biết câu chuyện thực hư đến đâu nhưng TS. Chu Phác nghe kể mà ghê sợ không còn ăn uống được gì.

    Nhiều năm sau, ông bất ngờ nhận được tin, một trong số những người ăn đặc sản ấy bị một bệnh rất lạ. Ông ta rất giàu, đã đi chữa ở Singapore, Trung Quốc nhưng vẫn không khỏi. Bệnh kỳ lạ đó là bệnh hét. Thỉnh thoảng, ông lại hét như còi tàu, vang khắp nhà. Một ngày ông hét bốn, năm lần. Người lớn thì sởn da gà, trẻ con thì sợ hãi xa lánh. Có người bảo rằng, tiếng hét ấy giống như tiếng dơi hét. Ông hét như vậy là bị dơi báo oán?

    Mất mạng vì nghề thịt chó?

    PV cũng từng nghe kể về những câu chuyện khó tin về việc chó “báo oán” làng Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) - một trong những thủ phủ cầy tơ lớn nhất miền Bắc. Theo những bậc cao niên trong làng, nghề sát sinh này mang lại sự giàu có, nhưng các gia đình này thường gặp phải những điều chẳng lành. Nhiều người nhận thấy những hậu họa không hay mà nghề truyền thống này của làng đem lại nên đã phải chuyển sang làm việc khác.

    GS. Ngô Đức Thịnh.

    Còn những nhà vẫn theo nghề mổ chó, đa phần họ giàu có, nhà cao cửa rộng lại nhiều đất đai, nhưng không biết có phải do họ sát sinh nhiều mà gia đình phải chịu hậu quả đáng tiếc. Một gia đình có lò mổ chó lớn nhất làng, có hai người con trai thì chết một, chồng cũng mất. Chủ lò mổ khác, nhà có bốn đứa con trai, chết ba, chồng cũng mất và đứa cháu nữa là năm người. Nhiều chủ lò mổ khác cũng gặp những điều không may.

    Cái chết mà người làng Cao Hạ đồn thổi nhiều là ông H., một chủ lò mổ lớn nhất làng bị chết bỏng trong vạc nước sôi nhúng chó để vặt lông. Chuyện kể rằng, một đêm ông H. cùng vợ và con dậy sớm thịt chó như thường nhật, đến khâu cuối cùng, chuẩn bị mổ bụng moi lòng thì mọi người tá hỏa thấy ông H. chết trong vạc nước sôi. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp như chồng bà C. khi cắm quạt điện để thui chó bị điện giật chết lúc tuổi mới ngoài 40. Một câu chuyện về “sinh nghề tử nghiệp” đã xảy ra với gia đình ông L., một người làm thịt chó chuyên nghiệp bị mất mạng do bệnh dại.

    Xem thêm video: Truyền hình nước ngoài sốc với nạn trộm chó ở Việt Nam.

    Một trường hợp nữa là chồng bà Đ., bây giờ giàu có lắm nhưng chồng đã mất vì một tai nạn giao thông. Chồng bà Đ. đi giao hàng, trời sáng mà xe máy của ông này đâm vào đuôi xe ô tô đỗ bên đường. Tất nhiên những câu chuyện trên được nghe kể lại có lẽ chỉ là sự ngẫu nhiên nhưng đáng để mọi người suy ngẫm...

    TS. Vũ Thế Khanh (Liên hiệp hội Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA)) cũng cho hay, ông từng chứng kiến nhiều gia đình đi cầu siêu vì gia đình họ gặp nhiều trái ngang về tâm linh. Có một người ở Vinh (Nghệ An) kể rằng đêm đêm cứ nhắm mắt lại là thấy ma quỷ có sừng đuổi húc vào yết hầu. Khi các nhà ngoại cảm soi phần tâm linh thì thấy họ làm nghề mổ trâu bò nên linh hồn của các con vật bị giết hiện về báo ứng. Gia đình đó phải mất nhiều tuần cầu siêu và làm phóng sinh hồi hướng cho các con vật đã bị giết thì mới được ngủ yên.

    Theo ông Khanh, còn có nhiều ví dụ kể về những báo oán kinh hoàng với chủ lò mổ chó. Có những chủ lò mổ chó không hiểu tại sao lại chui vào cái chảo nước sôi mà hàng ngày vẫn để làm lông giết chó.

    Ở chợ Kim Liên cũng có một gia đình làm nghề giết chó, một hôm có một con chó trước khi bị giết nó đã chắp hai chân trước để lạy chủ nhà hàng giết mổ, nhưng anh này vẫn không tha, vẫn đang tâm làm thịt con chó đó. Sau đó, gia đình này đi tắm biển, đến đêm đi thuyền ra biển để câu mực, bỗng dưng thuyền bị lật và cả gia đình gặp nạn.

    Kiến giải về vấn đề này, TS. Vũ Thế Khanh dẫn việc tái sinh trong lục đạo luân hồi: “Từ xa xưa, trong kinh Phật, cũng như trong dân gian kể về nghiệp sát sinh sẽ phải gánh chịu những quả báo tai ương nhiều không xuể, nhất là lại sát sinh những con vật lớn, những con vật có tánh linh thì hậu quả càng khủng khiếp khôn lường.

    Trong giáo lý nhà Phật, khi con người chết đi thì thần thức (mà ta thường gọi là linh hồn) sẽ tùy duyên mà tái sinh trong lục đạo luân hồi, đó là: Cõi Trời, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh và Con người. Như vậy, căn cứ vào nghiệp lực khi ta gieo trong cuộc đời mà sẽ được gặt hái (thọ sinh) vào một trong các cõi giới tương ứng.

    Liên quan đến vấn đề này, GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, việc báo oán ở động vật còn tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người vì nó liên quan đến vấn đề tâm linh. Về mặt tâm linh, tín ngưỡng thì phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người mà mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau thì vấn đề sẽ khác nhau.

    Là một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực văn hóa dân gian, GS. Ngô Đức Thịnh cho biết, ông cũng nghe nhiều câu chuyện mà người dân đồn thổi về loài chó báo oán, nhưng để nói có báo oán hay không thì không có cơ sở khoa học.  

    KIM THY 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-kho-tin-ve-dong-vat-bao-oan-cuop-mang-nguoi-a91438.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.