Trong 75 năm xảy ra 70 trận dịch
Năm 1775, nhiều binh lính nhà Trịnh bị chết vì dịch tả nên tướng Hoàng Ngũ Phúc đã phải cho quân rút khỏi Quảng Nam kéo về thành Phú Xuân. Vì sử biên niên chủ yếu ghi chép việc làm của vua, chép về dịch bệnh rất sơ lược. Trong số 9 trận dịch thì có 5 trận lây lan trên phạm vi rất rộng còn lại xảy ra ở phạm vi địa phương. Lớn nhất và cũng nguy hiểm là trận dịch xảy ra vào 10-1757 ở một số vùng thuộc trấn Sơn Tây.
Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, từ năm 1820-1895, Việt Nam xảy ra 70 trận dịch bệnh lớn nhỏ. Tháng 6/1820, dịch bắt đầu phát ra từ một số tỉnh miền Tây Nam Bộ rồi lan ra toàn quốc làm chết 206.835 người trong đó có thi hào Nguyễn Du. Từ 11/1887 đến tháng 6/1888, dịch đậu mùa hoành hành ở Quảng Ngãi làm chết 13.934 người. Năm 1888, ở Hà Nội xảy ra dịch tả khiến nhiều người bị chết. Không chỉ có dân Việt mà lính Pháp cũng không thoát được virus tả nên chính quyền khi đó phải tổ chức cách ly trong “Trường thi Hương” (nay là Thư viện Quốc gia-phố Tràng Thi). Chính quyền cũng cách ly dân các phố bị bệnh...
Dịch hạch xuất hiện ở Hà Nội năm 1902 được cho do công nhân Trung Quốc sang Việt Nam làm đường sắt mang theo. Dù họ bị chính quyền bắt cách ly trong Văn Miếu nhưng vi trùng gây bệnh truyền qua chuột khiến dịch đã lây lan ra khắp thành phố. Và một chiến dịch mua đuôi chuột đã được nhà chức trách đưa ra với lý lẽ đầy thuyết phục, “chỉ cần họ nộp cái đuôi thì chính quyền sẽ không phải giải quyết cái xác”. Nhưng khốn thay, đây lại là cơ hội kiếm tiền của nhiều kẻ vô lương, bọn họ nuôi chuột ở ngoại ô, mua ở các tỉnh giết lấy đuôi nộp cho cảnh sát lĩnh tiền. Song như thế vẫn còn tử tế vì có bọn khốn nạn hơn khi chỉ cắt đuôi rồi thả ra. Chuột rất mắn đẻ nên chẳng bao lâu bọn họ lại có cái đuôi nộp cho cảnh sát.
Tình người trong dịch
Trận dịch đã làm chết 263 người trong đó có nhiều xác chết vô thừa nhận, không ai chôn cất. Thương cảm với những số phận không may, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã cùng với các nhà buôn là các ông Vũ Quang Huy, Đỗ Đình Đắc, Phạm Sỹ Hạnh, Long Ngổ góp tiền lập ra Hội Hợp Thiện. Mục đích ban đầu của hội là “Phù thi tử lộ”. Để có đất chôn cất, Hợp Thiện mua 300 mẫu ruộng của làng Quỳnh Lôi (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) làm nghĩa trang.
Năm 1910, Hà Nội lại bất ngờ xuất hiện dịch tả, cả thành phố lao đao vì thực phẩm bị cấm buôn bán, có khu phố như vắng hơn nghĩa địa. Thấy cần thiết phải có một cơ sở chữa trị và cách ly những người bệnh, chính quyền Pháp khi đó đã cho xây bệnh viện Lây Cống Vọng (Hôpital des contagieux à Cống Vọng, tiền thân của bệnh viện Bạch Mai sau này).
Hàng năm từ tháng 7-9 ở miền Bắc thời đó thường xảy ra dịch bệnh, dù cảnh sát và nhân viên y tế cố gắng đưa người bị bệnh về đây nhưng không xuể. Nguy hiểm song nhiều phu kéo xe tay không ngại đã tự nguyện chở người bệnh xuống bệnh viện góp phần hạn chế lây lan.
Cũng trong “Lịch sử Hà Nội”, Philippe Papin đã đưa ra kết quả không thể tin nổi là trong những năm đầu thế kỷ 20: “Mỗi năm dịch tả và dịch hạch đã giết chết từ 300-400 người sống ở Hà Nội” và “Từ năm 1885-1920 vì dịch tả và dịch hạch nên tuổi thọ trung bình của viên chức người Việt trong chính quyền Pháp chỉ là 36 năm 6 tháng”, đó là tầng lớp khá giả còn với dân nghèo thiếu ăn thì tuổi thọ chắc chắn thấp hơn nhiều. Do số người sống ở Hà Nội chết vì dịch hàng năm quá nhiều vì thế chính quyền đã cho phép dân chúng các tỉnh nhập cư để bù lại số lao động thiếu hụt.
Sang thập niên 30 nhờ có nhiều loại vaccine và sự hợp tác của dân chúng nên dịch tả và dịch hạch không còn là nỗi lo của xã hội. Tuy nhiên ở các vùng quê, bệnh đậu mùa vẫn là nỗi sợ hãi của nhiều gia đình. Con cái họ tuy không chết nhưng mang bộ mặt rỗ suốt đời. Song khủng khiếp nhất trong lịch sử dịch bệnh Việt Nam là năm 1945.
Trong công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của giáo sư Văn Tạo và giáo sư người Nhật ông Furuta Moto, dân chúng miền Bắc không chỉ chết vì đói, rất nhiều người chết là do dịch bệnh. Nạn đói diễn ra ở miền Bắc bắt đầu từ cuối năm 1944 cho đến 5/1945. Những người đói ăn đổ về các đô thị, đặc biệt là Hà Nội. Trong ký ức của lớp người cao tuổi, sáng ra mở cửa thấy người chết nằm ở vỉa hè ngay trước cửa nhà. Phố nào cũng có người chết và người sắp chết vì đói, vì bệnh.
Trong số liệu của Tòa Khâm sứ Hà Nội, tháng 5/1945, có tới 400.000 người chết vì dịch bệnh trong tổng số 2 triệu người chết đói. Cảm thương thân phận con người, hầu như gia đình Hà Nội nào cũng bớt khẩu phần ăn giúp đỡ họ. Không chỉ giúp ăn, các bác sĩ, y tá, hộ lý ở bệnh viện Phủ Doãn (nay là Việt Đức), Bạch Mai tham gia cứu người không kể ngày đêm. Bác sĩ Vũ Đình Tụng khi đó làm việc ở bệnh viện Phủ Doãn, ngoài chữa trị ở bệnh viện còn cấp thuốc cho bất cứ ai ông gặp trên đường, người đang lay lắt trước cửa nhà nhà ông ở phố Trần Xuân Soạn.
Vì cùng chồng chữa bệnh nên vợ ông cũng bị dịch nhưng may cứu được. Do số người chết quá nhiều nên chính quyền thành phố đưa đi chôn không xuể. Trước tình cảnh ấy, thanh niên, trung niên và sinh viên Hà Nội trưng dụng xe xích lô (năm này không còn xe kéo tay) xe bò kéo chở xác chết xuống nghĩa trang Hợp Thiện và Giáp Bát.
Năm 1945, nghĩa trang Hợp Thiện là nơi chôn cất hàng chục vạn người bị chết đói và chết vì dịch tả, kiết lỵ, sốt chấy rận... Trong nạn đói và dịch bệnh năm 1945 còn có rất nhiều tên tuổi khác cũng hết lòng vì đồng bào trong đó có các nhà tư sản dân tộc như: Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Thị Năm, Đỗ Đình Thiện, Vương Thị Lai...Không chỉ mua gạo cứu đói mà còn bỏ tiền mua hàng nghìn quan tài để nhiều xác chết không bị vùi xuống hố.
Thập niên 30 của thế kỷ 20 còn có nhiều gương sáng về lòng nhân ái như bà Cả Mọc (bán tơ lụa ở phố Hàng Ngang), có Hội Phúc Thiện của công nhân ngành hỏa xa (trụ sở ở phố Lê Trực), Hội Ái hữu tương tế, Hội Quảng Thiện (trụ sở ở ngõ Cổng Đục) và đặc biệt khi có lũ lụt, dịch bệnh thì thanh niên, sinh viên hay Hội Công thương Bắc Kỳ đã tổ chức diễn văn nghệ ở Nhà hát Lớn quyên tiền giúp người bị nạn.
Nguyễn Ngọc Tiến
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (76)