+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia nói gì về đề xuất điện mặt trời mái nhà có thể hòa lưới nhưng không được trả tiền?

    (ĐS&PL) - Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân và không bán điện vào lưới điện quốc gia.

    Đề xuất cho điện mặt trời hòa lưới nhưng... không có tiền

    Theo thông tin trên báo Dân trí, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà. Bộ này xin ý kiến về vấn đề điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia.

    Đối với trường hợp này, cơ quan soạn thảo xây dựng chính sách theo hướng tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nghĩa là không đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện.

    chuyen gia noi gi ve de xuat dien mat troi mai nha co the hoa luoi nhung khong duoc tra tien
    Đề xuất cho điện mặt trời hòa lưới nhưng không được trả tiền.

    Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng, không được thanh toán. Đổi lại, Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định.

    Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.

    Trường hợp 2 được Bộ Công Thương đề cập là điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Ở trường hợp này, tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia.

    Quy mô công suất lắp điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân không giới hạn tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.

    Theo báo VnExpress, Việt Nam hiện có khoảng 200 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong 3 năm qua.

    Tại tờ trình gửi Chính phủ hồi giữa năm, Bộ Công Thương từng đưa ra 3 mô hình phát triển nguồn điện này. Cụ thể, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng và hệ thống điện tái tạo không liên kết lưới điện quốc gia. Bộ này khẳng định, chỉ khuyến khích điện mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở.

    Chuyên gia nói cần cởi mở hơn

    Chia sẻ trên báo Thanh niên, TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam) cho rằng, Bộ Công thương một lần nữa xây dựng cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà nhưng nội dung không có gợi mở để khuyến khích mà chỉ làm theo quy định cứng nhắc.

    Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhận xét mặc dù Bộ Công thương đã có ghi chú là các đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến cơ quan quản lý, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng dự thảo không giải thích vì sao quy định không cho bán điện, và phát lên lưới ghi nhận sản lượng giá 0 đồng… Thế nên, tên gọi dự thảo nghị định là khuyến khích, trong thực tế là chưa mang tính chất khuyến khích. Lẽ ra Bộ Công thương phải giải thích tại sao không cho bán điện phát lên lưới, tại sao những vùng có năng lượng mặt trời nhiều lại không cho phát triển?

    Theo ông Lâm, hiện có 2 ràng buộc, thậm chí nhà làm chính sách bị "mắc kẹt" bởi quy định liên quan phát điện mặt trời. Đó là Quy hoạch Điện 8 và luật Điện lực. Quy hoạch Điện 8 đã cố định sản lượng điện mặt trời mái nhà đấu nối với lưới điện quốc gia, không bán điện vào hệ thống có tổng công suất từ nay đến năm 2030 là 2.600 MW. Nếu thực hiện các dự án đang có sẵn, đã thấy thừa, không thiếu. Vấn đề là Quy hoạch Điện 8  đã hợp lý chưa? Nếu chưa và nhìn thấy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn, tại sao Bộ Công thương không đề xuất điều chỉnh Quy hoạch Điện 8? 

    Thứ hai là luật Điện lực quy định việc đầu tư bán điện phải có giấy phép hoạt động điện lực với nhiều ràng buộc công suất, trình độ chuyên môn, có giấy phép kinh doanh điện… Nên nếu cá nhân, tổ chức không có giấy phép, thì không thể bán điện. Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện vào mùa nóng cao, Việt Nam tiến đến tăng sản lượng điện tái tạo…, quy định vậy đã hợp lý chưa, có bảo đảm yếu tố khuyến khích chưa? Nếu chưa, phải sửa đổi gấp luật Điện lực và Quy hoạch Điện 8.

    "Những ràng buộc này trong thực tế là chủ quan của chúng ta, nay thiếu điện, nhân dân tự làm điện nhiều hơn, vượt sản lượng đưa ra trong Quy hoạch Điện 8, phải tính toán để điều chỉnh cập nhật ngay, song song với công tác xây dựng dự thảo nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, liên quan cho phép bán điện cho hàng xóm theo luật Điện lực là phải có giấy phép. Muốn vậy, người dân phải xin giấy phép kinh doanh rồi báo cáo tài chính, pháp nhân, thủ tục khá phức tạp. Trong khi nhu cầu chỉ là nhà này thừa điện dùng, chia sẻ với nhà bên cạnh mà thôi, người dân không có nhu cầu làm kinh doanh… Vậy cần sửa đổi quy định cho đơn giản, phù hợp nhu cầu thực tế có được không?", chuyên gia Ngô Đức Lâm đặt vấn đề và cho rằng với vai trò tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương cần quyết liệt hơn, không nên chọn cách làm an toàn quá và có luận cứ với tầm nhìn dài hơn để xây dựng cơ chế, tránh ban hành chưa ráo mực lại phải sửa đổi, bổ sung.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-noi-gi-ve-de-xuat-dien-mat-troi-mai-nha-co-the-hoa-luoi-nhung-khong-duoc-tra-tien-a602627.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan