+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng một số thức ăn nhanh nhưng rất có lợi cho sức khỏe

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định thức ăn nhanh không hoàn toàn là thực phẩm rác, trong số chúng cũng có nhiều loại tốt cho sức khỏe.

    Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định thức ăn nhanh không hoàn toàn là thực phẩm rác, trong số chúng cũng có nhiều loại tốt cho sức khỏe.

    Các loại ngũ cốc ăn sáng là điển hình tiêu biểu cho thực phẩm chế biến.

    Mỗi khi nghĩ đến thức ăn nhanh, chúng ta thường gắn nó với cụm từ "thực phẩm rác" với nào là nhiều muối, chất béo và đường, ăn thì ngon miệng đấy nhưng lại có hại cho sức khỏe. Trong khi thực tế, hoàn toàn không phải tất cả các loại thức ăn nhanh hay gọi cho chính xác là thực phẩm chế biến sẵn đều có hại cho bạn.

    Trong nỗ lực ăn uống "sạch" hoặc lành mạnh hơn, chúng ta thường cân nhắc đến chế độ ăn kiêng hơn là việc thay thế bữa ăn hàng ngày bằng những thực phẩm tươi, chưa qua chế biến. Những loại thực phẩm này có chất lượng dinh dưỡng cao vì ở trạng thái gần tự nhiên nhất đồng thời lại không mang lại quá nhiều calorie cho cơ thể.

    Chuyên gia dinh dưỡng Sally Shi-Po Poon

    Theo cô Sally Shi-Po Poon, chuyên gia dinh dưỡng và là chủ trang tư vấn dinh dưỡng Personal Dietitian ở Hồng Kông, thuật ngữ "thực phẩm chế biến" áp dụng cho bất kỳ loại thực phẩm nào đã bị thay đổi từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái tồn giữ được lâu và tiện lợi hơn.

    Mì soba cũng được chế biến sẵn nhưng nó lại rất tốt cho sức khỏe.

    Các kỹ thuật chế biến thực phẩm bao gồm đông lạnh, đóng hộp, nướng, sấy khô, muối và tiệt trùng. Các loại thực phẩm phổ biến này bao gồm ngũ cốc ăn sáng, pho mát, rau đóng hộp và đông lạnh, bánh mì, mì và mì ống, đồ ăn vặt như bánh quy và snack, các bữa ăn đông lạnh hoặc ăn liền, các loại dầu, thịt hộp thịt khô sấy hay hun khói. Về đồ uống thì có sữa, nước đóng chai/đóng hộp và cà phê.

    Nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm chế biến đều được tạo ra như nhau. Cô Poon cho hay rằng đôi khi người ta buộc phải chế biến một số loại thực phẩm vì như vậy mới an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, một số loại thực phẩm chế biến sẵn hóa ra lại tốt hơn là dùng loại chưa qua chế biến.

    Ví dụ như sữa chẳng hạn, cần phải được thanh/tiệt trùng (xử lý nhiệt) để loại bỏ các vi khuẩn có hại. Rau quả đông lạnh cũng có thể tốt ngang hoặc thậm chí còn tốt hơn lúc tươi, vì quá trình đông lạnh xảy ra ngay khi sản phẩm được chọn, do đó giữ được nguyên các chất dinh dưỡng. Trong khi các loại rau quả tươi còn có thể bị hư hại do quá trình vận chuyển và lưu thông.

    Còn về các loại mì, bún ăn chế biến sẵn thì những loại như mì soba là từ kiều mạch, bún gạo, mì udon hay mì ống làm từ hạt nguyên cám tất nhiên là tốt hơn nhiều so với mì ăn liền, được chế biến bằng cách chiên lên, có chứa rất nhiều natri cùng các chất phụ gia, hay mì ống tinh chế.

    Do đó, thực phẩm chế biến vẫn có thể gia nhập vào chế độ ăn uống lành mạnh của bạn. Vin Ip, một chuyên gia dinh dưỡng khác ở Hồng Kông, cho biết, mọi người cần biết cách phân biệt giữa thực phẩm chế biến tối thiểu và các thực phẩm chế biến kỹ: "Thực phẩm chế biến tối thiểu ở trạng thái gần giống với thực phẩm chưa qua chế biến nhất và do đó có thể chấp nhận được trong chế độ ăn uống của chúng ta. Các thực phẩm đã được chế biến với công nghệ tiên tiến nhằm giữ được các chất dinh dưỡng cũng là những lựa chọn tốt".

    Trong số này phải tính đến các loại thực phẩm như rau bina đóng hộp, rau quả đông lạnh, các loại quả/hạt rang khô và các sản phẩm đóng hộp như cà chua và cá ngừ (kiểm tra nhãn để đảm bảo rằng chúng không chứa đường hoặc muối).

    Những loại quả này được đông lạnh để giữ nguyên được các chất dinh dưỡng.

    Đối với thực phẩm chế biến kỹ càng thì tốt nhất bạn nên ăn càng ít càng tốt. Đó bao gồm các loại thực phẩm như nước sốt mì ống, sốt trộn salad, sữa chua có các loai hương vị (chủ yếu là chất hóa học), các loại bánh ngọt hay bất cứ thứ gì mà người ta thêm muối, đường và chất béo vào để làm cho chúng có vị ngon hơn, cải thiện cấu trúc hoặc kéo dài thời hạn sử dụng của chúng. Hầu hết các thực phẩm ăn liền, như bánh quy, ngũ cốc ăn sáng, khoai tây lát, đồ uống có ga, và các loại thịt chế biến như thịt xông khói, salami và xúc xích, đều được chế biến rất nhiều.

    Không nên tiêu thụ nhiều các thịt chế biến sẵn.

    Cô Poon cho biết: "Ăn 50 gram thịt chế biến mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 18%. Đó là tương đương khoảng bốn lát thịt xông khói hoặc một chiếc hot dog."

    Ngoài việc chứa một lượng lớn muối, nhiều loại thịt chế biến cũng chứa nitrit và nitrat để giữ màu sắc bắt mắt và kéo dài thời hạn sử dụng. Một số chuyên gia y tế tin rằng chất nitrit có thể gây ra ung thư.

    Anh Ip cũng khuyên bạn nên đọc nhãn dinh dưỡng của sản phẩm hoặc danh sách thành phần khi mua sắm. Hãy tránh xa các sản phẩm có hàm lượng natri, đường, chất béo bão hòa và chất béo chuyển vị cao.

    Mặc dù các sản phẩm nước ép trái cây đóng hộp thường ít được chế biến nhưng cô Poon vẫn khuyên bạn nên hạn chế lượng tiêu thụ. Đơn giản vì nước trái cây thường có hàm lượng fructose cao (đường tự nhiên) và không chứa chất xơ. Tốt hơn là bạn nên ăn nguyên cả trái cây, vì nó chứa nhiều chất xơ giúp hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh, khiến bạn cẩm thấy no hơn và không làm lượng đường trong máu tăng lên để rồi gây họa cho sức khỏe.

    Theo SCMP

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-dinh-duong-khuyen-dung-mot-so-thuc-an-nhanh-nhung-rat-co-loi-cho-suc-khoe-a193070.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan