Chuyển đổi số “đến nơi, đến chốn”
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội bứt phá cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chuyển đổi số tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế- xã hội. Không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
Nói về chuyển đối số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, chuyển đổi số tạo ra là kinh tế tri thức, là kinh tế số. Kinh tế số là hình thái kinh tế chủ yếu sau kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp.
Các công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, cùng với kết nối mạng và yếu tố sản xuất dựa trên dữ liệu sẽ thay đổi sâu sắc các ngành công nghiệp hiện nay, thay đổi cả về mô hình tổ chức, mô hình quản trị, phương thức sản xuất, yếu tố sản xuất, mô hình kinh doanh để hình thành một nền kinh tế mới.
Tháng 6/2024, Chương trình Chuyển đổi số Việt Nam được 4 năm và bước sang năm thứ năm. Năm đầu tiên là khởi động, năm thứ hai là tổng diễn tập thời Covid-19, năm thứ ba là xây dựng các nền tảng số quốc gia, năm thứ tư là phát triển dữ liệu số.
Năm 2024 này là bắt đầu của năm thứ 5, cả nước sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Phát triển kinh tế số các ngành, Quản trị số và Phát triển dữ liệu số.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2024, chuyển đổi số quốc gia đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 97.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08% (tăng 9,67% so với cuối năm 2023), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025.
Triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, tổng số khách hàng lũy kế đạt hơn 8,8 triệu khách hàng, trong đó 6,3 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ "không để ai ở lại phía sau" trong quá trình chuyển đổi số.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp so với mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt tỉ lệ 104,9%).
Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online.
Cũng trong 6 tháng qua, lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam. Các giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hạ tầng số, toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỉ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023 là 79,6%). Toàn quốc có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tỉ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 84% (tăng 3,2% so với cuối năm 2023 là 80,8%).
Cùng với đó, Việt Nam có thêm 1 Trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với công suất 30 MW. Tỉ lệ chuyển đổi sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60% (tăng 1% so với cuối năm 2023), đứng thứ 8 toàn cầu (tăng 1 bậc so với năm 2023).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, là con đường đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng. Qua gần 4 năm, chúng ta đã nhìn ra con đường, đã nhìn ra cách tiếp cận Việt Nam, đã hành động mạnh mẽ, đã có những kết quả bước đầu.
Nhưng bây giờ là lúc phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo ra các kết quả thiết thực hơn, toàn diện hơn cho người dân. Các nước cũng đang CĐS mạnh mẽ, nếu chúng ta không quyết liệt hơn, không có cách làm sáng tạo hơn, không liên tục đi đầu thì sẽ lại là nước đi sau, tụt lại phía sau. Và giấc mơ về một Việt Nam hùng cường sẽ lại tiếp tục là giấc mơ”.
Nhiều lợi ích
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, ông Đỗ Văn Bằng, Giám Đốc Công ty TNHH TM&ĐV Minh Thành Phát (Xe Sao Việt) cho biết, sau nhiều năm áp dụng chuyển đổi số vào vận hành, quản lý tình hình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã nhận nhiều kết quả tích cực, từ các thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy nhân sự,… từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất.
Ông Bằng cho biết, lợi ích trước tiên mà doanh nghiệp nhận được là sự tiện lợi trong các thủ tục hành chính. Nếu như trước đây, nhân viên của công ty phải đến trụ sở các cơ quan chức năng để làm thủ tục đăng ký, kê khai rồi tất bật “chạy qua, chạy lại” để hoàn tục những giấy tờ bị thiếu thì bây giờ nhân sự có thể ngồi ở nhà để thực hiện thủ tục qua các cổng điện tử của cơ quan chức năng. Chủ động kiểm soát được thời hạn pháp lý của các giấy phép để chủ động bổ sung, làm mới. Việc này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhân lực, thời gian để từ đó nâng hiệu suất công việc lên nhiều lần.
Một giá trị khác mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp vận tải nữa đó là tính minh bạch, uy tín của đơn vị. Bởi lẽ, trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng luôn mong muốn lựa chọn được một đơn vị vận tải chuyên nghiệp, uy tín để tạo niềm tin sử dụng dịch vụ thì chuyển đổi số đã làm rất tốt được việc này.
Người tiêu dùng chỉ cần một click chuột là có thể tra cứu toàn bộ tính pháp lý của một doanh nghiệp, mọi thông tin như Giấy phép kinh doanh; Giấy đăng kiểm phương tiện; thông tin vận hành,… đều được kê khai đầy đủ. “Được được xem như một kênh để tiếp cận tới khách hàng, từ đó khẳng định uy tín, chất lượng của doanh nghiệp đến với hành khách”, ông Bằng chia sẻ.
Công ty hiện có gần 100 đầu xe bao gồm xe khách, xe trung chuyển và xe tải. Với 103 lái xe và 45 phụ xe và 150 nhân viên văn phòng và phục vụ hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày thì việc ứng dụng công nghệ số góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý doanh nghiệp, phục vụ khách hàng. Chuyển đổi số đã cung cấp các công cụ, các giải pháp về công nghệ giúp cho hoạt động quản lý phương tiện, hành khách, đội ngũ nhân viên, lái xe ngày càng chuyên nghiệp hơn, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, chuyên tuyến Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai - Sa Pa, với phương châm “Khách hàng là tài sản lớn nhất của công ty”, ông Bằng cho biết nhà xe ngày càng nâng cao chất lượng dàn xe khai thác, tăng thêm số lượng xe, số lượng tuyến trong ngày, đi cùng với đó là hoàn thiện và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Chuyển đổi số toàn diện, đa dạng phương thức đặt vé, thanh toán nhằm thuận tiện hơn cho khách hàng và đáp ứng xu thế hiện tại... để đạt được mục đích cuối cùng mà doanh nghiệp hướng đến đó là khách hàng được sử dụng dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất với giá thành tiết kiệm nhất.
Nếu như những ngày đầu mới hoạt động, phần lớn khách hàng của hãng xe này đến mua vé tại văn phòng, danh sách khách hàng cũng được ghi thủ công trên một cuốn sổ tay. Chất lượng dịch vụ thời điểm đó cũng rất khó kiểm soát do thiếu công cụ giám sát cũng như không có nhiều kênh để tiếp nhận phản hồi từ khách hàng,… thì lượng khách mua vé trực tiếp tại quầy hiện nay chỉ chiếm chưa tới 10%; có tới trên 90% khách hàng mua vé qua các hình thức trực tuyến như gọi tổng đài, đặt qua website, qua app đặt vé.
Chia sẻ về hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp vận tải, ông Bằng nói: “Chuyển đổi số như một “cứu cánh” cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng. Chuyển đổi số đáp ứng cơ bản những nhu cầu mà doanh nghiệp vận tải cần có hiện nay như quản lý nhân sự, sản xuất kinh doanh, data khách hàng,… Chuyển đổi số đã xây dựng một bộ khung để các doanh nghiệp dựa vào phát phát triển thêm những tính năng dựa theo nhu cầu, thực trạng của đơn vị để có thể hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn”.