Đối với nhiều người, gián là loài động vật đáng sợ nhưng đối với ông Hồ Hoàng Khanh, 62 tuổi, loài vật này lại gắn với chặng đường mưu sinh, là nguồn thu nhập của gia đình ông suốt hơn 20 năm qua.
Bén duyên nghề lạ
Tìm đến con hẻm 748 đường Hồng Bàng, phường 1, quận 11, TP.HCM, chúng tôi may mắn gặp được ông Hồ Hoàng Khanh, 62 tuổi, làm nghề bắt gián ở TP.HCM. Ngôi nhà của ông nằm sâu trong con hẻm nhiều ngõ ngách nhưng không khó tìm, bởi chỉ cần hỏi “vợ chồng ông bắt gián”, người trong hẻm đều biết.
Tiếp chúng tôi, ông Khanh cho biết: “Trước khi biết tới công việc bắt gián, vợ chồng tôi cũng đã lăn lộn qua biết bao nghề. Trước đó, tôi từng là thợ làm móc câu, chuyên uốn mài lưỡi câu phục vụ giới cần thủ. Tại nơi làm việc, chủ tiệm thường bán kèm côn trùng làm mồi câu cho khách. Cũng chính vì thế, tôi được chủ mách nước, bén duyên với nghề bắt gián, vì đây là loại mồi được dân câu ưa chuộng thời trước, lại là công việc tốn ít vốn, được bao nhiêu lời bấy nhiêu”.
Thế nhưng, vào những ngày đầu tiên quyết định làm công việc này, ông cũng trăn trở, nản lòng bởi giá bán ra quá thấp, lại chưa biết cách bắt sao cho hiệu quả. Nỗi lo kinh tế, thêm vào đó là sự mặc cảm bởi cái nghề chỉ cắm mặt vào nắp cống, rãnh nước, bị nhiều người trêu ghẹo khiến ông đành đổi việc.
Ông Hồ Hoàng Khanh. |
Nhờ một người quen thương tình, hai vợ chồng ông Khanh vay được số vốn nhỏ để mua chiếc xe đẩy đi bán hủ tiếu, tuy nhiên tôi cũng nhanh chóng bỏ nghề. Sau đó bất đắc dĩ tôi quay về với nghề bắt gián để kiếm cơm. Cũng may lúc đó vợ tôi ủng hộ, khuyên tôi chịu khó đi bắt, kiếm nhiêu ăn nhiêu, có còn hơn không”, ông kể.
Từ đó, ông Khanh tìm hiểu kỹ hơn về tập tính loài gián để thuận lợi cho công việc. Biết ở TP.HCM có 2 loại chủ yếu là gián đất và gián đỏ, ông chia thời gian sáng, tối để đi bắt.
Gián đất ông bắt ban ngày, ở những bãi xà bần, bãi đất trống với dụng cụ bắt là một chiếc hộp và một khúc cây để cào đất. Gián đỏ ông bắt vào ban đêm vì thời gian này ít xe cộ qua lại, loài này thường đi kiếm ăn. Dụng cụ bắt là một thanh tre dài được quết mạch nha.
Gián bắt được, ông mang bỏ mối ở các cửa hàng bán cần câu, giao cho khách ở các tỉnh miền Tây làm mồi câu cá bông lau, cá rô, cá trê, cá chim... hoặc bán cho sinh viên trường Y phục vụ các môn nghiên cứu.
Mỗi đêm, người đàn ông 62 tuổi này săn được khoảng 500 đến 1.000 con gián đỏ. Khoảng thời gian trước Tết, các tỉnh miền Tây vào mùa cá bông lau nên nhu cầu mồi câu bằng gián rất lớn. Khi ấy, vợ ông, bà Trần Thị Kim Anh, 59 tuổi, cũng đi bắt phụ giúp chồng, có đêm bắt được đến 2.000 con. Ban ngày, ông bà cũng chia nhau ra bắt. Ông đạp xe đến những nơi xa hơn, còn bà đi bắt chỗ gần. Khi đi giao gián cho khách xong, bà tiếp tục đi bán vé số.
Dẫu có thâm niên trong nghề nhưng vợ chồng ông Khanh cho rằng, đây không phải nghề ổn định, còn phải tùy thuộc vào khách, vào thời gian mùa mưa, mùa nước lớn trong năm.
Từ khi có dịch, lượng khách giảm mạnh, khan hiếm nên ông Khanh chỉ đi bắt cho vui, bán cho vài ba khách nhỏ, còn bà tập trung bán vé số.
Hơn 20 năm bám nghề bên mặt cống, rãnh để nuôi con khôn lớn
Nếu ông Khanh gắn với cái “nghiệp” bắt gián này được hơn 20 năm thì bà Kim Anh cũng đã gắn bó với nó hơn 15 năm. Nửa đêm, khi cả thành phố đang say giấc ngủ, ông bà lại lụi cụi với công việc của mình. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nghề bắt gián lại là công việc ẩn chứa những rủi ro tiềm ẩn. Nhất là khi thò tay vào các nắp cống, rãnh nước chứa đầy chất thải, rác rưởi hay các vật sắc nhọn dễ cắt trúng tay.
Ông Khanh đã bắt gián suốt hơn 20 năm. |
Nhiều lúc bà Kim Anh phải chui xuống sàn của các sạp thịt trong chợ đầy rẫy chuột, bọ và gián để bắt, điều mà không phải người phụ nữ nào cũng dám làm.
“Lúc trước, khu vực chùa Gò (Phụng Sơn Tự, quận 11) vắng vẻ, hoang sơ. Có lần, tôi đang cào đất, cào trúng bò cạp, rắn, rết nhiều vô kể, cũng may có khúc cây gạt nó ra. Nhưng, tôi đâu có sợ, ngày hôm sau vẫn ra đó bắt tiếp”, ông Khanh chia sẻ.
Ông kể thêm, lúc mới vào nghề, thấy hai vợ chồng hay chui rúc, mò mẫm trong đêm, người dân tưởng ông bà là người xấu, thường gọi công an đến kiểm tra. Về sau, người ta biết ông bà đang bắt gián mưu sinh nên cũng thoải mái hơn. Có người chỉ cho ông bà chỗ bắt được nhiều gián, có người bắt được gián ở nhà còn đợi ông bà đến để cho.
Đối với nhiều người, gián là loài vật dơ bẩn, đáng sợ, nhưng với ông Hoàng Khanh, bà Kim Anh, loài vật này là thu nhập chính của gia đình trong suốt nhiều năm qua, giúp vợ chồng ông sửa được căn nhà xập xệ và nuôi các con ăn học.
Bình thường, giá bán trung bình của gián đỏ khoảng 500 đồng một con, còn gián đất được bán với giá rẻ hơn, khoảng 200 đồng một con. Giờ đây, do con cái đều có công ăn việc làm, sức ép về tài chính gia đình không còn lớn nên mức thu nhập của ông cũng dao động khoảng 100 - 300 nghìn đồng/ngày.
Kiếm sống bằng cái nghề độc lạ này, khi được hỏi có ý định truyền nghề lại cho ai không, ông Khanh hài hước trả lời: “Cái nghề này cực lắm, ai muốn làm đâu. Mà nếu có người làm tôi cũng lo bị mất mối vì nhu cầu cũng không còn nhiều như xưa”.
Trước đây, ông Khanh và vợ đến với nghề để bớt đi gánh nặng kinh tế, còn bây giờ, họ làm vì cái “nghiệp” và không muốn phụ thuộc vào con cái.