+Aa-
    Zalo

    Chuyện đời cô giáo 20 năm “trồng người” ở Côn Đảo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đã hơn 20 năm kể từ ngày cô giáo Phạm Thu Mai (SN 1971) theo chồng ra huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) xây dựng hạnh phúc và sự nghiệp. Chính tình yêu với màu á

    (ĐSPL) - Đã hơn 20 năm kể từ ngày cô giáo Phạm Thu Mai (SN 1971) theo chồng ra huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) xây dựng hạnh phúc và sự nghiệp. Chính tình yêu với màu áo lính đã giúp cô Mai có niềm tin vào cuộc sống để vun đắp hạnh phúc gia đình ngay trên vùng đất hải đảo xa xôi.

    Trải qua biết bao gian khó, thăng trầm trong cuộc sống, cô giáo trẻ mới nhận ra rằng, tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc trong trái tim mình lớn hơn bao giờ hết. Đó chính là lý do cô Mai quyết định gắn bó cuộc đời mình với những đứa trẻ nơi đầu sóng ngọn gió.

    Cô giáo Mai (người thứ 2 từ trái sang) vinh dự được Bộ trưởng bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

    Mối lương duyên đặc biệt

    Trong chuyến công tác tới huyện Côn Đảo, chúng tôi được các đồng chí trong Đội vận động quần chúng, đồn Biên phòng Côn Đảo (Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu) giới thiệu gặp gỡ cô giáo Phạm Thu Mai, một người phụ nữ đặc biệt với hơn 20 năm gắn bó nghề “gõ đầu trẻ” nơi đảo xa và được cô chia sẻ về những thăng trầm trong chuyện đời, chuyện nghề của mình.

    Năm 1990, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp Sư phạm tỉnh Hà – Nam – Ninh cũ, cô Mai được phân về dạy tại trường Tiểu học Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Trên cương vị của một cô giáo mới đứng trên bục giảng, Phạm Thu Mai luôn đem tài đức của mình phục vụ cho sự nghiệp trồng người.

    Lúc bấy giờ, Mai cũng như gia đình đều nghĩ rằng tương lai của cô sẽ gắn chặt với mảnh đất quê hương. Thế nhưng, cuộc đời của cô giáo trẻ lại có bước ngoặt lớn khi cô làm quen rồi yêu một chiến sỹ quân đội cùng quê là Phạm Quang Lộc (SN 1967). Lúc bấy giờ, anh Lộc đang công tác tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Côn Đảo. Ở nơi xa xôi, cách trở về mọi mặt, nhưng bằng tình yêu chân thành của người lính đã vượt lên trên tất cả và họ quyết tâm đến với nhau để xây dựng hạnh phúc trăm năm.

    Năm 1993, một đám cưới đơn sơ nhưng rất đỗi ấm áp của anh chị được tổ chức tại quê hương Ninh Bình. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đơm hoa kết trái, đó là thành quả của tình yêu vượt qua mọi giới hạn của không gian và thời gian. Sau khi hết kỳ nghỉ phép một tháng để cưới vợ thì cũng là lúc anh Lộc phải trở lại Côn Đảo để nhận nhiệm vụ của mình. Trước chuyến đi xa, anh Lộc có hỏi vợ mình rằng: “Anh sẽ chuyển em ra công tác tại Côn Đảo, em có đồng ý không?”.

    Không chờ câu trả lời của người vợ trẻ, người lính đảo đã nhanh chân cất bước ra đi làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. “Bằng tình yêu chân thành dành cho anh, cũng như cảm phục người lính quyết tâm bám trụ nơi hải đảo xa xôi, không lâu sau tôi đã quyết định theo anh ra và sinh sống từ đó cho đến giờ”, chị Mai nhớ lại.

    Ngồi trong ngôi nhà khá khang trang của vợ chồng chị Mai, anh Lộc, chúng tôi hiểu được rằng, để có được cuộc sống như ngày hôm nay, anh chị đã phải trải qua biết bao gian khổ, thăng trầm trong cuộc sống.

    “Năm 1993, sau lễ cưới được ít tháng, anh Lộc điện về và nói sẽ đưa tôi ra Côn Đảo để sinh sống. Lúc đầu tôi thấy băn khoăn vì trong suy nghĩ của tôi cũng như gia đình luôn ấp ủ hy vọng tìm cách chuyển anh về công tác tại quê nhà để vợ chồng sớm tối có nhau. Tuy nhiên, vì yêu anh, vì yêu màu áo lính, tôi đã quyết định theo anh, mặc dù gia đình hai bên nội ngoại không ai đồng ý”, chị Mai nhớ lại.

    Lần đầu đặt chân lên một vùng đất mà mình mới chỉ biết đến qua sách vở với những nhà ngục nổi tiếng trần gian ở Côn Đảo, mặc dù rất bỡ ngỡ nhưng bằng tình yêu với người lính đảo, chị Phạm Thu Mai đã dám chấp nhận mọi thứ để xây dựng tương lai ngay tại nơi xa xôi, cách trở này. Tuy nhiên, cuộc sống vốn không đơn giản như trong suy nghĩ của cô giáo trẻ mới ra trường. Nhiều khó khăn đang chờ đón anh chị ở phía trước.

    Quyết tâm gắn bó với Côn Đảo

    Côn Đảo cách đây hơn 20 năm về trước cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ điều. Chị Mai vẫn còn nhớ như in về những kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời của mình. Khi ấy, nơi đây chỉ có hai con đường duy nhất có thể đi lại thuận tiện, còn mọi hoạt động khác đều phải đi bộ hàng chục ki lô mét đường rừng. Ngoài việc đi dạy ở trường tiểu học Cao Văn Ngọc, cô giáo Mai còn nỗ lực hết mình để tăng gia sản xuất, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Khi còn khó khăn, Ban chỉ huy Quân sự huyện Côn Đảo đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đôi vợ chồng trẻ trong sinh hoạt, ăn ở...

    Năm 1995, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên khi chị Mai sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Phạm Thị Mai Trang. Đó chính là niềm hạnh phúc vô bờ bến của anh chị. Tuy nhiên, đó cũng là lúc anh chị phải tính đến chuyện lo lắng kiếm thêm tiền để phục vụ cho cả gia đình.

    “Lúc đó lương của chồng tôi chỉ được 290 nghìn đồng/tháng, chi phí sinh hoạt cho con nữa nên cuộc sống càng trở nên thiếu thốn. Tôi và chồng quyết định trồng thêm rau, nuôi thêm đàn lợn, bò để tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Anh thì đi làm cả ngày, còn tôi buổi đi dạy, buổi ở nhà chăm lo cho đàn gia súc chóng lớn để kiếm thêm nguồn thu nhập. Cũng năm đó, chồng tôi có quyết định phải đi học 4 năm ở Đà Lạt, rồi Ban giám hiệu nhà trường có quyết định cử tôi tới dạy điểm trường cách chỗ ở khoảng 12km. Dù biết là quá xa xôi, đường đi lại rất khó khăn, nhưng yêu ngành, yêu nghề, tôi đã vui vẻ nhận nhiệm vụ”, chị Mai bùi ngùi nhớ lại.

    Khi chồng chị Mai đi học cũng là thời điểm chị mắc chứng bệnh u nang buồng trứng. Gia đình phải vay mượn khắp nơi để lo lắng thuốc men và các khoản tiền để đảm bảo an toàn tính mạng cho chị. May mắn thay, sau ca mổ thành công ở bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu, chị Mai đã có thể đi dạy trở lại, nhưng tình trạng sức khoẻ của chị ngày càng yếu hơn. Thương cho hoàn cảnh của cô giáo trẻ mang bạo bệnh, những chuyến đi dạy ở điểm trường xa xôi, cô giáo Đỗ Thị The dạy cùng trường (nay đã nghỉ hưu - PV) đã đồng ý đổi ca dạy cho chị, từ đó chị Mai có điều kiện được sống gần nhà hơn, thuận tiện cho việc đi lại.

    Gia đình hạnh phúc của cô giáo Mai.

    Tâm sự về cuộc đời vợ mình, anh Lộc chia sẻ: “Nhớ lại những kỷ niệm trong quá khứ, không thể kể hết về những nỗi vất vả mà vợ chồng tôi đã trải qua. Hôm nay, có được vị trí cũng như cơ ngơi này là cả một quá trình mà vợ chồng tôi đã dày công vun đắp. Tôi được biết, khi tôi đi học ở Đà Lạt, hằng ngày, ngoài việc lên lớp, Mai còn phải chăm nom, lo lắng công việc cho gia đình. Ban đêm sau khi cho con ăn, ngủ cũng đã hơn 10h, vợ tôi mới bắt đầu soạn giáo án cho ngày mai. Rồi việc chăm lo cho đàn gia súc chóng lớn bán để có thêm tiền trang trải cuộc sống cũng khiến vợ tôi thêm vất vả. Hiện nay các con của chúng tôi đã lớn, năm 2014, cô con gái đầu thi đậu vào trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh với số điểm 25; còn cháu út là Phạm Thanh Thuỷ (11 tuổi) đang là học sinh tiểu học Cao Văn Ngọc với nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện”.

    Hết mình vì sự nghiệp trồng người

    Nhiều năm trước, dù đã nhiều lần được Ban giám hiệu trường tiểu học Cao Văn Ngọc cũng như đồng nghiệp đề bạt giữ chức vụ hiệu phó, nhưng vì lý do sức khoẻ không đảm bảo nên chị Mai đã từ chối vị trí này. Năm 2011, sau nhiều nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi, cô giáo Phạm Thu Mai mới chính thức đảm nhận chức vụ Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Văn Ngọc ở huyện Côn Đảo. Qua hơn 20 năm sinh sống và công tác tại Côn Đảo, cô giáo Mai đã nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Với những cống hiến không nhỏ của mình cho sự nghiệp trồng người ở huyện Côn Đảo, cô Phạm Thu Mai đã được Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng bằng khen vào năm 2012.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-co-giao-20-nam-trong-nguoi-o-con-dao-a83714.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan