Đã có những lúc chị tính đến việc tìm một công việc khác, ít áp lực hơn nhưng “nghề báo giống như cái duyên, cái nợ nên chưa thể dừng lại được”. Vậy là lại đi, lại viết, lại đam mê và lại sống với nghề...
Nhà báo Chu Thị Khánh Ly: Thấy có lỗi với con
Khởi nghiệp làm báo từ một người đọc morat tại Phòng Thư ký Báo Nghệ An, 10 năm trong nghề, nhà báo Chu Thị Khánh Ly trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Từ một người đọc morat, cảm nhận đời sống xã hội qua từng bài viết của đồng nghiệp, khi được phân công đi viết bài, một chân trời mới đã mở ra với Chu Thị Khánh Ly.
Nhà báo Chu Thị Khánh Ly. |
“Tôi vẫn còn nhớ sự kiện đầu tiên mà mình tham gia với tư cách của một người phóng viên. Đó là vụ chìm đò Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An) vào năm 2006. Chưa đi, chưa lường trước được vấn đề nên vẫn cứ nghĩ lên đó làm một cái tin rồi về. Chẳng chuẩn bị gì ngoài bộ quần áo trên người, máy ảnh, máy tính và cuốn sổ.
Lên đến nơi, cảnh tượng trước mắt hoàn toàn khác xa với những gì mình nghĩ. 19 em học sinh chết và mất tích. Không khí tang thương bao trùm cả một quãng sông. Bám sự kiện, tôi quyết định ở lại. 1 tuần lễ bám sông, bám các đội cứu hộ để đưa tin, viết bài phản ánh với duy nhất một bộ quần áo dài trên người. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sống mũi cay cay”.
Chuyến tác nghiệp đầu tiên trong đời làm báo đã để lại cho chị nhiều suy nghĩ về nghề, về trách nhiệm của người làm báo đối với đời sống xã hội. Và hơn hết, đó là sự thấu hiểu, sẻ chia giữa con người với con người.
Khi còn độc thân, chị có thể bay nhảy với những chuyến đi tác nghiệp kéo dài cả tuần lễ. Nhưng sau khi lấy chồng, sinh con, hàng trăm thứ việc không tên của người vợ, người mẹ đã khiến công việc vốn đã chịu nhiều áp lực của chị vất vả hơn gấp bội. Chồng chị công tác xa, chị nhiều khi phải đi từ mờ đất và trở về khi đồng hồ đã điểm sang 2 - 3h sáng, chị thấy mình có lỗi với các con ghê gớm.
“Nhiều hôm, chở con đến trường, con luôn dặn duy nhất một câu: “Mẹ nhớ đón con sớm nhé”. Mong ước nhỏ nhoi đó của con chị cũng ít khi làm được; hầu như phải nhờ anh em, đồng nghiệp đón con hộ. Có hôm không thể nhờ được ai, xong công việc, chạy xe đến trường khi trời đã tối, thấy con đang ngồi khóc một mình nơi cầu thang trường học, mẹ cũng chỉ biết ôm con mà khóc”, chị tâm sự.
Đã có những khi con ốm, công việc lại bắt buộc phải hoàn thành đúng thời hạn khiến chị phải quay như chong chóng, nhất là những dịp Lễ, Tết. Áp lực công việc khiến có lúc chị tưởng chừng mình gục ngã hay phải bỏ cuộc. Nhưng may mắn, chồng chị là người thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với công việc của vợ.
Là phụ nữ, lại được phân công những lĩnh vực “xương” như thời sự hay giải quyết đơn thư của bạn đọc, chị cũng sợ công việc sẽ khiến mình bớt đi một chút dịu dàng, nữ tính của phụ nữ. Nhưng rồi, bản năng làm vợ, làm mẹ đã giúp chị cân bằng giữa công việc và gia đình. “Cuối tuần, dù không có thời gian nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp để cả nhà đi chơi với nhau một buổi. Chỉ là loanh quanh ở các khu vui chơi thôi, nhưng đó cũng là cách mình bù đắp cho chồng, con những thiệt thòi khi có vợ, có mẹ là nhà báo”.
Nhà báo Hồ Hà: Nghề báo là duyện nợ
Vào nghề từ năm 2000, sau hơn 1 năm công tác tại một tờ báo địa phương, Hồ Hà xin nghỉ để dành thời gian chăm sóc cho tổ ấm của mình khi đứa con đầu chào đời. Con dần cứng cáp, năm 2003, Hồ Hà quyết định quay lại với nghề và công tác tại Báo Gia đình - Xã hội với chức trách của phóng viên thường trú phụ trách địa bàn.
Nhà báo Hồ Hà bật khóc khi nói về những thiệt thòi của con trai mình khi có mẹ làm báo |
"Phụ nữ làm báo khổ. Phụ nữ làm thường trú còn vất vả hơn bội phần. Tòa soạn ở xa, nhiều lúc cảm thấy mình đơn độc trong nghề, nhất là những khi dấn thân vào các vụ điều tra tiêu cực. Vất vả, khó khăn và cả hiểm nguy để có thể tìm ra được sự thật. Thế nhưng, cái giá của công việc cũng khiến chị mệt mỏi, hoang mang khi nhận được những cú điện thoại hay tin nhắn với lời lẽ hăm dọa. Nhất là khi những kẻ ấy cứ nhằm vào người thân hay hạnh phúc gia đình chị. Phụ nữ làm báo thường trú, nếu không có bản lĩnh thì sẽ không làm nổi”, nhà báo Hồ Hà tâm sự.
Làm báo thường trú, chị gần như phải căng như dây đàn mới có thể kham nổi khối công việc khổng lồ của một phóng viên, nhân viên văn phòng và phát hành. Bởi vậy, hơn 10 năm thường trú, với chị, hai từ “chỉ tiêu” vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất khi phải đối diện với áp lực của báo mạng, báo tờ và đặc san miền núi mà tòa soạn giao cho. Ám ảnh đến nỗi, nhắm mắt lại hay mở mắt ra cũng chỉ thấy 2 từ chỉ tiêu!
Đã có những lúc chị tính đến việc tìm một công việc khác, ít áp lực hơn nhưng “nghề báo giống như cái duyên, cái nợ nên chưa thể dừng lại được” như chị nói. Vậy là lại đi, lại viết, lại đam mê và lại sống với nghề. Nhưng lẽ đời, khó mà chu toàn được công việc và gia đình, nhất là đối với những người phụ nữ làm báo.
Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, không ít lần chị bật khóc khi nói về các con của mình. Chị gọi chồng, con mình là “hậu phương”. Nếu không có sự thấu hiểu và sẻ chia của chồng, của cậu con trai sớm trưởng thành so với các bạn cùng lứa, chị bảo, mình sẽ khó mà hoàn thành được một “núi” công việc của một phóng viên thường trú.
“Người khiến chị mắc nợ nhiều nhất là cậu con trai 11 tuổi. Công việc cứ cuốn mình đi nên thằng bé chưa có được một buổi đi chơi đúng nghĩa hay đơn giản như một buổi đi xem xiếc như các bạn. Nguyên tắc trong công việc nên chị cũng nguyên tắc đến khắc nghiệt với con. Nhiều khi nghĩ, tội con lắm nhưng may là thằng bé sớm hiểu và thông cảm với công việc của mẹ”, đôi mắt chị đỏ hoe.
Nhà báo Hiền Lương: Mắc nợ với con
Công tác tại Báo Lao động Nghệ An, mặc dù là tờ báo tuần nhưng áp lực công việc mà cán bộ, phóng viên ở đây không vì thế mà nhẹ nhàng hơn những tòa soạn khác. Là tờ báo được “đóng đinh” bằng những bài viết chống tiêu cực, bởi vậy công việc của những biên tập viên như nhà báo Hiền Lương cũng chịu không ít khó khăn, trở ngại.
Nhà báo Hiền Lương (người ngồi) cùng đồng nghiệp kiểm tra bản thảo lần cuối trước khi in. |
Mỗi tuần 1 số báo, vỏn vẹn 12 trang thôi nhưng công việc gần như tất bật suốt cả tuần. Nhưng “nặng nề” nhất vẫn là thời điểm sát ngày ra báo. Đó là những ngày căng mắt ra đọc hàng tập hồ sơ. Là những hôm làm việc đến gần nửa đêm để kịp thời ra số báo mới. Hay là những khi báo đã lên khuôn nhưng vẫn lấn cấn một vài chi tiết. Vậy là lại chong mắt lên, huy động mọi nơ-ron thần kinh để kiểm tra tài liệu. Cảm thấy chưa thực sự chắc chắn lại phải gỡ bài và ngay lập tức phải tìm bài thay thế.
Nói thế để thấy công việc của biên tập viên không hề nhàn rỗi mà trái lại vất vả, áp lực như bất kỳ một phóng viên nào. Bởi vậy, gần sát ngày ra báo, Hiền Lương và những đồng nghiệp trong tòa soạn chỉ về nhà khi sắp bước sang ngày mới. Cứ đều đặn như thế, thậm chí, vào những dịp ra số báo đặc biệt thì gần như cả ngày vợ chồng, con cái chẳng nhìn thấy mặt nhau bởi vì về đến nhà thì các con cũng đã ngủ từ lúc nào.
“Nhiều hôm nghe hai đứa con nói mà trào nước mắt. Sáng mai, mở cửa đi làm, hai đứa ôm chân mẹ phụng phịu “con không thích mẹ đi làm về muộn”. Lại phải dỗ dành: mẹ đi làm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Mãi rồi chúng cũng quen, đến giờ là đi ngủ, chẳng đợi mẹ về như trước đây nữa. Thương con nhưng công việc như vậy cũng chẳng biết làm thế nào khác. Vào dịp cuối tuần đưa con đi chơi, như một cách để “đền bù”, chị chia sẻ.
Trách nhiệm của người mẹ, người vợ, người con dâu trong gia đình với bao nhiêu thứ việc không tên lẫn có tên, họ - những người phu nữ làm báo vẫn phải chu toàn. Phụ nữ làm báo vất vả không thể nói hết nhưng với lòng yêu nghề, say nghề và tâm huyết với nghề, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn. Bởi họ biết, đằng sau mình luôn có "hậu phương" vững chắc và phía trước mình là niềm tin của độc giả. Chỉ cần từng ấy thôi, những người phụ nữ mảnh dẻ và có phần yếu đuối cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều trong nghề "phu chữ".