(ĐSPL) - Đã nhiều năm nay, cứ đến khoảng tháng Ba, tháng Tư hàng năm, tình trạng dồn ứ dưa hấu tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh lại diễn ra. Hàng ngàn chiếc xe chở hàng tắc nghẽn hàng trăm km, kéo dài hàng chục ngày đã khiến cho nhiều thương lái "khóc dở mếu dở".
Ùn ứ kéo dài hàng trăm km
Nhiều ngày qua, thông tin về vụ ùn tắc hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh đã chiếm thời lượng lớn trên các kênh thông tin đại chúng. Đây là vụ ùn tắc quy mô nhất so với những năm trước. Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, khu vực ven đường QL1A, đoạn từ Hữu Lũng kéo dài đến cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn là cảnh tượng hàng nghìn chiếc xe tải, container chở nông sản nối đuôi nhau nằm chờ để được xuất cảnh.
Tại khu vực từ ngã ba Bắc Luống - quốc lộ 4D vào tận khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn được coi là nơi tắc nghẽn trầm trọng. Làn đường một chiều đi vào cửa khẩu chỉ kéo dài hơn 3km nhưng các xe vẫn không thể nhúc nhích. Tình hình giao thông trên con đường này chỉ diễn ra ở lìa trái của con đường. Phương tiện tham gia lưu thông phải xê dịch, nhích từng chút, chậm rãi đến mức bất lực của những người điều khiển phương tiện giao thông.
Ùn tắc kéo dài suốt dọc tuyến quốc lộ 1A, không chỉ riêng các loại xe chở nông sản mà các loại xe chở hàng hóa khác cũng đổ dồn về cửa khẩu Tân Thanh. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông đã liên tục tuần tra, phân luồng để điều tiết giao thông, tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có lái xe do cố tình hay vô tình đã cố vượt lên gây tắc nghẽn cục bộ trên quốc lộ 1A. Trong đợt cao điểm, xe hàng bị tắc kéo dài từ Tân Thanh đến huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
Dưa hấu bị hỏng vứt bừa bãi ở cửa khẩu Tân Thanh. |
Nỗi đau nằm chờ... dưa thối
Trước tình trạng ùn ứ kéo dài, hàng ngàn chủ xe vẫn phải mệt mỏi nằm chờ. Họ rất đau xót khi phải chứng kiến hàng hóa bị hư hỏng dần mà không thể xuất biên. Anh Đỉnh Ngọc Trung, chủ xe 77C- 03500 cho biết, anh đi từ Bình Định ra đến Tân Thanh mất hai ngày, nhưng đã chờ đến bốn ngày rồi mà chưa thể xuất hàng sang Trung Quốc. Mỗi ngày anh phải chi phí khoảng 600.000 đồng/hai người, rất tốn kém. Do tình hình thời tiết thất thường nên số lượng dưa hỏng khá nhiều, có hiện tượng thâm đen, nước rỉ xuống thành xe.
"Nhìn đống dưa bị thối phải vứt bỏ, tôi rất xót. Mỗi ngày, chủ hàng đều gọi điện hỏi thăm mấy lần nhưng đường cứ bị tắc, hầu như không di chuyển được. Số lượng dưa có hiện tượng hư hỏng, tôi đành bán cho các thương lái trong nước đến tận thu với giá rất bèo bọt, khoảng 5-8 nghìn đồng/quả. Nhưng nếu không dỡ bỏ, không bán bớt những quả có nguy cơ thối, thì nước thối rỉ ra sẽ làm hỏng cả xe hàng, rỉ cả xe ô tô", anh Trung nói.
Anh Đoàn Văn Quân, quê Bình Thuận chia sẻ: "Chúng tôi phải thức đêm thức hôm cả tuần để trông xe và bảo vệ dưa. Mỗi ngày chỉ nhích thêm được vài mét nên chúng tôi phải hết sức tuân thủ và xếp hàng đúng theo quy định. Chúng tôi không dám ngủ mà chỉ thay nhau chợp mắt vài tiếng/ngày".
Được biết, anh Quân nhận chở thuê 30 tấn dưa hấu từ Đà Nẵng ra Lạng Sơn để giao hàng qua cửa khẩu Tân Thanh. Anh Quân đã mất hai ngày chở dưa từ Đà Nẵng lên đến Lạng Sơn. Thế nhưng quãng đường từ TP. Lạng Sơn đến cửa khẩu Tân Thanh chưa đầy 30km, anh đã phải mất tới năm ngày để di chuyển. Theo quan sát của phóng viên, tất cả các lái xe đều phải ăn nằm, tắm giặt và vệ sinh tại chỗ. Nhiều lái xe phải mắc võng dưới gầm xe để chợp mắt. Họ tranh thủ mua cơm hộp với giá cao gấp đôi, gấp ba lần ngày thường về ăn lấy sức trông dưa và xe. Đã bị lỗ bởi dưa bị thối, lái xe lại còn buộc phải chơi sang, mua nước lọc về tắm rửa và giặt giũ.
Trực tiếp đến cửa khẩu Tân Thanh, gặp những lái xe, chúng tôi được biết, do ùn tắc kéo dài quá lâu nên các xe hàng xuất sang cửa khẩu Trung Quốc đều bị hư hỏng nặng. Đa số dưa hấu đã thối, ủng nên các chủ hàng nước bạn thường chọn lọc rất kỹ. Một xe có trọng tải khoảng 20 tấn hàng thì bị thối quá nửa và bán với giá rẻ hơn ngày thường đến 50 - 60\% giá. Bán xong hàng, những chiếc xe tải lại chở những quả dưa bị loại về bán cho người dân địa phương. Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và TP. Lạng Sơn, giá dưa hấu chưa bao giờ rẻ như lúc này. Giá mỗi quả dưa hấu khoảng 4 - 6kg chỉ 10.000 đồng, còn tại khu vực chợ Đồng Đăng là 8.000 - 10.000kg.
"Do xe của mình có nhiều dưa bị hỏng nên thương lái Trung Quốc phải mất thời gian chọn lọc và thải loại. Có những xe mất nửa ngày phân loại mới giao hàng xong. Chính vì thế mà ùn tắc tại cửa khẩu lại càng thêm ùn tắc. Chuyến đi này, tôi mất nhiều thời gian và tiền bạc, chắc chắn sẽ bị lỗ nặng", anh Nguyễn Văn Thành, quê ở Bình Thuận buồn rầu nói.
Có hay không hiện tượng cò mồi, bảo kê bao biên?
Qua tìm hiểu của PV, trước tình trạng ùn ứ ở vùng biên, một số đối tượng xấu đã lợi dụng "nước đục thả câu". Họ lập mưu lừa đảo, thậm chí ăn trộm và cướp hàng trắng trợn của chủ hàng.
Anh N.V.H, chủ xe mang BKS 51C - 30... phản ánh: "Khi tôi vừa cho xe vào khu vực bãi đỗ ở cửa khẩu Tân Thanh thì có mấy người lạ tiến đến xin tiền phí bảo vệ bến bãi. Tôi phản ứng quyết liệt, vì tôi đã nhiều lần chở nông sản đến đây nên khá rõ về thủ tục và các loại phí phải đóng. Thấy thế, chúng đã nói rằng, xin mấy quả dưa... rồi bỏ đi. Tối đến, nhóm này đã ngang nhiên nhảy lên xe để ăn cắp dưa. Tôi không thể chống lại hành động ăn cắp của chúng, vì chúng quá đông, trong khi chúng tôi chỉ có hai người".
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Trần Ngọc Ánh - Phó trưởng Công an huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) cho biết: "Do tình trạng xe tụ tập tại đây quá đông nên rất khó kiểm soát. Chúng tôi cũng nhận được phản ánh có một số đối tượng đến quấy rối và xin tiền các lái xe. Lực lượng công an huyện đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành điều tra, làm rõ và ngăn chặn hiện tượng này".
Theo nguồn tin từ cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lạng Sơn: Ngày 25/3, cơ quan này đã bắt giữ hai đối tượng "cò mồi" là Vũ Văn Ninh (SN 1973), Nguyễn Văn Thanh (SN 1975) đều trú tại Pá Phiêng, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về tội lừa đảo. Theo tài liệu điều tra, hai đối tượng này đã lợi dụng thực trạng hàng ngàn xe hàng bị ùn tắc, lái xe nào cũng muốn được giải phóng hàng nhanh nên gạ gẫm, tổ chức cho xe đi đường tắt với giá tiền một triệu đồng/xe. Sốt ruột vì tắc đường lâu ngày, hơn nữa chi phí ăn ở, rồi tiền xe nằm chờ nhiều hơn số đó, nhiều lái xe đành cam lòng đưa tiền cho "cò mồi". Đến khi sự việc bị lật tẩy, hàng chục lái xe đã trở thành nạn nhân. Chúng dẫn lái xe đi theo đường vòng lên cửa khẩu nhưng vẫn bị lực lượng chức năng chặn lại. Lúc này, lái xe mới biết mình bị lừa.
Bà Đặng Thị Ngân - Phó Chi cục trưởng cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh khẳng định rằng, tuyệt đối không có hiện tượng ưu tiên cho xe nào thông biên sớm. Tại các điểm ùn tắc luôn có mặt của lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát cơ động, quản lý thị trường... tham gia túc trực 24/24h. Hơn nữa, các chủ hàng cũng giám sát lẫn nhau, chỉ cần có hiện tượng xe sau vượt lên xe trước thì họ sẽ thông báo đến lực lượng chức năng và ngay lập tức bị chặn lại.
Khi giao hàng, dưa hỏng gần hết Theo tìm hiểu của phóng viên, đã có nhiều xe tải giao hàng xong, qua cửa khẩu quay về với hơn nửa số dưa hỏng trên thùng xe. Lái xe Nguyễn Huy Hoàng, ở Gia Lai cho biết: "Tôi phải nằm chờ hơn một tuần mới được thông quan. Xe tải của tôi chở 25 tấn dưa đã bị hỏng gần nửa, lái buôn Trung Quốc chọn lọc rất kỹ. Họ đã loại bỏ gần một nửa. Khi quay về, tôi đành phải chở theo gần 6 tấn dưa đã bị thâm và chảy nước. Tôi đã chở dưa hấu từ Gia Lai ra Tân Thanh trong vòng mấy năm nay, nhưng chưa năm nào tôi gặp hiện tượng tắc nghẽn cục bộ như năm nay. Tính trung bình mỗi chuyến đi, tôi thu về hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng chuyến đi này chắc chắn lỗ nặng, vì chỉ thu được có hơn 20 triệu đồng". |
(Còn nữa)