Ngày nào cũng mua vé số cầu may, nhưng đến khi “lộc trời” rơi xuống, họ lại mang đi "đốt" mất nên tâm tư lúc nào cũng thấy tiếc nuối, day dứt.
Câu chuyện tự tay “đốt 30 triệu đồng” và suýt ném ra đường thêm “30 triệu đồng” nữa của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải (SN 1972) và Trần Thị Phi (SN 1974, cùng ngụ Ấp Bình Hòa, TT.Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) xảy ra đã lâu nhưng vẫn khiến bạn bè, người thân tiếc ngẩn tiếc ngơ thay cho họ.
Vốn nghèo khó, hầu như ngày nào, anh Hải cũng mua một vài tờ vé số cầu may. Hôm đó, chiều 4/12/2012, anh mua 2 tờ vé số loại 10.000 đồng/tờ của Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng với dãy số 324272. Chiều tối, anh gọi vợ dò số xem trúng trật thế nào, vì ngày hôm đó, tình cờ chị Phi cũng có một tờ nhờ “đổi café lấy vé” với một người bán vé dạo.
Nghe chồng hỏi: “2 số sau của toàn bộ 17 lô có số 72 không?”, chị cũng tỉ mỉ tra lại nhưng tuyệt nhiên không thấy. Nói rồi, chị trả lời giọng nửa đùa nửa thật: “Bỏ đi ông, ông mua thì có bao giờ mà trúng?”. Nghĩ vậy, sẵn tiện đang nhóm đống lá bàng khô để đốt, anh Hải lôi 1 tờ ra nhóm lửa, tờ còn lại anh quăng ra ngoài sân, để mặc gió bay. Trong đầu, anh chẳng hề mảy may vấn vương hay tiếc nuối chuyện “nhỡ mà trúng”.
Chị Phi cho biết, suốt từ ngày đốt vé số "định mệnh" đó, chồng chị gầy sọp đi vì lo nghĩ rồi tiếc nuối |
Một lát sau, khi đống lửa vừa tàn, vợ chồng đang tính chuyện dọn quán về nhà cơm tối thì chị bán vé số vui vẻ chạy đến báo tin mừng. Chị Phi nhớ lại: “Vừa đốt khoảng 10 phút thì chị đó chạy đến hồ hởi tay bắt mặt mừng: “Chiều em bán cho anh nhà 2 tờ số, trúng giải nhất luôn chị, 60 triệu đồng lận nha”.
Thoạt đầu, anh nghe còn tưởng đùa nên nói: “Không phải”. Thế nhưng, người đó lại nghĩ nhà anh trúng mà giả lờ đi để khỏi phải tặng lại họ tiền gọi là “công quả” nên nghiêm mặt, buông lời trách móc. Khi đó anh mới tin, cảm giác hụt hẫng không thể tả, giống như đang trên cao thì bị thả rơi tự do.
Đầu óc quay cuồng, anh Hải cứ một tay khều đống lửa đã tàn, bới chút tro than trong vô thức. Một bên, chị Phi ngồi bủn rủn, mặt ngơ ngác chẳng buồn dọn hàng. Cả cuộc đời nghèo túng, hai vợ chồng mua biết bao nhiêu tờ vé số cũng chỉ hy vọng có ngày trúng giải đổi đời. Vậy mà hôm nay, “lộc trời” đến tay, anh lại tự tay… nhóm lửa rồi vứt ra đường. Nghĩ đến đó, anh Hải không sao cầm được nước mắt...
Phải mất một lúc trấn tĩnh lại, hai vợ chồng mới chạy ào ra ngoài đường. Buổi tối nhá nhem, gió lại to, họ không biết tờ vé số trúng giải Nhất còn lại đã bay đến đâu. Soi đèn, đốt nến, anh Hải huy động cả họ hàng, bà con lối xóm đến giúp đỡ, hy vọng vớt vát được một phần của nả. Cũng may, qua gần hai giờ đồng hồ mò từng bụi cỏ, dà dẫm từng mét vuông đường, anh chị đã tìm được tờ vé số còn lại.
Chị Phi bần thần: “Ơn trời, tờ vé còn cuốn sợi dây thun do anh Hải chưa kịp gỡ nên vẫn còn mắc ở bãi cỏ chứ không bay đi xa. Có điều, vé bị rách một chút ở phần trên, đoạn giữa vé chứ dấu mộc và dãy số còn nguyên. Nghĩ điều này không ảnh hưởng đến chuyện lĩnh giải, gia đình cũng vơi bớt nỗi buồn”.
Ngồi tâm sự về hoàn cảnh của mình, chị Phi kể, hai vợ chồng đã trải qua nửa đời người trong nghèo khó. Hồi mới cưới, vợ chồng anh chị cũng cất nhà được ngôi nhà nhỏ. Nhưng sau này, đất thuộc dự án quy hoạch nên đã bị Nhà nước thu hồi. Túng thế, cả gia đình phải chuyển về sống cùng bố mẹ chồng ở ấp Bình Hòa. Thu nhập chính của hai vợ chồng chỉ phụ thuộc vào tiền quán nước nhỏ của chị Phi cạnh bến phà Bình Tịnh.
“Nói là quán nước cho… oách, chứ thực ra, tôi nấu nước rồi đem theo ít cốc chén ra ngồi nhờ túp lều lợp mái lá lụp xụp. Quán chủ yếu phục vụ dân lao động, quá bữa hoặc rảnh rang đợi bạn bè qua phà thì mới ghé quán ngồi tạm” - chị Phi tâm sự.
Khổ nỗi, con đường đá dẫn ra phà đi qua túp lề vẫn còn nham nhở, bụi lúc nào cũng phủ mù mịt; bởi thế, không chỉ gánh hàng nước chị Phi mở vắng vẻ mà ngay cả chỗ sửa chữa xe máy anh Hải dựng “ăn theo” gần đó cũng chẳng mấy ai ra vào.
Chia sẻ cùng phóng viên, những người sống quanh đây cho biết, họ không lạ gì vợ chồng Hải - Phi bán nước, vá xe. Mang hi vọng một ngày vận may sẽ đến với gia đình, hầu như ngày nào vợ chồng này cũng “dắt lưng” lấy một hai tờ vé số cầu may. Anh Hải lúc rảnh rỗi thường mua chỗ nọ, chỗ kia, còn chị Phi chỉ đổi tiền bán nước lấy vé với mấy người bán quen quanh ấp, như một cách “hỗ trợ nhau thêm chút niềm vui cuối ngày”. Công việc như vậy nên chỉ với thu nhập bèo bọt chừng 2 triệu đồng/tháng, hai vợ chồng dù cố chắt bóp, tằn tiện trong sinh hoạt vẫn chẳng thể nào cải thiện kinh tế gia đình. Bởi vậy, mỗi lần nghĩ đến chuyện tự tay đốt đi tờ vé số với giá trị trúng thưởng “khổng lồ”, cả hai luôn day dứt không yên.
Suốt từ ngày đốt vé số "định mệnh" đó, chồng chị gầy sọp đi vì lo nghĩ rồi tiếc nuối. Thậm chí, suốt mấy đêm đầu anh Hải còn không thể ngủ nổi vì tâm trạng bứt rứt không yên, cứ đang nằm thì lại ngồi bật dậy lẩm bẩm, trách móc vợ dò số không cẩn thận. Ngày đến, anh cũng chẳng tập trung vào làm việc, lại la cà với mấy ông bạn trong ấp để nói chuyện này nọ cho khuây khỏa. Thấy chồng vậy, biết một phần lỗi cũng là do mình bất cẩn, chị đành ngậm ngùi cho qua rồi tìm cách dần dần khuyên nhủ, dù bản thân cũng đang “tiếc của đứt ruột”.
“Trời thương, trời đã cho 60 triệu, chắc cũng muốn vợ chồng tôi cố gắng chữa trị bệnh cho khỏe rồi đóng tiền học hành đầy đủ cho con và sửa sang lại cái quán nước này cho sạch sẽ hơn. Ấy thế mà, chính tay chúng tôi lại ném đi mất. Càng nghĩ ngợi càng thấy mù mịt, không biết đến lúc nào mới được “sang trang” - chị buồn rầu.
An Nhàn