Đối thoại là dịp để Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cùng với các khách mời từ các khu vực khác nhau trên thế giới cùng trao đổi về các thách thức chung của khu vực và thế giới, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Các nhà lãnh đạo chia sẻ những đánh giá về khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt nguy cơ suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu; và nhất trí cho rằng phối hợp hành động và hợp tác ở cấp độ toàn cầu có ý nghĩa then chốt để ứng phó thành công với những thách thức hiện nay.
Theo đó, các nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều ý tưởng, giải pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế. Các bên cũng chia sẻ kinh nghiệm, chính sách về chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và bao trùm, bảo đảm đời sống của người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tiềm năng hợp tác giữa APEC và Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia vùng Vịnh là rất lớn, xuất phát từ tính bổ trợ cao giữa các nền kinh tế và nền tảng hợp tác hiện có về thương mại, kinh tế và định hướng phát triển. Trên cơ sở đó, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hợp tác liên khu vực, Chủ tịch nước nêu 3 đề xuất gồm:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác tạo thuận lợi thương mại và đầu tư thông qua xác định các điểm nghẽn để cùng tìm giải pháp; nâng cao hiệu quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và nghiên cứu khả năng hình thành các thoả thuận thương mại mới; thúc đẩy các sáng kiến kết nối và liên kết kinh tế quốc tế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại thị trường của nhau; và bảo đảm tính minh bạch trong các chính sách kinh tế, thương mại.
Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại chính sách về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khuyến khích các nhóm công tác chuyên ngành của APEC trao đổi, giao lưu với các đối tác từ EU, ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC); nghiên cứu khả năng triển khai một số dự án thí điểm về hợp tác nhiều bên về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thương mại điện tử.
Thứ ba, nghiên cứu khả năng hình thành cơ chế đối thoại thường niên giữa APEC với đại diện EU, GCC, ASEAN và một số tổ chức khu vực khác để tăng cường sự phối hợp giữa các diễn đàn/tổ chức và duy trì đà hợp tác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn đối thoại là khởi đầu cho các chương trình hợp tác mới hiệu quả, đem lại lợi ích cho tất cả các bên, hướng tới các mục tiêu chung về phát triển bền vững và bao trùm.
Những đề xuất rất thiết thực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được các nhà lãnh đạo đánh giá cao và nhất trí nghiên cứu khả năng triển khai trong thời gian tới.
Theo TTXVN
Link gốc: https://baotintuc.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-du-doi-thoai-giua-cac-nha-lanh-dao-apec-voi-cac-khach-moi-20221118172428958.htm