Thử đặt giả thiết, nếu không phải là Bộ trưởng Thăng, hoặc không có “cú điện thoại 2 phút” thì việc lãng phí 20 tỷ đồng là đương nhiên?
Trong chuyến thị sát các công trường cầu đường phía Nam, tại Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Đồng Nai chiều 23/7, khi nghe nhà thầu thi công cầu vượt Đồng Nai báo cáo đã “cầu cứu” cơ quan đường sắt giải tỏa hạ tầng giúp dự án vượt tiến độ nhằm tiết kiệm 20 tỷ đồng nhưng không có kết quả, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lập tức gỡ khó cho các đơn vị thực hiện dự án ngay tại chỗ.
Trong cuộc điện thoại kéo dài khoảng 2 phút với ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ông Thành phải lập tức giải quyết vấn đề mặt bằng để phục vụ thi công và làm rõ tại sao cơ quan quản lý đường sắt khu vực phía Nam không hợp tác, xử lý “tội” gây gián đoạn thi công xây dựng cầu vượt Đồng Nai.
Và chỉ ít phút sau cuộc gọi chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo về việc đã chỉ đạo “hỏa tốc” và hạ tầng đường sắt bị “vướng” tại khu vực thi công cầu vượt Đồng Nai được giải tỏa ngay trong chiều cùng ngày.
Bộ trưởng Đinh La Thăng điện thoại chỉ đạo giải tỏa hạ tầng đường sắt phục vụ thi công cầu vượt Đồng Nai. Ảnh: Dân trí |
Việc một dự án có cam kết hoàn thành vượt tiến độ sẽ giúp tiết kiệm được 20 tỷ đồng là tin vui và rất đáng nhận được sự khen ngợi. Hơn nữa, đây lại là một dự án dân sinh, vốn sử dụng nằm trong ngân sách nhà nước, vậy tiết kiệm khoản tiền 20 tỷ đồng chính là tiết kiệm cho ngân sách, cho “kho thuế’ của dân. Vậy là, nếu không có Bộ trưởng Thăng, và cụ thể là nếu không có 2 phút gọi điện của Bộ trưởng thì nhà thầu thi công cầu vượt Đồng Nai thực sự đã làm lãng phí 20 tỷ đồng hay đây chính là số tiền bị lãng phí thuộc phạm vi vấn đề mà khi các đơn vị liên quan hoàn toàn có thể giải quyết để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Câu chuyện 2 phút điện thoại của Bộ trưởng cũng cho thấy phần nào sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy công quyền với nhiều cơ chế làm việc không thống nhất. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng hải và hàng không trong phạm vi cả nước. Như vậy, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là cơ quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Trong việc giải tỏa hạ tầng cũng như thi công công trình cầu vượt Đồng Nai, Bộ cũng có trách nhiệm liên đới (cụ thể là cơ quan chủ quản chỉ đạo thực hiện, thi công và giám sát toàn bộ gói thầu).
Vậy, tại sao phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại đồng ý thực hiện sự chỉ đạo bằng “văn bản miệng” của Bộ trưởng ngay trong tích tắc trong khi không “đoái hoài” đến những yêu cầu, đề xuất khẩn của nhà thầu. Và trong trường hợp này, cái gọi là “chỉ thị miệng” có hiệu lực hơn các loại văn bản, giấy tờ khác.
Vậy việc gọi điện của Bộ trưởng Thăng trong trường hợp này phải chăng là động thái “chỉnh sửa” cho chính cơ chế làm chồng chéo trong một Bộ. Thử đặt giả thiết, nếu không phải là Bộ trưởng Thăng, hoặc không có “cú điện thoại 2 phút” thì việc lãng phí 20 tỷ đồng là đương nhiên?