+Aa-
    Zalo

    Chúng tôi đã dần mất lòng tin vào trường Tài chính – Marketing

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều thông tin về người đứng đầu cũng như sự lục đục nội bộ của Trường ĐH Tài chính – Marketing khiến sinh viên và cán bộ nhà trường cảm thấy lo lắng.

    Nhiều thông tin về người đứng đầu cũng như sự lục đục nội bộ của Trường ĐH Tài chính – Marketing khiến sinh viên và cán bộ nhà trường cảm thấy lo lắng.

    Bạn Nguyễn Ngọc H. sinh viên năm 2 cho biết, cách đây vài tháng H. có nghe báo chí thông tin về hiệu trưởng nhà trường “cặp kè” với một nữ cán bộ trong khách sạn. Với H. đó là chuyện cá nhân nên cũng không quan tâm lắm mà chỉ bỏ ngoài tai, tuy nhiên vài ngày trở lại đây lại có thông tin lộn xộn trong lãnh đạo nhà trường khiến H. vô cùng hoan mang.

    “Tôi không biết thực hư chuyện hiệu phó bị hạn chế quyền hành như thế nào. Tuy nhiên, tôi lại rất quan tâm câu chuyện thầy Hứa Minh Tuấn chỉ mới có bằng thạc sĩ nhưng lại được giao làm trưởng phòng đào tạo và quản lý một số nghành đào tạo”, H nói.

    Cùng quan điểm với H, Trần Minh T. cho biết, nếu câu chuyện báo chí đưa là thật thì thật là buồn cho một ngôi trường tầm cỡ như Đại HọcTài chính – Marketing với hơn 22 nghìn sinh viên. Hơn nữa, đây không còn là chuyện cá nhân của bất cứ một ai mà ảnh hưởng đến toàn bộ sinh viên và hơn 500 cán bộ, giảng viên nhà trường.

    “Một người chỉ mới có bằng thạc sĩ thì làm sao có thể đủ tài là lực để đào tạo những cử nhân đại học như chúng tôi, đó là chưa kể đến những học viên đang theo học thạc sĩ tại trường. Hơn nữa, người đứng đầu bị phát giác quá nhiều sai phạm như thầy hiệu trưởng thì làm sao chúng tôi phục và lèo lái con tàu này được”, T. bức xúc nói.

    Ông Bùi Đức Tâm, giảng viên nhà trường cho biết, ông rất bức xúc trước những sai phạm của nhà trường, ông đã mang đơn tố cáo đi nhiều cơ quan chức năng có liên quan nhưng điều im hơi lặng tiếng, có chăng chỉ là những buổi đối thoại mà không hề có kết luận chính xác.

    Từ khi PGS.TS Hoàng Trần Hậu bị báo chí phanh phui về việc cặp kè với một nữ cán bộ trong khách sạn và gần đây nhất là những vụ việc lục đục nội bộ bị báo chí đăng tải thì ông Hậu vẫn im lặng một cách đáng sợ. Chỉ duy nhất một lần nhà trường ban hành thông báo số 441 về việc thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí vào ngày 9/5/2014 do phó hiệu trưởng Phạm Hữu Hồng Thái ký.

    Chúng tôi đã dần mất lòng tin vào trường Tài chính – Marketing

    PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing.

    Thông báo này cũng bị nhiều cán bộ và sinh viên phản đối gay gắt về việc không được phát ngôn. Một sinh viên cho biết, chính vì thông báo này không rõ ràng nên chúng tôi đành phải im lặng hết tất cả.

    Sinh viên này diễn giải thêm, giả sử tôi được một tờ báo hỏi về việc đứng về phương diện cá nhân thì tôi có nhận xét gì công tác đoàn, hội ở Trường ĐH Tài chính – Marketing thì tôi không thể trả lời gì dù rằng phong trào đoàn hội phát triển nhưng cũng không thể trả lời.

    Theo sinh viên này, cho dù trả lời tốt hay không tốt thì cũng phải nói là sinh viên nhà trường, không lẽ chuyện nhỏ nhặt như vậy cũng chạy lên hỏi hiệu trưởng hay sao?.

    Một giảng viên nhà trường cũng đồng quan điểm cho biết, nếu tôi được một cơ quan báo chí hỏi về nghiệp vụ cá nhân thì ít nhất tôi cũng xưng danh là giảng viên Trường ĐH Tài chính – Marketing để trả lời, không lẽ cũng phải xin phép hiệu trưởng.

    “Tôi đồng ý về việc quy định người đứng đầu cơ quan phát ngôn, tuy nhiên chỉ ở mức độ hoặc tầm quản lý của nhà trường chứ không được cấm hết tất cả mọi thứ, vì tên tuổi chúng tôi gắn liền với ngôi trường này”, giảng viên này bức xúc nói.

    Theo thông báo số 441 có đoạn ghi: “Mọi công chức, viên chức của trường không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”. Điều này có nghĩa là những bức xúc của cán bộ giảng viên và sinh viên là đúng."

    Điều đó còn chưa kể đến việc thông tin sai phạm về việc đào tạo thạc sĩ của Bộ GD&ĐT giao cho Trường ĐH Tài chính – Marketing và ĐH HELP Malaysia có nhiều vấn đề sai phạm thì những học viên đang theo học phải chịu hậu quả như thế nào khi mà những sai phạm đó bị Bộ phát hiện.

    Chắc hẳn ai cũng biết rằng, nếu công tác đào tạo sai so với quy định thì sẽ không được công nhận và cấp bằng. Trong khi đó, chương trình đào tạo thạc sĩ nói trên là có nhiều sai phạm như: đội ngữ giảng viên không phải là của trường ĐH Tài chính – Marketing, ngôn ngữ giảng dạy không phải là tiếng Anh và học phí không do Trường ĐH Tài chính – Marketing thu. Như vậy, số phận của gần 300 học viên này sẽ đi đâu về đâu và ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ này?.

    Việc thông tin dư luận cũng như là giảng viên, sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing đang dần mất lòng tin với nhà trường, đặc biệt là ban lãnh đạo đang làm xấu đi hình ảnh của một ngôi trường thuộc hàng đầu hiện nay. Hơn nữa, người đứng đầu liên tục bị phát hiện sai phạm từ cá nhân cho đến công việc cũng phần nào làm mất lòng tin của sinh viên, giảng viên với lãnh đạo của mình.

    Ngày 15/10, chúng tôi lại tiếp tục liên hệ với PGS.TS Hoàng Trần Hậu để được tìm hiểu rõ hơn thông tin, tuy nhiên vẫn không nhận được sự đồng ý.

    (Tên của sinh viên đã được thay đổi nhằm bảo đảm an toàn cho sinh viên.)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-toi-da-dan-mat-long-tin-vao-truong-tai-chinh-marketing-a56038.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan