Báo Dân trí đưa tin, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố chậm trả gốc và lãi trái phiếu với lô trái phiếu doanh nghiệp NVLH2223008.
Theo lịch thanh toán, ngày 30/9, công ty phải trả hơn 7,7 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu này và 157,3 tỷ đồng tiền gốc. Tổng số tiền phải trả khoảng 165 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 31/3/2022, đáo hạn 30/9/2023 với giá trị 157,3 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm.
Tuy nhiên, Novaland chưa thể thanh toán đúng hạn do công ty chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán.
Ở một diễn biến khác, mặc dù chưa có tiền thanh toán khoản trái phiếu đến hạn nhưng HĐQT Novaland mới đây có nghị quyết tái cơ cấu khoản vay và mua lại trái phiếu trước hạn với 2 lô NVLH2232001 giá trị 5.543 tỷ đồng và NVLH2232002 giá trị 231 tỷ đồng.
Giá trị mua lại trước hạn là 2.346 tỷ đồng cho cả 2 lô này, tương ứng hơn 40% tổng giá trị lưu hành. Thời gian mua lại dự kiến từ ngày 22/9. Điều đặc biệt là 2 lô trái phiếu này có kỳ hạn dài 10 năm, vừa được phát hành tháng 5/2022 với lãi suất 10% và 8%/năm.
Thời gian gần đây, Novaland thường xuyên có các công bố bất thường về việc chậm thanh toán lãi, gốc các lô trái phiếu do chưa thu xếp đủ nguồn vốn thanh toán.
Liên quan đến khoản dư nợ 298,6 triệu USD trong gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế, không có tài sản đảm bảo, niêm yết tại Singapore, Novaland đã trao đổi với nhóm trái chủ về những khó khăn trong thanh khoản dẫn đến chưa thể hoàn thành đúng hạn nghĩa vụ trả lãi 7,8 triệu USD.
Cụ thể, Novaland đã và đang đề xuất, thương lượng với nhóm trái chủ Ad Hoc Group về phương án tái cơ cấu cho khoản nợ trái phiếu này phù hợp với khả năng hiện tại và lộ trình khôi phục hoạt động kinh doanh của công ty với sự tư vấn của các đơn vị tư vấn quốc tế và trong nước như Deloitte, Sidley Austin LLP và YKVN.
Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, tại thời điểm 30/6/2023, nợ dài hạn của Novaland là 139.545 tỷ đồng, tăng 4.802 tỷ đồng so với 31/12/2022. Trong đó, vay dài hạn của NVL tăng 1.630 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái, từ 35.667 tỷ đồng lên 37.297 tỷ đồng.
Như vậy, tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Novaland là 61.579 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với 31/12/2022. Trong đó, vay ngân hàng 9.105 tỷ đồng, giảm 1.914 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, còn nợ phát hành trái phiếu của NVL là 43.114 tỷ đồng, giảm 1.055 tỷ đồng so với 31/12/2022 , vay bên thứ ba là 9.898 tỷ đồng.
Đi vào chi tiết, chủ các khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn của của Novaland hiện nay gồm: Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cho vay gần 1.808 tỷ đồng; Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho vay 2.168 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cho vay 1.550 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) có dư nợ vay 255 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 102,5 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) gần 81 tỷ đồng;...
Ngoài ra NVL còn khoản vay Credit Suisse AG chi nhánh Singapore hơn 1.729 tỷ đồng; Vietnam Joint Stock Commercial hơn 474,5 tỷ đồng dài hạn; Maybank International Labuan Branch hơn 474,5 tỷ đồng, Deutsche investitions-und Entwicklungsgesellschaft mbH hơn 305 tỷ đồng, The Hongkong and Shanghai Banking gần 134,5 tỷ đồng ngắn hạn…
Nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của Novaland có thể thấy tại thời điểm 30/6/2023 tiền lãi vay đã trả là 2.042 tỷ đồng, con số này đã giảm khoảng 36% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, mỗi ngày “mở mắt” doanh nghiệp này phải trả hơn 11 tỷ đồng tiền lãi vay.
Vân Anh (T/h)