Chia sẻ trên báo VietNamnet, đại diện tiệm cơm gà Trâm Anh trên đường Bà Triệu ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết từ khi vụ nghi ngộ độc xảy ra, các thành viên trong gia đình suy sụp tinh thần. Quán đã tạm dừng hoạt động.
Nguồn tin cũng cho biết, sau khi nhận thông tin về sự cố, chủ tiệm cùng các thành viên trong gia đình đã tìm tới các bệnh viện và trung tâm y tế tại địa phương để gặp thân nhân cũng như bệnh nhân để xin lỗi, nhận trách nhiệm. Ngoài ra, tiệm cơm gà Trâm Anh công bố hai số điện thoại thường dùng để người bệnh liên hệ. Các trường hợp xuất viện sẽ liên hệ với quán cơm để gửi hóa đơn viện phí.
Kể từ khi sự việc đáng tiếc xảy ra, số ca ngộ độc không ngừng tăng lên, đồng nghĩa chủ quán cơm gà Trâm Anh cũng liên tục chuyển khoản cho người thân hoặc bệnh nhân liên quan vụ nghi ngộ độc các khoản tiền viện phí. Theo thống kế, đến nay tổng số tiền này đã lên đến gần 500 triệu đồng.
Người đại diện cho biết quán hoạt động trên 30 năm, người chủ tâm huyết với thương hiệu này. Sự cố xảy ra khiến cả gia đình rất buồn, mong rằng mọi người thông cảm, chia sẻ.
Theo báo Tiền phong, trong ngày hôm nay (16/3), Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến 15h, địa phương này đã ghi nhận thêm 13 người nhập viện điều trị nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà ở tiệm Trâm Anh nâng tổng số người bị nghi ngộ độc lên tới 358 người.
Trong đó có 245 ca phải nhập viện điều trị, 110 ca được kê đơn cho về theo dõi ngoại trú. Các bệnh nhân tỉnh táo, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn còn triệu chứng sốt, tiêu chảy, đau bụng, nhưng không nguy hiểm.
Riêng về trường hợp ngộ độc là một thai phụ, ông Trịnh Ngọc Hiệp - Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết: Thai phụ 18 tuần bị nặng đang được điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã có tiến triển tốt. Cụ thể, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, mạch 100l/p, HA 100/60 mmHg, nhiệt độ 37,5 độ C. Ngoài ra, bệnh nhân đã đỡ đau bụng, kết quả xét nghiệm cho các chỉ số tốt lên. Hiện bệnh nhân đang điều trị kháng sinh, truyền dịch, làm lại các xét nghiệm, theo dõi sát tình trạng lâm sàng.
Trước đó, chiều 15/3, bệnh nhân trở nặng với các chỉ số như sốt 38,5 độ C, huyết áp HA80/50mmHg, mạch đo được 95 lần/phút kèm các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy 10 lần, đau bụng quanh rốn.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cùng đoàn công tác thành phố này đã đến thăm và trao quà cho một số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang.
Như đã thông tin trước đó, từ ngày 12 - 16/3, nhiều người nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà tại tiệm cơm gà Trâm Anh. Trong số này có cả khách du lịch và người địa phương.
Sở Y tế Khánh Hòa cũng đã yêu cầu các bệnh viện điều trị theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella, với kết quả tham khảo kháng sinh đồ sớm nhất từ Bệnh viện Đa khoa Vinmec.
Về vi khuẩn Salmonella, đây là nguyên nhân gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn, thậm chí gây tử vong. Tại Nha Trang trước đó vào năm 2022, tại một trường học vi khuẩn này cũng khiến hơn 600 em học sinh, giáo viên phải nhập viện, trong đó có 1 ca tử vong. Tại Hội An năm 2023, vi khuẩn này cũng khiến 150 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng. Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa, nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng. Các thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella là thịt gà, thịt heo, sữa tươi, trứng, rau... Thịt bị nhiễm Salmonella có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt, hoặc bị nhiễm trong và sau khi giết thịt (do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột...). Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển. Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ nhiễm Salmonella (vi khuẩn lây từ món ăn không nấu chín sang...). Sau khi con người ăn phải thức ăn nhiễm Salmonella, thời kỳ ủ bệnh thường từ 12 - 24 giờ, có trường hợp kéo dài vài ngày, thậm chí 6 - 7 ngày, theo nguồn tin trên báo Tuổi trẻ. |
Bảo An(T/h)