+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho riêng Hà Nội mà cho cả nước

    (ĐS&PL) - Chiều 10/11, phát biểu thảo luận tại Tổ 4 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô là luật quan trọng, với vai trò của Hà Nội là đô thị đặc biệt, là thủ đô của cả nước.

    Theo VOV, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hà Nội là đầu não, bộ mặt, trái tim, tức là tất cả những tinh túy nhất; là thành phố vì hòa bình và được UNESSCO còn trao tặng là thành phố sáng tạo.

    “Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết 15 của Bộ chính trị về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2045, xác định thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, trung tâm lớn… Lần này xác định trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đưa kinh tế lên trước. Quy mô kinh tế tương đương TP.HCM, trong khi TP.HCM có cảng nên thu nhiều. Thời gian tôi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố có thu nhập 18.000 - 19.000 tỷ và nguồn thu nội địa thì rất lớn, lớn nhất cả nước”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

    Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này thể chế hóa được Nghị quyết của T.Ư về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho tới tận giữa thế kỷ. Theo đó, thúc đẩy, tạo động lực phát triển cho cả vùng, cả nước: “Nhiều đại biểu đã nói xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước, theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

    chu tich quoc hoi xay dung luat thu do khong chi cho rieng ha noi ma cho ca nuoc1
    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: VOV.

    Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thủ đô đã đầu tư rất lớn cho dự luật này. Nhiều đại biểu cũng nhận định, dù mới trình lần đầu nhưng chất lượng của dự án luật khá tốt, nhằm khắc phục tính chất luật khung, luật ống của Luật Thủ đô 2012. Luật sửa đổi lần này tăng thêm 3 chương, 27 điều so với Luật hiện hành, những quy định mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng một cách khả thi.

    Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về cơ chế đặc thù, là đạo luật về giao quyền, phân quyền, phân cấp, gắn với trách nhiệm và giám sát, kiểm tra. 

    Cũng theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, lần sửa đổi này cũng có thuận lợi khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết đặc thù cho TP.HCM, với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với các địa phương khác trong toàn quốc để có thể cụ thể hóa phù hợp cho Thủ đô.

    Thông tin trên báo Nhân Dân, về mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ hiện có 3 địa phương là Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội đang xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, song ở đây có điểm khác biệt giữa Hà Nội với 2 địa phương còn lại.

    chu tich quoc hoi xay dung luat thu do khong chi cho rieng ha noi ma cho ca nuoc2
     Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: VOV.

    Khi tổng kết các mô hình này, Hà Nội trình Bộ Chính trị xác định mô hình, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội là phù hợp hơn, vì chỉ bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, còn chính quyền nông thôn vẫn nguyên, vẫn có cả Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân ở chính quyền nông thôn; ở đô thị giữ lại Hội đồng nhân dân quận, huyện.

    Ở TP.HCM, Đà Nẵng bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách, chỉ còn là đơn vị dự toán nên ngoài chuyện kiểm tra thì không còn dự phòng ngân sách, và không quá dồn vào cấp chính quyền thành phố thì phù hợp hơn.

    Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 15 đã đồng ý với Hà Nội, cho phép áp dụng cơ chế này; tới nay khi tổng kết thì luật hóa theo hướng này và đã “tương đối chín”.

    Theo Chủ tịch Quốc hội, trên lý thuyết, ở đâu có Ủy ban nhân dân thì ở đó có Hội đồng nhân dân; ở đâu có quản lý, ở đó giám sát. Nhưng do địa lý gần nhau thì bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, còn giữ lại Hội đồng nhân dân cấp quận.

    Khi giảm số lượng Hội đồng nhân dân các cấp, thành phố đề xuất tăng từ 90 lên 125 đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan liên quan đã nghiên cứu rất kỹ thì thấy đề xuất này hoàn toàn phù hợp.

    Khi tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường thì giảm 6.000 đại biểu, nay tăng có mấy chục. Nghị quyết 18 không nói giảm Hội đồng nhân dân cấp nào cả, chỉ nói giảm nói chung. Bỏ cấp phường giảm 6.000 chỉ tăng mấy chục cho cấp thành phố là hợp lý. Từ 90 lên 125 chỉ tăng 35 người, trong khi đó giảm mấy nghìn biên chế chỗ này, tôi cho rằng cũng hợp lý”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các đại biểu Quốc hội cũng ủng hộ chủ trương này.

    Nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền cho thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cũng cần thiết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cũng nên thí điểm và sau này đánh giá luật hóa.

    Chủ tịch Quốc hội phân tích, Hội đồng nhân dân bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các ban Hội đồng nhân dân. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì rõ ràng cũng gần như một cấp, là một thiết chế và có quyền hạn riêng.

    Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tới đây cũng nên quy định một số quyền hạn cho Thường trực Hội đồng nhân dân. “Khoản 4 Điều 9 trao cho Thường trực Hội đồng nhân dân một số quyền hạn riêng, còn quyền hạn thế nào phải tính nhưng nên ủng hộ quy định này. Nếu thực tiễn Hà Nội tốt thì ta luật hóa cái này lên. Thực tiễn bây giờ diễn biến nhanh mà cứ chờ Hội đồng nhân dân họp hay họp bất thường thì khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-quoc-hoi-xay-dung-luat-thu-do-khong-chi-cho-rieng-ha-noi-ma-cho-ca-nuoc-a598998.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Quốc hội chính thức thông qua việc cải cách tiền lương từ 1/7/2024

    Quốc hội chính thức thông qua việc cải cách tiền lương từ 1/7/2024

    Từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Trung ương khóa XII. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương được bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.