Chiều 9/11, với 90,49% số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, “chốt” chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5%.
Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, một số ý kiến đại biểu cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5 - 6%.
Giải trình vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, GDP 2023 dự kiến đạt trên 5%. Mức tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5% được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
“Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu”, báo Tuổi trẻ dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động hơn trong điều hành.
Theo báo VnExpress, cũng theo Nghị quyết, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP là 24,1 - 24,2%; tốc độ tăng năng suất lao động 4,8 - 5,3%. Các chỉ tiêu này đều thấp hơn năm 2023, lần lượt 1,3 - 1,6% và 0,2 - 0,7%.
Các ý kiến đại biểu đề nghị giữ kế hoạch năm sau bằng năm nay, nhưng ông Vũ Hồng Thanh giải thích, các chỉ tiêu này phụ thuộc vào quy mô GDP, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động đang hoạt động trong nền kinh tế.
Năm 2024, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng 6 - 6,5%, quy mô lao động khoảng 51,8 triệu lao động và tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 7,83%. Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng.
Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ kéo theo chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm. "Một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi", ông Thanh nêu.
Từ cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lao động năm 2024 là phù hợp.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành linh hoạt và mở rộng hợp lý, có trọng điểm. "Thị trường tiền tệ, tín dụng cần bảo đảm ổn định, phấn đấu giảm tiếp lãi suất, tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn và tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng", Nghị quyết nêu.
Quốc hội lưu ý hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ khó khăn để phục hồi phát triển ổn định các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động; bỏ những dự án không thật sự cần thiết để tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy nhanh đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới 2025, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém.
Trong lĩnh vực đầu tư công, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh giải ngân từ đầu năm, tăng phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Về tài chính công, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép. Chính phủ tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ và đưa ra các chính sách phù hợp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Vân Anh(T/h)