+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch Quốc hội: "Tân Sơn Nhất như một nỗi ám ảnh cho người đi máy bay"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Bây giờ nó đã quá tải ngay trước mắt chúng ta. Tân Sơn Nhất như một nỗi ám ảnh cho người đi máy bay. Thậm chí có người nhà ở g

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Bây giờ nó đã quá tải ngay trước mắt chúng ta. Tân Sơn Nhất như một nỗi ám ảnh cho người đi máy bay. Thậm chí có người nhà ở gần sân bay mà phải đi sớm mấy tiếng vì sợ tắc đường”.

    Theo thông tin trên báo Dân Trí, chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để kịp giai đoạn 1 của dự án.

    Theo báo cáo tiền khả thi của dự án thì tiền bồi thường tái định cư chỉ có 12.000 tỷ đồng, tới thời gian Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì phương án này đã tăng lên 18.000 tỷ đồng, và cho tới nay nó đang là 23.000 tỷ đồng. Chủ tịch Quốc Hội cho biết, số tiền 23.000 tỷ đồng là do phát sinh thêm 600 ha đất tái định cư mà trước đây chưa được tính đến.

    “Thời điểm đó mình tính thu hồi đất để làm sân bay, làm bến cảng, làm khu công nghiệp phục vụ hàng không, làm dịch vụ nhưng không tính đến đất cho tái định cư”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, trở thành nỗi ám ảnh của người đi máy bay - Ảnh: Hoài Thu/ Vnexpress

    Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp phê bình các đơn vị liên quan vì chậm triển khai quyết định đầu tư Cảng hàng không Long Thành của Quốc hội, trong đó có việc hơn 2 năm qua nhưng chưa có báo cáo khả thi của dự án. Điều này đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và dẫn tới nhiều hệ lụy. Theo bà Ngân nếu càng chậm trễ thì càng khó khăn, giá càng tăng, người dân cũng không yên tâm sản xuất.

    Chứng kiến cảnh những ngày nay Sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ máy bay mà bà Ngân cảm thấy thê thảm.

    “Bây giờ nó đã quá tải ngay trước mắt chúng ta. Tân Sơn Nhất như một nỗi ám ảnh cho người đi máy bay. Thậm chí có người nhà ở gần sân bay mà phải đi sớm mấy tiếng vì sợ tắc đường”, bà Ngân nói.

    "Nếu không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an"

    Báo Tuổi trẻ dẫn lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) đề cập đến tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 1/6 cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là chuyện của nhiều năm tới, trong thời gian đó điều cần nhất chính là làm sao sử dụng tốt nhất hiệu suất của sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong bối cảnh sân bay này ngày càng quá tải.

    “Đây là việc mà nếu chúng ta không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an” - đại biểu TP.HCM nói.

    Ông Lộc nhấn mạnh rằng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải từ trong ra ngoài, từ trên trời xuống dưới đất.

    Ông nhắc lại lần kẹt xe khủng khiếp từ 2h chiều đến tận 11h đêm ngày 28-4 vừa qua khiến mỗi người dân chứng kiến đều có cảm giác kinh hoàng.

    “Nhưng trong khi đó, đất sân bay lại được cắt ra làm sân golf, nhà hàng khách sạn. Ai có vào sân golf, nhà hàng khách sạn đó mới thấy lòng đau nhói. Trong khi bên cạnh sân bay quá tải, ngoài kia kẹt xe nhích từng chút, thì đất sân bay lại được cắt sử dụng mục đích khác” - đại biểu Nguyễn Phước Lộc xót xa.

    “Chúng ta có suy nghĩ gì về việc này không? Tại sao không mở thêm cửa ngõ sân bay cho các hãng hàng không ở vị trí sân golf, nhà hàng khách sạn này?”, ông Lộc đặt câu hỏi với các đại biểu cùng đoàn.

    Theo ông, có thể mở thêm cửa sân bay Tân Sơn Nhất ở phía đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).

    “Tôi không nói điềm gở, nhưng nếu có sự cố nào đó thì liệu một con đường Trường Sơn hiện nay có đủ cho chúng ta xử lý được không?” - đại biểu Nguyễn Phước Lộc chia sẻ.

    Dự án sớm triển khai, dân mới ổn định cuộc sống

    Theo báo Giao thong, đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai nhấn mạnh, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Bước đầu chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, gian nan trong giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất. Đây là trách nhiệm của địa phương.

    “Tôi cho rằng tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, giải quyết tái định cư thành dự án thành phần mới đảm bảo được tiến độ cho toàn dự án”- bà Thanh khẳng định.

    Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ, dự án đã được công bố quy hoạch hơn 10 năm rồi nên dân rất băn khoăn, lo lắng về công việc, cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp. Hoạt động của các DN cũng bị hạn chế. Nếu không sớm thu hồi GPMB thì rất lo phức tạp phát sinh, khó lường như giá đất lên cao. Hiện nay giá đất đã tăng từ 8-10 lần rồi, ảnh hưởng đến sau này hỗ trợ tái định cư.

    Bên cạnh đó, về kinh phí, tính toán báo cáo Quốc hội khoá XIII là 18 nghìn tỷ, nay tính theo giá năm 2017 đã trượt giá lên 23 nghìn tỷ, nếu chậm giá còn tăng cao nữa, sẽ ảnh hưởng lớn đến vốn đầu tư.

    “Bà con Đồng Nai mong muốn dự án nhanh được thực hiện để họ được ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất, có công ăn việc làm ổn định, lúc đó mới thấy bức tranh hoàn chỉnh cho dự án sân bay quốc tế Long Thành đẹp không chỉ cho Đồng Nai mà cho cả nước” – bà Thanh nói.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-quoc-hoi-tan-son-nhat-nhu-mot-noi-am-anh-cho-nguoi-di-may-bay-a192039.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan