Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 sẽ tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp.
Theo tin tức trên TTXVN, sáng nay (22/5), kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội). Dự kiến, kỳ họp sẽ kéo dài từ 22/5 đến 21/6 (22,5 ngày). Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Ảnh: TTXVN |
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Ngoài ra, các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua như: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào…
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước có nhiều chuyển biến với nhiều thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của nhân dân và toàn bộ máy nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế trong nước cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển; du lịch đang tiếp tục tăng trưởng; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đất nước vẫn còn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Kinh tế tiếp đà tăng trưởng nhưng chưa bền vững, một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Biến đối khí hậu tiếp tục gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên, khoáng sản đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; ô nhiễm môi trường xảy ra nhiều nơi nhưng việc khắc phục và cải thiện còn chậm…
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành trung ương Đảng, khóa XII thông qua; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, kỳ họp thứ 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới. Do vậy, hoạt động lập pháp tiếp tục là nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Các dự án Luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm…
Trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; thảo luận và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; nghe Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.
“Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tăng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lên ba ngày. Bên cạnh đó, các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.
Kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp.
“Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tập trung nghiên cứu tài liệu, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.
(tổng hợp)