ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam vừa điều trị cho nam bệnh nhân N.V.C (35 tuổi, Hà Nội). Anh C đến gặp bác sĩ trong tình trạng đau ngực, chân trái đã hoại tử hết gây đau nhức.
Trước đó, C phát hiện chân trái hơi sưng và đau, hay bị chuột rút nhưng vì nghĩ là triệu chứng sau khi tập thể hình với cường độ cao, nhưng chủ quan không đi khám.
Đến khi tình trạng này không những không thuyên giảm, mà còn nặng dần lên. Chỉ sau 2 ngày, chân của C dần chuyển sang màu tím, cơn đau ngày càng dữ dội và sau đó chuyển tê bì, mất cảm giác mới vội vàng đi khám.
Tiếp nhận bệnh nhân, BS Mạnh thăm khám thì phát hiện, anh C bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân bên trái. Vì thời điểm đến bệnh viện quá muộn, chân trái đã hoại tử hết phải cắt bỏ.
Tuy nhiên, hơn một năm sau bệnh nhân tiếp tục phải vào viện khi xuất hiện triệu chứng đau ngực. Kết quả thăm khám cho thấy, huyết khối (cục máu đông) xuất hiện ở tĩnh mạch chân phải, nguy hiểm hơn là huyết khối ở tâm thất và động mạch phổi hai bên. Tình trạng này có thể dẫn đến nhồi máu phổi và tắc động mạch phổi.
“Bệnh nhân gặp phải tình trạng huyết khối nặng. Trong tim bệnh nhân có huyết khối cũng giống như một "quả bom hẹn giờ”. Nếu huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch phổi có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cũng cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời. Sau khi xuất viện vẫn phải tiếp tục theo dõi rất chặt vì nguy cơ luôn tiềm tàng”, BS Mạnh nói.
BS Mạnh phân tích, mặc dù dùng thuốc chống đông có thể giúp bệnh nhân thuyên giảm, tuy nhiên loại thuốc này sẽ khiến cơ thể dễ chảy máu hơn, vết thương lâu liền vì không đông được máu. Nếu dùng quá liều có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, xuất huyết não…
Theo chuyên gia này, huyết khối là bệnh mạch máu nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm, có biện pháp kiểm soát, điều trị thì có thể xử lý hiệu quả không để lại tình trạng nặng nề như nam thanh niên này.
Tuy nhiên, cũng theo BS Mạnh, các triệu chứng ban đầu của huyết khối thường ít được để ý đến hoặc dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề khác nên dễ bị bỏ sót bệnh.
BS Mạnh cho hay, việc chơi thể thao quá mức cũng có thể khiến nhiều người đối mặt với bệnh nguy hiểm.
Đối với căn bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, triệu chứng ban đầu có thể chỉ là mỏi chân một cách bất thường, hay chuột rút. Lúc này nên đi thăm khám để được phát hiện bệnh kịp thời (nếu có). Nếu để đến khi chân bị phù thì huyết khối đã hình thành, bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị rất khó khăn, hậu quả vô cùng nặng nề".
BS Mạnh cho biết, tình trạng mỏi chân và chuột rút cảnh báo huyết khối thường chỉ xảy ra ở một chân. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng này hay gặp ở chân bên trái hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến huyết khối. Đáng chú ý, một trong số đó là do tập luyện quá mức.
"Khi tập thể hình, chơi thể thao quá mức sẽ khiến các cơ, đặc biệt cơ chân phát triển mạnh và vô tình chèn ép tĩnh mạch sâu, cản trở máu từ chân đến tim, gây tổn thương và dần dần hình thành huyết khối.
Nếu không được điều trị kịp thời, huyết khối lan dần lên trên sẽ rất nguy hiểm. Đáng nói vấn đề này thường ít được người chơi thể thao để ý đến, mà phần lớn chỉ quan tâm vấn đề liên quan đến cơ xương khớp", BS Mạnh nhấn mạnh.
BS Mạnh khuyến cáo khi có các triệu chứng bất thường, người dân cần đến cơ sở y tế, để được bác sĩ thăm khám và phát hiện bệnh, có phương án điều trị kịp thời.
Mộc Trà