(ĐSPL) - Cây cầu Đuống – nơi chồng ném vợ dường như đang dần bị hoen ố bởi những chuyện “giời ơi đất hỡi” của những người rảnh rỗi.
Chỉ vì một phút mất nhân tính, Nguyễn Đức Kim (SN 1965, ngụ ở phường Giang Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội) đã “giải thoát” giúp vợ là Nguyễn Thị Hiền (SN 1963, ngụ cùng địa chỉ trên) bằng một hành động vô cùng dã man: Hắn chở vợ lên cầu Đuống, rồi lạnh lùng ném vợ bệnh tật xuống dòng nước xiết. Đến nay người chồng cũng đã phải trả giá cho tội ác của mình bằng án tù chung thân, tuy nhiên, cây cầu Đuống – nơi chồng ném vợ dường như đang dần bị hoen ố bởi những chuyện “giời ơi đất hỡi” của những người rảnh rỗi.
Cầu Đuống - nơi đối tượng chồng nhẫn tâm ném vợ suống sông. |
|
Câu chuyện đau lòng
Theo đó, khoảng 10h30 ngày 1/6/2013, Đức ngồi uống rượu một mình trước thềm nhà. Trong tâm trạng ngà ngà say, hắn quay sang đay nghiến vợ. Đáp lại, bà Hiền chỉ còn biết than thân trách phận, đồng thời hờn trách chồng thiếu sự quan tâm, chăm sóc vợ con. Trong khi than phiền, bà Hiền bày tỏ sự chán chường muốn chết. Thấy vậy, Đức chẳng nói chẳng rằng lẳng lặng dắt xe máy ra sân rồi quay vào nhà bế thốc vợ đặt lên yên xe rồi sau đó điều khiển xe máy đi lên cầu Đuống, theo hướng sau Yên Viên – Gia Lâm.
Tuy nhiên khi đến giữa cầu, Đức bất ngờ dừng lại và nhấc bổng vợ đặt sát lan can cầu. Ít phút sau, hắn dùng tay ẵm vợ đặt lên thành cầu và lạnh lùng đẩy vợ xuống sông. Dù bà Hiền đã kịp với tay bám chặt vào thành cầu và kêu cứu nhưng Đức tiếp tục dùng sức đẩy vợ rơi xuống dòng sông đang chảy xiết.
Mới đây, tôi còn tình cờ có dịp đi ngang qua cầu Đuống sau hơn 2 năm xảy ra vụ án gây chấn động dư luận. Cầu Đuống là một cây cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang, quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm. Hàng ngày, cây cầu này vẫn phải oằn mình chống đỡ cho hàng trăm lượt xe vượt tải trọng, xe quá khổ quá tải chạy qua cầu, đặc biệt vào giờ cao điểm trong ngày là sáng sớm và chiều tối.
Không chỉ vậy, cây cầu xuyên suốt không gian và thời gian dường như đang phải chất chứa không ít phiền muộn. Thời gian làm cho cây cầu trở nên cũ kĩ, hư hỏng. Và cây cầu cũng đã không ít lần phải chứng kiến những nỗi đau, sự mất mát con người phải gánh chịu mà đôi khi tác nhân là chính họ gây ra.
Khi được chúng tôi hỏi về câu chuyện chồng ném vợ của 2 năm về trước, những người dân sống ở khu vực hai bên cầu Đuống vẫn không giấu được sự bức xúc trước hành động vô nhân tính của gã chồng năm đó. Bà Hương – một người bán nước ở đầu cầu cho hay:
“Đời người khổ thế đấy cô ạ! Người ta bảo con gái sợ nhất lấy nhầm chồng. Như cái cô này lấy phải gã chồng rượu chè, đã chẳng làm ra tiền lại còn hay quát mắng vợ con. Đã thế còn độc ác, thấy vợ bệnh tật liệt giường không làm được gì nên vứt xuống sông cho rảnh nợ. Tội ác thế này tù mọt gông là đúng rồi. Chỉ thương hai đứa con giờ mất mẹ lại thiếu vắng cả bố. Rồi chúng nó biết sống ra sao khi không có bố mẹ chăm sóc? Nói dại, chẳng may chúng lại hư hỏng thì khổ”, giọng bà Hương chua xót.
Cũng theo bà Hương thì bà bán hàng ở đây đã mấy chục năm nên cũng chứng kiến không ít trường hợp buồn chán chuyện gia đình rồi chuyện tình cảm, nợ lần nên trong phút quẫn trí gieo mình xuống sông tự tử. Nhưng chuyện chồng bế vợ lên thành cầu rồi ném xuống sông thì là lần đầu tiên mà bà nghe tới. Thế mới có chuyện, ở đây mọi người đồn nhau về những cái tên lạ thay cho tên cầu Đuống sơ khai.
Cây cầu bị mang tiếng xấu
Nghe tới đó, những người ngồi uống nước trong quán xôn xao cả lên. Họ thắc mắc những cái tên “mới và độc” của cầu Đuống. Bà bán nước vừa tóp tép nhai trầu vừa kể chuyện: “Đầu tiên bắt nguồn từ chuyện chồng ném vợ xuống sông, họ gọi tên cây cầu này là “Cầu ma ám”. Rồi sau đó không lâu, mờ sáng có một chiếc ô tô con chạy theo hướng bên Yên Viên sang Long Biên, đến đoạn giữa cầu thì dừng lại. Một người đàn ông đột nhiên mở cửa xe, leo lên lan can cầu và nhảy xuống dòng sông đang chảy xiết. Mấy ngày sau, công an vào điều tra thì biết người này nhảy sông tự tử do nợ nần. Thế là từ đó, người dân ở đây gọi cây cầu này là “Cầu xóa nợ”.
Còn theo như bà Ngô Thị Lại (ngụ tại Yên Viên, Gia Lâm) thì hằng ngày mọi người vẫn đi lại, đi tập thể dục qua cầu bình thường, không hề có chuyện gì lạ xảy ra. Còn chuyện, về tên gọi “Cầu ma ám” hay “Cầu xóa nợ” là do một số người rảnh rỗi tự thêm thắt để thu hút người nghe. Nhiều hàng quán, thường ngày vắng khách, đôi khi họ còn có ý nghĩ xấu xa, ích kỉ mong có chuyện gì xảy ra trên cầu để cho hàng quán của mình tấp nập, có người vào buôn chuyện, bàn tán xì xào đủ thứ chuyện, nhờ đó thu nhập sẽ khá khẩm hơn.
Thậm chí, có một số hộ gia đình đã tranh thủ tận dụng khai hoang đất ở dọc bờ sông để trồng một số loại rau màu, trồng chuối, tăng gia sản xuất… Nhiều người còn tiện tay ném rác xuống dưới chân cầu, trong khi có rất nhiều xe rác xung quanh khu vực này.
Bà Lại tiếp lời: “Ở nơi này, nhiều người dân lao động từ nơi khác đến, nên nghe thấy những chuyện ma mị, ly kì họ thích lắm. Ai rảnh cũng lấy câu chuyện làm quà, thế nên chuyện tên gọi khác của cây cầu mới lan truyền nhiều đến vậy, bởi lẽ người này truyền tai cho người kia mà ra. Rồi cứ mỗi người kể lại thêm thắt nhiều chi tiết làm cho cây cầu trở nên kì bí, chứ chúng tôi ở đây bao nhiêu năm rồi, chẳng có chuyện gì xảy ra cả”.
Cũng theo bà Lại, từ khi xảy ra vụ việc “có một không hai” khi người chồng ném xác vợ rồi sau đó thêm vài ba người tự tử thì ở đây đã có người trông coi, quản lí cầu. Hằng ngày, người này có nhiệm vụ tuần tra theo dõi những ai lên cầu có dấu hiệu khả nghi, biểu hiện lạ thì báo ngay cho công an, lực lượng chức năng đến hỗ trợ giải quyết kịp thời, hạn chế những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Phải chăng, đạo đức con người, tinh thần tương thân tương ái của một số người đang dần bị bào mòn, khi người khác xảy ra chuyện lại là điều tốt với họ? Rõ ràng, “hội chứng đám đông” đôi khi khiến con người ta hành động trong vô thức. Và đơn giản vì họ cũng đang ở trong đám đông ấy nên họ nghĩ, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về những hành động và lời nói mà mình gây ra. Câu chuyện hôm nay là một cây cầu mang tiếng xấu bởi những lời nói tưởng như vô thưởng, vô phạt. Thế còn ngày mai, ngày kia và những ngày sau nữa, nếu không chấm dứt những câu chuyện không đầu, không cuối này rồi nỗi đau sẽ lan tỏa đến đâu.
Đầu năm 2014, sau gần 7 tháng điều tra, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành xét xử đối tượng Nguyễn Kim Đức về hành vi giết người. Trước tòa, Đức tỏ ra ăn năn, hối hận vì đã ngu muội muốn “thực hiện ước nguyện của vợ” khi được tự tử. Xét thấy hành vi của Đức đã cấu thành tội giết người, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đức bản án chung thân.
PHƯƠNG THẢO
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chong-nem-vo-liet-nguoi-xuong-song-cay-cau-mang-tieng-xau-a89981.html