+Aa-
    Zalo

    Bức thư bí ẩn trên vách núi và cây cầu đá tiên ở sông Kỳ Cùng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Người dân ở xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn vẫn đồn đại về một dãy núi được coi là “thâm sơn cùng cốc” của vùng Đông Bắc.

    (ĐSPL) - Người dân ở xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn vẫn đồn đại về một dãy núi được coi là “thâm sơn cùng cốc” của vùng Đông Bắc. Họ đã phát hiện ra những dấu vết của người tiền sử cách đây hàng ngàn năm. Ở đó còn có một cây cầu vắt ngang lưng chừng núi đá, gắn liền với nhiều huyền thoại kỳ bí.

    Theo nhiều người, dân dưới chân núi là một bờ vực chứa xương người. Người dân đồn rằng, bờ vực đó cũng là mồ chôn của lũ giặc ngoại xâm.

    Chuyến vượt sông nghẹt thở

    Trong những chuyến công tác, chúng tôi được nghe người dân địa phương ở xã Bình Trung (huyện Cao Lộc) và xã Khánh Khê (huyện Văn Quan) kể lại rất nhiều câu chuyện đậm chất liêu trai ở dãy núi Tu Lầm và Đán Lài (tỉnh Lạng Sơn). Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về dãy núi bí hiểm này, dân làng đã giới thiệu đến anh Hoàng Văn Tâm (ở bản Kính, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan) – người đã hai lần khám phá thành công.

    Để đến được nơi đó, chúng tôi phải đóng một cái bè mảng để vượt con sông Kỳ Cùng. Hành trang mang theo là mấy cái đèn pin có độ sáng rất cao và con dao sắc lẹm để phòng thân khi gặp thú rừng.

    (bgiay)Giải mã bức thư bí ẩn trên vách núi và cây cầu bất khả xâm

    Trải qua hơn 1km đường sông hiểm trở, chúng tôi mới đến cửa hang Tu Lầm. Trong hang động đẹp nằm dọc theo dãy núi rộng chừng khoảng 70m, có một cây cột lim rất lớn, sự xuất hiện của nó vẫn là một ẩn số. Chúng tôi đi thêm khoảng 1km nữa mới đến hang Đán Lài. Đây là nơi người dân đã phát hiện một số vật dụng làm bằng đá như khuyên tai, rìu ghè đá, đục đá, rìu tứ giác... Anh Tâm cho rằng, đó là các vật dụng của người nguyên thủy, có niên đại hàng ngàn năm.

    Sau khi qua hang Tu Lầm và Đán Lài, chúng tôi mới đến Cầu đá tiên. Anh Tâm bảo, ngay cả dân làng cũng không biết được thời gian xuất hiện của cây Cầu đá tiên. Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu gồm hai thanh hình trụ dài hơn 2m bắc ngang qua hai khe núi. Có thể xuống cây cầu đá đó bằng cách trèo lên đỉnh núi rồi buộc dây và tuột xuống hoặc buộc cây tre lại để làm điểm tựa trượt xuống.

    Tuy nhiên, vì dưới cây cầu là vực thẳm sâu hun hút nên chỉ cần sơ suất một chút là có thể mất mạng. Người dân địa phương vẫn truyền tụng nhau về sự tích cây cầu đậm chất liêu trai: Ngày xưa, dãy núi này rất thơ mộng nên các nàng tiên thường xuyên xuống cầu đá ngắm cảnh và tắm suối. Sau khi các nàng tiên phải bay về trời thì cây cầu này đã được thần núi bảo vệ. Thần núi đã ra một quy định là người phàm trần không được động đến, bất kể ai xâm phạm cũng sẽ bị trừng phạt.

    Ông Hoàng Văn Minh (ở bản Khính, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan), nhà gần với “thâm sơn cùng cốc” kể lại những câu chuyện chết chóc liên quan đến cầu này. Thấy có một cái hang ở gần cây cầu đá, ông Minh đã rủ Vàng Văn Viên và một người tên Phỏng trèo vào tìm kiếm. Tuy nhiên, họ đã không phát hiện gì đành bỏ về. Mấy hôm sau, ông Minh ra bờ vực gần cây Cầu đá tiên để đánh cá. Quả mìn ông đốt không hiểu lý do gì mà cháy nhanh đến nỗi ông chưa kịp ném đã phát nổ. Hậu quả là ông vĩnh viễn mất 3 ngón tay. Từ đó, ông không bao giờ dám bén mảng đến gần nơi đó nữa.

    Bờ vực tử thần và xoáy nước nuốt người

    Cạnh cây Cầu đá tiên là một bờ vực có vũng nước “ngoạm” vào dãy núi sâu hun hút. Chúng tôi cảm thấy lạnh gáy khi chiếc bè ra giữa dòng thì bị chao đảo. Anh Tâm nhanh chóng dùng sào chống vào vách núi và đẩy bè ra khỏi vùng xoáy. Anh Tâm bảo rằng, đó là nơi đã chôn vùi rất nhiều xác người.

    Anh Tâm dẫn chúng tôi đến gặp ông Vi Văn Tân ở bản Nà Lốc, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc là người nắm rõ nhất về những cái chết bí hiểm ở bờ vực này.

    Thấy có nhiều cái chết trùng hợp xảy ra tại một địa điểm như vậy, người dân trong xã đã lập miếu thờ “thần núi”. Và, khi có ma chay, cưới hỏi thì dân làng đều phải cúng “thần núi” trước với hai con gà, một mâm xôi, năm đôi đũa và năm chén rượu. Điều đặc biệt là mâm cỗ cúng “thần núi” phải mang sang nhà hàng xóm đặt. Sau khi được phép của “thần núi” thì thầy cúng mới được tiến hành làm lễ cúng tổ tiên, thổ công... Họ cúng như vậy để cầu mong những người trong gia đình tránh khỏi tai ương?

    Vén màn bí ẩn

    Sau chuyến đi khảo sát, chúng tôi đem những thông tin thu thập được đến người có am hiểu, các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu để làm rõ. Trước tiên là những cái chết bí ẩn tại dãy núi. Chính quyền địa phương xác nhận là do sự trùng hợp xảy ra ở một nơi hiểm trở chứ không phải thần thánh gì gây nên. Câu chuyện được thêu dệt nhiều hơn khi có trận lũ lịch sử năm 1992 cuốn một chiếc xe khách chở 20 người xuống sông Kỳ Cùng. Những trường hợp chết tại khu vực này chỉ vì bất cẩn. Tất cả chỉ là sản phẩm thêu dệt của người dân.

    Giải mã về những cổ vật như khuyên tai, rìu ghè đá, đục đá, rìu tứ giác... tại các hang núi đá, ông Sầm Cảnh Dũng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho rằng, đó là dấu ấn của nền văn hóa Bắc Sơn (cách đây khoảng 10.000 năm) và văn hóa Mai Pha (cách đây 3.000 – 4.000 năm). Đây là hai nền văn hóa còn nhiều bí ẩn.

    Đem câu chuyện trên đến trò chuyện với nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ông nhận xét. Cây cầu đá trên lưng chừng vách núi có vết đẽo gọt rất nhẵn, có niên đại khoảng vài ngàn năm(?). Theo đó, có thể suy đoán đó là hình thức mộ táng thời kỳ đầu đá mới. Đây là hình thức chôn người chết ở những nơi kín khuất, như cửa hang, vách núi... Vật liệu dùng để làm quan tài chôn người có thể bằng đá, hoặc bằng gỗ. Còn về việc lập miếu thờ và tập tục thờ cúng kỳ lạ thì có thể khẳng định đây là phong tục có từ rất lâu. Dân làng thờ vong hồn người chết, hay thờ một vị thần nào đó như thần sông, thần núi... để cầu mong sự bình yên cho cộng đồng dân cư. Đó là tín ngưỡng tâm linh đậm đà bản sắc của người dân tộc.

    Bức thư bí ẩn trên vách núi ám chỉ điều gì?

    Trên một vách núi gần với bờ vực có nhiều người chết có một bản khắc chữ Nho rõ nét. Chúng tôi đã chụp ảnh dòng chữ này đem đến nhờ các chuyên gia dịch Hán Nôm. Bản khắc có lời giải: “Kinh lược đáo Văn Lan, đình quân trú thử sơn, đăng thuyền thám quái quật, thê bích khám nguy quan, tịch địa đa tàng xảo, du nhân ngẫu thiết nhàn, cánh đăng cao động ẩm, phóng nhãn tứ bàng khoan. Cảnh Hưng tứ thập niên Kỉ Hợi nhị nguyệt nhị thập nhật. Trấn thủ Ngô Thì Sĩ đề”.

    (bgiay)Giải mã bức thư bí ẩn trên vách núi và cây cầu bất khả xâm

    Dòng chữ được cho là vết tích của Ngô Thì Sĩ.

    Tạm dịch là: “Kinh lược đến Văn Lan, dừng quân trú ở núi này, lên thuyền khám phá những hang động kỳ lạ, leo thang lên vách đá thăm nơi quan ải hiểm yếu, mảnh đất hoang vắng cất dấu nhiều tinh xảo, kẻ du nhân bỗng chốc thấy thanh nhàn, lại lên động cao ngắm cảnh, thả tầm mắt ra bốn phía bao la. Ngày 20 tháng Hai năm Kỉ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40. Trấn thủ Ngô Thì Sĩ đề”. Theo suy đoán, tác giả của bản khắc là Ngô Thì Sĩ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buc-thu-bi-an-tren-vach-nui-va-cay-cau-da-tien-o-song-ky-cung-a73829.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Lạng Sơn lo mất thương hiệu na Chi Lăng

    Lạng Sơn lo mất thương hiệu na Chi Lăng

    (ĐSPL) - Trước thông tin người Trung Quốc thu mua hạt na với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg về ươm giống, người dân Lạng Sơn lo lắng sau giống na Chi Lăng sẽ mất thương hiệu