Theo báo Tuổi trẻ, bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng năm 2023 dần lộ diện. Điểm tích cực là nhiều nhà băng có tăng trưởng lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là điểm nóng ngành ngân hàng phải đối mặt.
Đơn cử, TPBank từng nằm trong nhóm có chất lượng tài sản đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu dưới 1% năm 2022, thì đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu đã vọt lên 4.200 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cuối năm 2022. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng của TPBank cũng tăng lên 2,04%.
Tại Bac A Bank, chất lượng nợ cho vay cũng kém hơn. Báo cáo tài chính thể hiện tổng nợ xấu cuối năm 2023 của Bac A Bank đạt gần 914 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2022. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Bởi vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Bac A Bank đã tăng lên 0,91%.
Đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của PGBank là 904 tỷ đồng, cũng tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng, bù lại nợ có khả năng mất vốn lại giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng là 2,55%.
Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), tổng nợ xấu của nhà băng đến cuối năm 2023 tăng 35%. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn vượt nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của BVBank cũng tăng từ mức 2,79% lên 3,31%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 23%, đạt 276,5 tỷ đồng.
Ngay cả với ngân hàng có khẩu vị rủi ro cho vay thấp với định hướng hạn chế tham gia vào các mảng cho vay rủi ro cao như ACB, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng đều cả 3 nhóm.
Báo cáo tài chính quý IV/2023 thể hiện, cuối năm qua, nợ xấu của ACB đạt 5.885 tỷ đồng, tăng 93% so với cuối năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến từ mức 70 tỷ đồng năm 2022 lên 1.804 tỷ đồng năm 2023.
Dù quy mô tăng, song đây vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất hệ thống khi chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ vay.
Thông tin trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn, theo đánh giá của giới phân tích, một trong số hoạt động trọng tâm trong năm 2024 của các ngân hàng có lẽ là nỗ lực kiểm soát và tăng cường xử lý các khoản nợ xấu. Với nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng, các ngân hàng có thể phải chứng kiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bào mòn lợi nhuận, nhất là khi đặt trong bối cảnh định giá tài sản bảo đảm suy giảm khi thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng trầm lắng và đi xuống.
Việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024 sẽ càng khiến nợ xấu tiếp tục tăng, áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu cũng gia tăng.
Vân Anh(T/h)