(ĐSPL) - Sau khi chiếm đoạt Facebook của một nữ du học sinh, Tư đã chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng từ người thân của cô gái này.
Theo báo VnExpress, ngày 27/12, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên xét xử, tuyên phạt Lê Văn Tư (19 tuổi) 8 năm tù về tội Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Cao Văn Hiếu (20 tuổi, cùng trú Triệu Phong, Quảng Trị) 3 năm về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tư và Hiếu tại phiên tòa. Ảnh: báo VnExpress |
Báo Thanh niên thông tin, Tư thường xuyên la cà quán net và tìm cách chiếm đoạt tài khoản Facebook của người khác. Đầu năm 2015, Tư mạo danh chủ tài khoản “Trang Cao Bao” của chị Cao Bảo Trang (30 tuổi, quê TP.HCM, đang du học tại Cộng hòa Séc) rồi nhắn tin vào Facebook “Kính Trắng” của ông Bùi Quang Thuận (60 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM, có quan quan hệ chú cháu với chị Trang) với nội dung: “Ở Cộng hòa Séc có một số khách hàng muốn mua lại một số thẻ cào điện thoại của các mạng di động ở Việt Nam để chơi game với giá cao nên chú có thể mua giúp cháu thẻ cào điện thoại để cháu chuyển sang bán ở Cộng hòa Séc có được không?”.
Tin tưởng, ông Thuận liên tục mua và gửi cho Tư 1.439 thẻ cào điện thoại di động mạng Mobiphone và Vinaphone với số tiền gần 678 triệu đồng. Có được số thẻ cào này, bằng nhiều cách Tư chuyển đổi sang tiền mặt để tiêu xài. Cụ thể, Tư nhờ Hiếu bán giúp số thẻ cào này và Hiếu cũng hưởng lợi bất chính từ việc này 34 triệu đồng.
Sau khi hành vi này của Tư bị cơ quan chức năng phát hiện, nam thanh niên này đã tác động gia đình trả lại cho bị hại số tiền 80 triệu đồng. Riêng Hiếu đã trả lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt được.
Trước vành móng ngựa, Tư khai do nhận thấy cách kiếm tiền này dễ lại cho thu nhập nhiều nên nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy phạm pháp. Bản thân bị cáo cũng tỏ ra ăn năn hối cải với hành vi của mình.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |