Năm 2013, bà Carine (50 tuổi, ở thành phố Toulouse, Pháp) phải phẫu thuật cắt bỏ mũi sau khi được chẩn đoán mắc ung thư xoang. Ca phẫu thuật giúp người phụ nữ thoát khỏi ung thư nhưng đã lấy đi khứu giác và khiến bà tự ti mỗi khi rời khỏi nhà.
Được biết, trước khi điều trị ung thư cho bà Carine, các bác sĩ đã tạo ra một chiếc mũi tùy chỉnh bằng vật liệu sinh học in 3D và bảo quản trong đá cho tới khi công nghệ cho phép cấy ghép.
Đến năm 2022, các bác sĩ đã có thể cấy chiếc mũi vào dưới cẳng tay của bà Carine do vùng da này mỏng, khá giống với da mặt. Các tế bào và mạch máu phát triển tại đây trong hơn 2 tháng. Sau khi được cấy lên mặt người phụ nữ, các mạch máu bên trong chiếc mũi mới đã bám vào các mạch máu ở thái dương của bà.
Bà Carine chia sẻ bà rất mừng trước kết quả nói trên, đặc biệt là hiện giờ, bà đã có thể thở dễ dàng hơn và ngửi thấy hương hoa trong khu vườn của mình một lần nữa. Tuy vẫn chưa có cảm giác với chiếc mũi cấy ghép nhưng bà hy vọng ca phẫu thuật sắp tới sẽ khắc phục được điều này.
“Tôi có thể ra ngoài, trở lại với cuộc sống bình thường. Thật kỳ diệu, vật liệu sinh học này là cơ hội cuối cùng của tôi. Nghiên cứu của các bác sĩ đã giúp tôi. Tôi đã ở trong nhà suốt 8 năm qua. Khi bị bệnh, bạn tự cô lập mình và khuôn mặt là thứ bạn nhìn thấy đầu tiên”, bà Carine tâm sự với 20 Minutes.
Trước khi phát triển chiếc mũi trên, các bác sĩ từng thử ghép da lên phần mô đã bị mất của người phụ nữ nhưng không thành công. Bà cũng được cho sử dụng mũi giả nhưng không thể giữ cố định chúng.
Sau đó, Tiến sĩ Dupret-Bories và Tiến sĩ Benjamin Valerie hỏi liệu bà Carine có muốn nuối trồng lại mũi hay không. Trong thời gian “nuôi” mũi ở cẳng tay, bà phải đến bệnh viện khám thường xuyên để đảm bảo mũi phát triển bình thường, không có tổn thương nào. Sau 2 tháng, chiếc mũi đủ dài để cấy lên khuôn mặt.
Để thay thế phần da lấy từ cẳng tay, các bác sĩ đã sử dụng một miếng ghép từ đùi của bà. Người phụ nữ 50 tuổi phải nằm viện trong 10 ngày và được sử dụng thuốc kháng sinh trước khi trở về nhà.
Đinh Kim(T/h)