Trước đó, theo VnExpress, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, công bố điểm chuẩn với phương thức xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng (PT1.2) và học sinh thuộc 149 trường THPT diện ưu tiên (PT2).
Hai nhóm thí sinh phải có thư giới thiệu của hiệu trưởng, điểm xét tuyển bằng điểm trung bình ba môn thuộc tổ hợp ở lớp 10, 11, 12 (thang điểm 90).
Theo đó, toàn trường có 5 ngành lấy điểm chuẩn trên 85, gồm Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Logistics và hệ thống công nghiệp, Khoa học dữ liệu, Công nghệ sinh học. Thí sinh phải có điểm trung bình từng môn từ 9,5 trở lên mới đỗ.
Ngoài ra, hơn 20 ngành có điểm chuẩn trên 81, tức trung bình 9 điểm một môn.
Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh 39 ngành đào tạo bậc Đại học chính quy (trong đó có 04 ngành mới) thuộc 08 chương trình đào tạo thông qua 05 phương thức xét tuyển. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 5.150 chỉ tiêu, theo Tạp chí Công thương.
Trong đó, phương thức tuyển sinh chủ đạo, chiếm 75-90% chỉ tiêu là xét kết hợp học lực, thành tích học tập, hoạt động văn - thể - mỹ. Ba phương thức còn lại chiếm 1-5% chỉ tiêu là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc thí sinh nước ngoài; xét tuyển học bạ kết hợp phỏng vấn (với chương trình chuyển tiếp quốc tế).
Học phí với tân sinh viên của Đại học Bách khoa TP.HCM là 30-80 triệu đồng mỗi năm, cao nhất ở các chương trình dạy bằng tiếng Anh.
Năm 2023, điểm chuẩn phương thức xét tuyển kết hợp của trường Đại học Bách khoa khoảng 54-79,84/100, cao nhất là ngành Khoa học máy tính, thấp nhất là nhóm ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Kỹ thuật môi trường.