Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 2/2023 của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chỉ số VN-Index đã có một khởi đầu đầy tích cực cho năm 2024 với mức tăng 3% trong tháng 1/2024, khi mà dòng tiền bắt đầu có sự tập trung ở ngành Ngân hàng, hỗ trợ đáng kể bởi sự quay trở lại của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả kinh doanh quy IV/2023 của ngành Ngân hàng là động lực dẫn dắt chính cho mức tăng trưởng 29% của LNST các doanh nghiệp niêm yết trên HSX, bên cạnh sự phục hồi lợi nhuận của các ngành như nguyên vật liệu cơ bản, dịch vụ tiêu dùng.
Theo VDSC, thị trường chứng khoán sẽ tạm bước vào giai đoạn trống thông tin sau mùa báo cáo tài chính Quý IV/2023. Cùng với hiệu ứng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các chuyên gia của VDSC không kỳ vọng thị trường có biến đông mạnh trong tháng 2. Tuy nhiên, luồng thông tin về mùa Đại hội cổ đông với các kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2024 nhiều khả năng sẽ giúp thị trường sôi động hơn trong nửa cuối tháng 2.
Ở chiều ngược lại, rủi ro giảm sâu của thị trường là không nhiều. Nguyên do thứ nhất, định giá các ngành vốn hóa lớn là tương đối rẻ. Thứ hai, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể tạm thời chấm dứt. Thứ ba, lượng tiền gửi nhà đầu tư đang chờ để tham gia lại thị trường.
"Trong tháng 2, vùng dao động kỳ vọng của VN-Index là 1.160-1.200 điểm. Sau số liệu kết quả kinh doanh quý IV/2023, mức tăng trưởng lợi nhuận 12 tháng liền kề là 7% so với cuối quý III/2023 đã củng cố thêm luận điểm rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã tạo đáy trong giai đoạn giữa năm 2023", VDSC nhận định
Bên cạnh đó, các chuyên gia của VDSC kỳ vọng hiệu quả của nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023 của nhà điều hành sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm 2024.
“PE toàn thị trường theo đó ước tính ở mức 13,6 lần, so với mức tiệm cận 14 lần vào cuối năm. Quan sát của chúng tôi cho thấy, ở vùng PE này, thị trường sẽ không có nhiều áp lực từ NĐT nước ngoài. Do vậy, chúng tôi vẫn cho rằng những nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu đầu ngành và có khả năng phục hồi nhanh theo sau sự phục hồi của nền kinh tế”, báo cáo của VDSC nhấn mạnh.
Còn theo báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 1/2024 của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), tiếp nối đà tăng điểm của tháng 12/2023, VN-Index tiếp tục tăng 3,04% trong tháng 1/2024. Đà tăng ấn tượng của nhóm ngân hàng từ cuối 12/2023 giúp VN-Index vượt qua diễn biến giằng co và bước vào nhịp tăng điểm tốt hướng đến ngưỡng 1.200 điểm.
Trong tháng 1, thanh khoản trung bình trên toàn thị trường đạt 18.751 tỷ đồng/phiên, giảm 23% so với giá trị trung bình của quý 3/2023 và hụt 7,5% so với trung bình quý IV/2024, chỉ báo cho thấy tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ Tết âm lịch khiến thanh khoản tiếp tục suy yếu song tốc độ giảm đang chậm lại.
So sánh với trung bình quý 2 năm ngoái (giai đoạn chỉ số tăng điểm tốt), thanh khoản tháng 1 tăng 17,65% - cho thấy dòng tiền đã tích cực trở lại. Vốn hóa toàn thị trường cuối tháng 1 đạt 6,03 triệu tỷ đồng tăng 2,5% so với bình quân quý 4/2023 và 4,5% so với bình quân cả năm 2023.
XEM THÊM:Sát Tết, doanh nghiệp của bầu Đức trả nợ hơn 440 tỷ đồng
Về giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước đã đảo chiều bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trong tháng 1. Trong khi đó, tổ chức trong nước thu hẹp giá trị mua đáng kể so với tháng trước, giảm hơn 80%. Giao dịch của khối ngoại trong tháng 1 có xu hướng tích cực hơn so với giai đoạn bán ròng miệt mài trước đó khi họ trở lại mua ròng nhẹ.
Trong tháng 2, P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 14 - 14,25 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.200 điểm. Theo các nhà phân tích của BSC Research, quyết định quan trọng của Quốc hội khi thông qua 2 dự án Luật sửa đổi quan trọng (đất đai, tổ chức tín dụng) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phát trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các doanh nghiệp dần được công bố sẽ phản ánh cụ thể về tình hình của từng đơn vị và sự phân hóa của các cổ phiếu sẽ rõ nét hơn.
Hiếu Nguyễn