+Aa-
    Zalo

    Chạy chức, chạy quyền: Cần phải bắt tận tay những "kẻ đi đêm"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vấn nạn "chạy chức, chạy quyền" đang hết sức tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức "đi đêm".

    (ĐSPL) - Vấn nạn "chạy chức, chạy quyền" đang hết sức tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức "đi đêm". Người ta "chạy" vào một chỗ trong cơ quan công quyền, sau đó làm "bàn đạp" để đạt mục đích cá nhân.

    Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không khỏi băn khoăn khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này.

    Ông Ngô Văn Sửu.

    Cơ chế sinh "đục khoét"

    Có ý kiến cho rằng, cần "luật hóa" trước thực trạng đáng báo động "chạy chức, chạy quyền" hiện nay, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

    Vấn nạn "chạy chức, chạy quyền" xuất hiện từ thời phong kiến chứ không phải nay mới đề cập. Thời nay, vấn nạn này diễn biến phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều dưới mọi hình thức. Chúng đang ngấm ngầm gây nguy hại cho xã hội, khiến người dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Tại nhiều kỳ họp Quốc hội đã chỉ ra, có hiện tượng "chạy" song không phổ biến, nhưng đáng lo ngại và cần loại trừ.

    Thực tế, chỉ những người yếu kém về tài, đức mới tìm mọi cách "mua" một chỗ ngồi trong cơ quan công quyền, làm bàn đạp để đạt mục đích cá nhân khác. Nói đến "mua bán" là nói đến lãi, lỗ. Bởi vậy, khi anh bỏ ra một số tiền để ngồi vào vị trí nào đó, anh đã tính toán đến việc "thu hồi vốn" bằng mọi cách. Bởi vậy, sinh ra những kẻ "đục khoét", đó không khác gì đạo tặc lộng hành cần phải loại bỏ.

    "Chạy chức, chạy quyền" chính là hành vi hối lộ, tham nhũng của những người có chức, có quyền cần phải nghiêm trị. Trước kia, người ta "mua" một cách lén lút và tự cảm thấy xấu hổ thì nay người ta xem đó như là chuyện bình thường. Hiện tượng "chạy chức, chạy quyền" còn liên quan đến lợi ích nhóm, địa phương chủ nghĩa. Ví dụ, khi anh đã ngồi vào vị trí quan trọng nào đó, anh sẽ chỉ định, bổ nhiệm những người thân tín, người cùng quê, cùng nhóm lợi ích với mình. Và kiểu bổ nhiệm như thế làm sao công tâm, chọn được đúng người tài đức được. Việc thi cử hiện nay tại không ít bộ ngành, địa phương vẫn còn hình thức, gian lận.

    Thưa ông, cái khó trong việc bắt tận tay những người "đi đêm" là gì?

    Như tôi đã nói, có rất nhiều kiểu "đi đêm" mà người ngoài cuộc khó mà phát hiện được, chúng rất tinh vi và khôn ngoan. Chúng tìm mọi cách tiếp cận những người có chức, người có quyền quyết định việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ để cậy nhờ. Việc quan chức "bắt tay" doanh nghiệp để cùng nhau hưởng lợi hiện nay cũng khá phổ biến. Nhiều vị trí quan trọng, có tính quyết định và để ngồi vào vị trí đó không phải ít tiền. Bởi vậy, có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và công chức. Doanh nghiệp sẵn sàng "đầu tư" để anh vào được vị trí này, đổi lại, anh phải cho tôi dự án này, dự án nọ. Ngoài ra, còn muôn kiểu "chạy chức, chạy quyền" khác như tặng con sếp suất đi du học, tặng vợ sếp chiếc xe máy, ô tô, bán hóa giá cho sếp miếng đất, căn biệt thự, mảnh đất...

    "Chạy chức, chạy quyền" ắt bất tài vô dụng

    Trước thực trạng "chạy chức, chạy quyền" đang ngấm ngầm khó xử lý, làm gì để hạn chế vấn nạn này, thưa ông?

    Giải pháp nào giải quyết được vấn nạn này không phải dễ. Bởi thực tế việc "mua quan, bán chức" đang diễn ra theo kiểu "đi đêm" rất mạnh mẽ, trên nhiều mặt trận nhưng rất khó xử lý. Bởi thế, cần phải tìm ra cách thức lựa chọn được người cán bộ có đủ tâm, đủ tài vào bộ máy Nhà nước.

    Trước hết phải đánh giá khách quan những người vào diện quy hoạch, tuyệt đối không có yếu tố riêng tư, lợi ích nhóm, chủ nghĩa địa phương... Đánh giá năng lực thực tiễn, vào những việc đã làm được, chứ không nên căn cứ vào thâm niên, sống lâu lên lão làng.

    Để hạn chế vấn nạn "mua quan, bán chức", tôi cho rằng phải dân chủ. Một vị trí phải nhiều người ứng cử, chứ không như hiện nay có những vị trí chỉ có một người ra ứng cử. Kiểu bầu cử như thế thì bầu cử để làm gì.

    Một số cán bộ, quan chức, trong đó có cả Đại biểu Quốc hội vừa qua bị bắt, bị người dân "tố". Theo ông, việc bổ nhiệm cán bộ đối với những cán bộ đó có vấn đề gì không?

    Một thực tế đáng buồn trong thời gian vừa qua, không ít cán bộ, trong đó có cả ĐBQH cũng "dính" đến tham nhũng, lừa đảo, lợi dụng chức vụ để làm bậy. Đây chính là hệ quả của việc bổ nhiệm, giới thiệu người thiếu tài đức vào những vị trí quan trọng.

    Có người, khi ngồi vào chức vụ kha khá, lại hướng tới vị trí cao hơn để có nhiều quyền lực, bổng lộc, cơ chế bắt phải có học hàm, học vị. Những cuộc chạy đua bằng cấp bắt đầu bằng mọi giá, thậm chí mua bằng giả, nhờ học hộ thi thuê... Bởi vậy, nhiều quan chức bị phát hiện dùng bằng giả, thậm chí có người còn "sính" bằng quốc tế. Để lọt những cán bộ như vậy cũng là lỗi của công tác cán bộ.

    Bởi vậy, công tác cán bộ mà không tinh tường chọn những người này vào đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ gây phương hại cho xã hội. Những người bất tài này chỉ khiến xã hội trong một vòng luẩn quẩn, không phát triển được, hiệu quả quản lý, điều hành đất nước của cơ quan Nhà nước kém đi bởi những "kẻ chạy chức, chạy quyền" mà ra.

    Trân trọng cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chay-chuc-chay-quyen-can-phai-bat-tan-tay-nhung-ke-di-dem-a82592.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan