+Aa-
    Zalo

    Chàng trai thổi hồn vào đồng hồ đeo tay từ đam mê xăm hình nghệ thuật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xuất phát từ tình yêu với nghề xăm hình nghệ thuật, chàng trai Trần Ngọc Chiến đã “chuyển nghề” và tự tay tạo ra nhiều sản phẩm chạm khắc trên kim loại.

    Xuất phát từ tình yêu với nghề xăm hình nghệ thuật, chàng trai Trần Ngọc Chiến 31 tuổi tại Hà Nội đã “chuyển nghề” và tự tay tạo ra nhiều sản phẩm chạm khắc trên kim loại, đặc biệt là đồng hồ đeo tay độc đáo, tinh xảo.

    Hình xăm không xấu

    Trước khi tìm đến nghệ thuật chạm khắc đồng hồ đeo tay, anh Trần Ngọc Chiến được nhiều bạn trẻ biết đến là thợ xăm hình nghệ thuật với phong cách độc lạ. Anh Chiến bén duyên với nghề xăm từ năm 2010, khi nó còn là một xu hướng khá mới được du nhập vào Việt Nam và chưa chính thức trở thành nghề.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, anh Chiến cho biết: “Trước đây, mình cũng học vẽ, sau đó thấy xăm phát triển và cũng đúng cái mình thích nên tự mày mò làm. Tính đến nay, mình đã làm nghề xăm được 10 năm”.

    Khi nhắc đến nghề xăm hình, hầu như mọi người đều nghĩ rằng đó là nghề nhàn nhã và không mấy thiện cảm. Tuy nhiên, ít ai biết để có một hình xăm nghệ thuật đẹp, người thợ phải tỉ mẩn, khéo léo và sự kiên trì. Có những hình xăm đòi hỏi người thợ ngồi xăm đến 10-12 tiếng liên tục.

    Anh Trần Ngọc Chiến hiện tại là thợ xăm hình nghệ thuật đồng thời là thợ chạm khắc đồng hồ đeo tay "có tiếng" ở Hà Nội.

    Nghề “cầm kim, di mực” không phải chỉ cần có tay nghề mà còn phải có tâm với từng nét mực in trên da người khác. “Khi bạn vẽ lên giấy, sai có thể tẩy đi vẽ lại, nhưng khi đã “vẽ” mực lên người dù có xóa đi vẫn để lại vết sẹo”, anh Chiến cho hay.

    Từ trước đến nay, xã hội luôn có cái nhìn khá khắt khe với người xăm hình và gán “mác” bất hảo cho họ. Là một thợ xăm cũng là người sở hữu khá nhiều hình xăm trên người, anh Chiến bày tỏ quan điểm: “Việc bạn xăm hình không nói nên nhân cách của bạn ra sao. Tuy nhiên, đừng lấy hình xăm trên người mình để làm công cụ dọa nạt hay làm những việc trái lương tâm. Hình xăm không xấu, chỉ có người sở hữu nó làm nó xấu đi”.

    “Thổi hồn” cho những chiếc đồng hồ

    Nghề chạm khắc đồng hồ đã rất phát triển ở nước ngoài, nhưng đối với Việt Nam nó còn khá mới mẻ và xa lạ. Nguồn cảm hứng để anh “bén duyên” với nghề chính từ những video nước ngoài: “Mình hay mò mẫm nên xem khá nhiều. Là một người thợ xăm hay “vẽ” trên da người, mình cũng muốn làm thử điều đó trên những đồ vật bằng kim loại. Mình thử và không ngờ trở nên say mê. Từ say mê, mình theo đuổi niềm đam mê mới này”.

    Dù mới theo đuổi bộ môn nghệ thuật này được gần 2 năm nhưng anh dễ dàng “bắt nhịp”, bởi đã có kinh nghiệm 10 năm làm thợ xăm. Anh Chiến nhanh chóng trở thành người chạm khắc đồng hồ “lão luyện” được nhiều người đánh giá cao. Theo anh, hiện nay trên địa bàn Hà Nội chỉ có khoảng 10 người theo đuổi nghề này.

    Để làm ra một chiếc đồng hồ thường tiêu tốn khoảng 2-3 tuần, có những sản phẩm đòi hỏi nhiều chi tiết cần chạm khắc thì có thể mất đến hơn 1 tháng. Lượng khách hàng của anh Chiến bao gồm trong nước lẫn nước ngoài: “Có những người bạn nước ngoài sẵn sàng đợi, chỉ cần tôi để họ vào danh sách chờ. Cái này là nghệ thuật, không chỉ chọn thợ có tay nghề mà còn phải chọn thợ có phong cách hay để làm. Một khi họ đã thích, dù bao lâu cũng đợi”.

    Đồng hồ với những chi tiết chạm khắc bình thường, vô cùng tỉ mẩn và tinh xảo.

    Để làm ra một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ và tỉ mỉ. Ban đầu, thợ và khách cần phải trao đổi ý tưởng, sau đó anh Chiến sẽ phác họa ý tưởng ra giấy để dễ hình dung cấu trúc. Cuối cùng là đến công đoạn chạm khắc trên đồng hồ. Với anh Chiến, công đoạn khó khăn nhất có lẽ là khảm đồng, bởi đặc tính của đồng cứng hơn vàng nên rất khó làm. Hơn nữa, anh Chiến có một “bí quyết” riêng, đó là khảm đồng nung. Đây được coi là kỹ thuật mới hầu như trên thế giới và Việt Nam chưa có ai làm. Những miếng đồng sau khi khảm sẽ được nung lên để tạo thành nhiều màu sắc khác nhau.

    Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này, anh Chiến gặp không ít khó khăn về dụng cụ và máy móc để làm sản phẩm. “Vì là nghề mới, nên dụng cụ để làm chưa có nhiều. Bình thường mình hay xem video hướng dẫn rồi dùng đồ tự chế, có những dụng cụ mình phải đặt mua từ nước ngoài về”, anh Chiến cho biết.

    Đặc biệt, để tạo những đường cắt sáng bóng, người thợ cần đánh bóng các cạnh của mũi đục theo nhiều góc khác nhau. Có như vậy, nét chạm khắc mới có được độ mảnh mai, sắc nét. Bởi vậy, mũi đục là cái không thể mua ở đâu được, mỗi người thợ trước khi học nghề sẽ phải học mài dũa mũi đục.

    Ngoài việc chạm khắc đồng hồ, anh Chiến nhận làm cả nhẫn, móc khóa túi, ví,... Tuy nhiên, anh vẫn chú trọng vào đồng hồ, bởi đó là “thú chơi” của nhiều người. Anh Chiến tiết lộ, giá chạm khắc của một mặt số thường dao động khoảng 5-6 triệu. Những họa tiết cầu kỳ hơn sẽ khoảng 8-9 triệu, khảm đồng hoặc khảm vàng sẽ có giá cao hơn tùy vào lượng vàng và diện tích khảm.

    Hiện tại, anh Chiến nhận đào tạo cho một số người thân quen đã có kiến thức nền và định hướng sẽ phát triển thành một nghề. “Mình muốn mở rộng mô hình đào tạo để nghề này trở nên phổ biến hơn ở nước ta. Theo mình, đây không chỉ là nghề, mà còn là “sân chơi” sáng tạo cho các bạn trẻ đam mê vẽ và nghệ thuật thể hiện”, anh Chiến cho biết.

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Năm (174)
    Hữu Thắng – Lê Nga
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-thoi-hon-vao-dong-ho-deo-tay-tu-dam-me-xam-hinh-nghe-thuat-a344552.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan