(ĐSPL) - Kẻ bắt giữ người trái pháp luật gây ra cái chết cho anh R. là Trần Tấn Phong, chủ xưởng gỗ tại huyện Dầu Tiếng, với mức án đề nghị 20 tháng tù khiến dư luận bất bình.
Sau một năm anh Sơn Bồ R. (25 tuổi) chết tại hồ Cần Nôm (xã Thạnh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), người dân xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), nơi anh R. sinh ra và lớn lên vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa. Kẻ bắt giữ người trái pháp luật gây ra cái chết cho anh R. là Trần Tấn Phong, chủ xưởng gỗ tại huyện Dầu Tiếng.
Trong khi, TAND huyện Dầu Tiếng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Tấn Phong, PV báo Đời sống và Pháp luật tìm về gia đình R. ở xã Lai Hòa để tìm hiểu. Tiếp chuyện PV là bà Trần Thị Ca (SN 1949, bà ngoại R.) với đôi mắt ầng ậc nước khi nhắc đến đứa cháu xấu số.
Số phận bi thương của một con người
Bà Trần Thị Ca cho hay, con gái lấy chồng rồi sinh được ba đứa cháu. Anh R. là con đầu. Khi đứa em út của R. chưa kịp biết đi thì cha qua đời. Mẹ R. gạt đau thương, làm lụng vất vả suốt ngày đêm để nuôi ba đứa con. Dù cố gắng đến đâu, đồng tiền làm thuê cũng không đủ lo cho ba đứa trẻ. Anh em R. lớn lên từ những thiếu thốn. R. cũng được đi học, nhưng khi chỉ biết nhận mặt con chữ thì phải nghỉ ngang ở nhà phụ mẹ nuôi em.
Do lao động cật lực, vài năm sau, mẹ R. lâm bệnh nặng. Chưa qua tuổi 15, người gầy đét nhưng R. đã trở thành lao động chính trong gia đình. Em trai R. đi làm thuê bằng việc trèo dừa. Thế nhưng, trong một lần sơ ý, cậu bị té ngã. Từ đây, đôi mắt của em trai R. bỗng dưng không nhìn thấy. Còn em gái của R., chỉ mới đến tuổi cập kê đã vội lấy chồng. Cả gia đình R. sống trên mảnh đất của một người hàng xóm tốt bụng.
Ở quê, R. làm thuê tất cả mọi việc, không quản khó khăn, chỉ với ý định duy nhất là kiếm tiền nuôi bà, mẹ và em trai. Cách đây vài năm, nghe mọi người bảo, TP.HCM dễ kiếm việc, lương cao nên R. quyết định lên đây tìm cơ hội. Với tính siêng năng, cần cù, R. dễ dàng kiếm cho mình một công việc. Mỗi tháng, trừ lại ít tiền chi tiêu, R. gửi lương về cho gia đình.
Có thời gian, R. lên tỉnh Lâm Đồng đi hái ớt thuê, vì tiền công cao hơn ở TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ làm được một khoảng thời gian ngắn thì R. bỏ việc vì bị bóc lột sức lao động quá nhiều. Quay trở lại TP.HCM, đang lang thang tại bến xe, R. được một tài xế xe ôm “làm mai” đến làm công nhân tại Bình Dương. Trước khi đến làm việc tại xưởng gỗ, R. gọi điện vui mừng báo cho gia đình biết mình đã có công việc mới. Sau đó, bà Ca có gọi cho R. nhưng không liên lạc được. Bà Ca tự trách cháu, có lẽ vì ham chơi đã bán điện thoại rồi.
Chạng vạng ngày 30/5/2013, bà Ca nhận được điện thoại và nghe giọng đầu dây bên kia bảo: “Bà lên xã Thạnh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương nhận thi thể thằng R. về làm tang ma”. Gia đình quá nghèo, không có tiền dự trữ, suốt đêm hôm đó, cụ cùng con gái đi khắp nhà người quen mượn tiền để lên tỉnh Bình Dương.
|
Bị cáo Trần Tấn Phong tại phiên xét xử sơ thẩm. |
Cái ác được phát hiện nhờ báo chí
Đến nơi, bà Ca đắng lòng biết được R. đã chết từ ngày 26/5/2013 nhưng do danh bạ điện thoại bị xóa sạch số nên mọi người không thể liên lạc được. Sau đó bốn ngày, có một người bạn gọi điện cho R., nhận được thông tin R. chết thì mới báo tin cho gia đình. “Tôi nghe mọi người trên Bình Dương bảo, khi được vào làm tại xưởng gỗ, ông chủ tịch thu điện thoại, xóa hết danh bạ, nên khi R. chết không có số điện thoại của gia đình để liên lạc”, bà Ca bảo.
Bà Ca cho hay, khi lên đến tỉnh Bình Dương, người dân thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên gom góp tiền phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, chủ xưởng gỗ là Trần Tấn Phong (52 tuổi, chủ cơ sở chế biến gỗ tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) có đưa 25 triệu đồng gọi là hỗ trợ tiền tang ma. Sau cái chết của R., nhiều tờ báo, trong đó có báo Đời sống và Pháp luật đã điều tra, phát hiện nhiều điều đặc biệt ở xưởng gỗ và sau đó Phong bị bắt.
Ngày 26/6 TAND huyện Dầu Tiếng mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử Phong về tội Giữ người trái pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 1999, Phong mua lại một xưởng gỗ đóng trên địa bàn xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và hoạt động cầm chừng. Đến năm 2002, xin được giấy phép hoạt động, Phong đẩy mạnh sản xuất. Công nhân tại xưởng gỗ của Phong chủ yếu là người ngoại tỉnh, được “môi giới” từ một cò lao động. Một người lao động chấp nhận vào làm tại xưởng gỗ, thì Phong trả cho cò lao động 500 ngàn đồng.
Xưởng gỗ của Phong rộng khoảng 3ha, xung quanh được bao bọc bằng thép gai. Lối duy nhất không có thép gai là khu vực hồ Cần Nôm khá rộng và có nước sâu hơn 5m. Người lao động được bố trí nghỉ tại xưởng, nhưng lại bị Phong giữ giấy tờ tùy thân, điện thoại... Với mục đích không cho ai trốn thoát, Phong hàn khung sắt và đặt camera theo dõi.
Không chịu được sự hà khắc của xưởng gỗ, nhiều công nhân đã bỏ trốn. Anh R. vào làm chỉ mới được sáu ngày thì bàn với một công nhân khác bỏ trốn. Vào ngày 26/5/2013, cả hai cùng nhảy xuống hồ Cần Nôm bỏ trốn. Tuy nhiên, anh R. bị chết đuối còn người bạn đi cùng sống sót. Tại phiên tòa sơ thẩm, viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng đề nghị mức án từ 24 đến 28 tháng tù giam đối với Phong. Dự kiến, TAND huyện Dầu Tiếng sẽ tuyên án vào ngày 3/7/2014.
|
Luật sư Hà cho rằng mức đề nghị của viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng đối với Phong là quá nhẹ. |
Những dấu hỏi trước giờ tuyên án
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Trương Thị Thu Hà (văn phòng Luật sư Kim Tín, đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Mặc dù chưa biết vụ án sẽ được tuyên như thế nào, nhưng theo chúng tôi dưới góc độ pháp luật và với tư cách là luật sư thiết nghĩ cáo trạng VKSND huyện Dầu Tiếng truy tố tội danh Giữ người trái pháp luật và đề nghị tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), tuyên phạt mức án từ 24 đến 28 tháng tù là quá nhẹ. Luật sư Hà phân tích, trong vụ án này, ngoài việc cơ sở Tấn Phong có hành vi bắt công nhân làm việc trong điều kiện hoàn cảnh khắc nghiệt, thì cơ sở này còn khóa cửa, tịch thu điện thoại không cho liên lạc bên ngoài, gắn camera... giám sát việc sinh hoạt của công nhân, không cho họ ra ngoài. Lời lẽ bao biện mà chủ cơ sở Tấn Phong đưa ra, là muốn theo dõi những công nhân "có dấu hiệu bỏ trốn" trong khi đang nợ tiền.
Đây là điều không thể chấp nhận vì khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra vẫn có thể giải quyết được, không phải vì họ nợ tiền mà lại đi giam giữ như vậy. Đây là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác bởi nó ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động của người khác một cách trái pháp luật. Đây còn là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân được quy định tại Hiến pháp Việt Nam.
Hành vi phạm tội Giữ người trái phép của Phong gây ra những thiệt hại về tính mạng cho con người. Cụ thể không chịu nổi sự hà khắc của cơ sở Tấn Phong, cũng như việc giam giữ trái pháp luật của Phong, nên anh R. trốn thoát khỏi bằng cách bơi qua hồ Cần Nôm, đuối nước và tử vong. Vậy hành vi phạm tội giữ người trái phép của Phong đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, Phong phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 123 BLHS có khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù. Do đó mức án đề nghị của VKSND huyện như trên đã không đúng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của Phong và không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật cũng như không đủ sức răn đe, giáo dục”.
Cần xử nghiêm, tránh tiền lệ xấu Luật sư Hà chia sẻ: “Hiện vụ án này đang được dư luận đặc biệt quan tâm và chúng tôi nhận thấy công luận, dư luận đều mong muốn Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cần có mức án thật sự nghiêm khắc đối với hành vi phạm tội của Trần Tấn Phong để tránh tiền lệ không tốt về sau, có như vậy mới đảm bảo được công lý và công bằng trong xã hội” |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-chet-tham-vi-chay-tron-khoi-xuong-go-tu-kho-sai-a39564.html