Trang Kankanews mới đây đã đưa tin về trường hợp của Tiểu Trương (18 tuổi, ở Quảng Châu, Trung Quốc), thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng xứ Trung.
Cụ thể, sáng hôm đó, Tiểu Trương thức dậy và rời khỏi giường như thường lệ. Thế nhưng, chàng trai phát hiện nửa người bên phải dường như không có chút sức lực nào. Bạn cùng phòng phát hiện đã nhanh chóng thông báo cho người nhà của Tiểu Trương.
Khi tìm đến chỗ trọ của con trai, mẹ Tiểu Trương không khỏi hoang mang khi thấy chân của cậu không thể nhấc lên để đi đứng bình thường mà phải lết từng bước. Thời điểm đó, Tiểu Trương cảm thấy nửa người tê liệt nhưng vẫn có thể nói được. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, nam thanh niên bắt đầy cảm thấy nói chuyện khó khăn, ý thức trở nên mơ hồ.
Bố mẹ Tiểu Trương lập tức gọi cấp cứu đưa con trai đến bệnh viện. Sau khi hỏi về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh, bác sĩ ban đầu xác nhận Tiểu Trương nhiều khả năng bị đột quỵ. Kết quả kiểm tra cho thấy nam thanh niên bị tắc mạch máu não, gây ra thiếu máu não nghiêm trọng và dẫn đến đột quỵ.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để can thiệp tích cực. Nhờ được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, với sự nỗ lực của các bác sĩ, Tiểu Trương đã phục hồi nhanh chóng.
Giải thích về lý do khiến Tiểu Trương bị đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não), bác sĩ cho hay nam thanh niên trước đó đã được chẩn đoán mắc “bệnh van tim bẩm sinh” nhưng không điều trị. Thêm nữa, Tiểu Trương lại có thói quen thức khuya, sử dụng điện thoại tới sau 12h đêm rồi mới ngủ. Thói quen sinh hoạt không tốt này liên quan rất lớn đến việc cậu bị đột quỵ.
Ngày nay, thức khuya là thói quen của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, việc thức khuya liên tục trong suốt thời gian dài sẽ hủy hoại sức khỏe của bạn, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Suy giảm khả năng miễn dịch
Ở những người thường xuyên thức khuya, chức năng miễn dịch của cơ thể sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, khiến họ có khả năng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất, tiêu hóa và các hệ thống khác.
Quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại sẽ tác động đến chức năng của các cơ quan và mô khác, khiến khả năng miễn dịch suy giảm nhanh chóng, từ đó gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác nhau.
Thức khuya còn ảnh hưởng tới nội tiết của cơ thể lượng hormone tiết ra. Đây là nguyên nhân khiến các cơ quan khác nhau trong cơ thể dễ mắc nhiều bệnh tật.
Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Việc thường xuyên thức khuya rất dễ khiến bạn gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản. Đối với nam giới, việc thức khuya lâu ngày sẽ làm suy giảm số lượng và khả năng vận động của tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng đậu thai.
Ngoài ra, thói quen xấu này còn gây ra nhiều biến đổi về bệnh lý xảy ra ở tuyến tiền liệt, thận và nhiều bộ phận của nam giới, càng ảnh hưởng tới chức năng sinh dục, khiến nam giới có nguy cơ vô sinh cao.
Đối với nữ giới, thói quen này lại có thể ảnh hưởng tới nội tiết tố, dẫn tới lượng estrogen và progesterone suy giảm. Lúc này, buồng trứng của nữ giới sẽ không thể rụng trứng đúng chu kỳ, từ đó gây mất cân bằng nội tiết tố, là nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, vô sinh cao.
Lão hóa da
Thức khuya lâu ngày sẽ khiến làn da của bạn bị lão hóa rất nhanh. Nguyên nhân là vì các cơ quan sẽ tự sửa chữa và giải độc trong lúc bạn ngủ. Nếu bạn thức khuya, quá trình giải độc không thể diễn ra trọn vẹn, từ đó làm tăng lượng độc tố tích tụ trong cơ thể. Các chất độc này sẽ đi vào da theo máu, khiến da nổi mụn, tiết nhiều dầu, thâm nám và xuất hiện nếp nhăn.
Gây co thắt mạch máu
Thói quen thức khuya trong thời gian dài có thể gây co thắt mạch máu bất thường và ảnh hưởng tới tốc độ lưu thông máu. Khi bạn thức khuya, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn adrenaline và các hormone khác khiến mạch máu co bóp bất thường, nhịp tim tăng cao, dễ mắc một số bệnh về tim mạch, trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra những cơn đột tử không báo trước.
Suy giảm trí nhớ
Theo nghiên cứu của Đại học California (Los Angeles, Mỹ), tỷ lệ suy giảm trí nhớ ở người có thói quen thức khuya, ngủ muộn cao gấp 5 lần so với người bình thường. Bạn có thể gặp phải tình trạng hay quên, nhớ sai, nhớ nhầm, mất tập trung, không đủ minh mẫn để giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, khi bạn ngủ muộn, hệ thần kinh giao cảm trong cơ thể vẫn buộc phải duy trì trạng thái hưng phấn, khiến bạn rơi vào trạng thái cạn kiệt nặng lượng vào ngày hôm sau.
Ung thư
Rất nhiều yếu tố miễn dịch được hình thành trong giấc ngủ. Nếu bạn thức khuya lâu ngày, khả năng miễn dịch sẽ bị sa sút, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, không tạo ra được những kháng thể và tế bào chống lại sự xâm nhập của kháng nguyên lạ, bất thường.
Nữ giới có thói quen thức khuya, làm việc và sinh hoạt dưới ánh đèn có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 3 lần so với người đi ngủ sớm.
Melatonin là nội tiết tố tự nhiên có tính chất chống oxy hóa được sản xuất bởi não trong thời gian ngủ, giúp ngăn ngừa thiệt hại cho các tế bào có thể dẫn đến ung thư.
Melatonin cũng làm giảm sự sản xuất estrogen từ buồng trứng. Việc thiếu ngủ dẫn đến melatonin sản sinh quá ít, lượng hormone estrogen ở phụ nữ quá cao, tăng nguy cơ ung thư vú.
Đinh Kim(T/h)