+Aa-
    Zalo

    Chàng sinh viên nhiễm khuẩn huyết, hở van tim nguy kịch: Nếu không được giúp, "cửa tử" trực chờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chàng sinh viên trẻ Nguyễn Đức Hạnh (năm thứ 4, trường Đại học Mỏ - địa chất) với bao ước mơ dự định về tương lai tươi đẹp, bị ốm nặng vì nhiễm khuẩn huyết.

    Chàng sinh viên trẻ Nguyễn Đức Hạnh (năm thứ 4, trường Đại học Mỏ - địa chất) với bao ước mơ dự định về tương lai tươi đẹp, bị ốm nặng vì nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, hở van động mạch chủ nặng cần được phẫu thuật sớm. Tuy nhiên, gia đình nghèo, gánh nặng bệnh tật đã làm đôi vai bố mẹ của chàng sinh viên trẻ thêm oằn. 

    Mẹ ơi…

    Tiếng gọi yếu ớt của Hạnh trên giường bệnh của khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E nghẹn lại và ngắt quãng khi nhìn thấy dòng nước mắt của người mẹ. “Mẹ ơi… Mẹ… đừng… khóc!” – Hạnh nói trong sự khó nhọc khi cơ thể đã liệt nửa người. Muốn đưa tay ra lau khô dòng nước mắt mặn chát chảy trên khuôn mặt với dấu vết thời gian là những vết xạm và chân chim của mẹ nhưng đành bất lực, Hạnh cũng không kìm nổi cảm xúc, khóc nấc lên và lắp lắp: “Con… thương… bố mẹ và em”. Không khí trong phòng bệnh dường như trùng xuống cùng với cảm xúc dâng trào của hai mẹ con Hạnh, đã có cán bộ y tế cũng lau vội dòng nước mắt…

    Hạnh trên giường bệnh

    Bà Nguyễn Thị Hoa – mẹ của bệnh nhân Hạnh buồn rầu, chia sẻ: Hạnh là con cả trong gia đình, sau Hạnh còn có một người em đang học năm thứ nhất Đại học quốc gia Hà Nội. Gia đình thuần nông thu nhập chẳng được bao nhiêu (4 triệu đồng/năm). “Lúc con út cầm giấy báo đỗ đại học, gia đình tôi vỡ òa trong niềm vui nhưng đành gạt nước mắt nói với con nghỉ, đi làm công nhân, chứ hai anh em cũng đi học bố mẹ không kham nổi”.

    Nghe thế, anh em chúng ôm nhau khóc, xin bố mẹ nghĩ cách. Lên Hà Nội, hai anh em tự xoay xở, cùng đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Để con có tiền ăn học, bà Hoa trở thành người trụ cột gia đình đi làm phụ hồ khắp nơi như Quảng Ninh, Hà Nội… Cứ có thời gian rảnh, Hạnh lại đi phụ hồ cùng mẹ. Nhìn con gầy gò vác nặng, lòng người mẹ quặn đau. Tranh thủ mấy tháng hè, Hạnh lên tận Quảng Ninh phụ giúp công việc của mẹ. Ngày mùa, Hạnh cũng về quê, cấy lúa giúp gia đình. Thương mẹ và em, Hạnh không than vãn mà cố gắng làm việc. Cuối cùng, không cầm cự nổi, gia đình bà phải vay tiền ngân hàng cho các con tiếp tục đi học đại học…

    Viết tiếp giấc mơ và hoài bão của tuổi trẻ

    Người mẹ nén nỗi đau vào trong tim, chia sẻ tiếp, vào trung tuần tháng 12/2017, bà nghe hung tin con trai cả mắc bệnh hiểm nghèo – hở van động mạch chủ nặng. Thật sự trong suy nghĩ của bà và gia đình không hình dung về căn bệnh này như thế nào. Chỉ biết, sau một đợt sốt cao không rõ nguyên nhân, các bác sĩ thông báo Hạnh bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu và hở van động mạch chủ nặng cần được phẫu thuật sớm. Bà và chồng bỏ mọi việc ở quê lên với con nhưng Hạnh đã rơi vào tình trạng rất nặng, thậm chí còn bị liệt nửa người, nói năng khó khăn…

    ThS.BS Lê Tiến Dũng – Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, cho hay, bệnh nhân Hạnh được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng nguy hiểm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, hở van động mạch chủ nặng, nhồi máu não và liệt nửa người phải. Thậm chí, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật sớm.

    Theo BS Dũng, việc điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vô cùng lâu dài và tốn kém. Vi khuẩn tụ cầu đa kháng (kháng nhiều loại kháng sinh) nên phác đồ điều trị cho bệnh nhân Hạnh là kháng sinh liều cao. Chi phí điều trị này ước chừng từ 6 – 8 triệu đồng/ngày. Nhẩm tính, phải mất từ 150 -180 triệu đồng cho một đợt điều trị kháng sinh liều cao cho bệnh nhân, chưa kể các chi phí khác như giường nằm hồi sức, vật tư y tế…

    Bởi vì, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu đã “tấn công” van động mạch chủ của bệnh nhân. Viêm nội tâm mạc do tụ cầu gây sùi các lá van tim và nội tâm mạc. Chính các mảnh sùi này trôi đi theo dòng máu sẽ gây thuyên tắc mạch. Những ổ nhồi máu có thể nhỏ hoặc lớn, đặc biệt những mảnh sùi này có mang theo các vi khuẩn, do vậy có thể gây áp-xe não. Huyết khối trong lòng mạch não là một nguyên nhân gây tắc mạch. Nhồi máu não do bệnh lý từ tim thường đột ngột và gây liệt nửa người vĩnh viễn cho bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân cần được thay van ĐMC sớm, nếu không sẽ bị suy tim cấp do hở van ĐMC nặng, nguy cơ tử vong cao. Điều đáng nói, do bệnh nhân Hạnh không có thẻ BHYT nên chi phí ca phẫu thuật thay van ĐMC là khoảng 100 triệu đồng.

    Tuy nhiên, đối với gia đình thuần nông thì số tiền điều trị hằng ngày cho con và ca phẫu thuật là quá lớn, cho dù gia đình có thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, gà lợn… cũng không đủ. Người mẹ khóc ngất vì thương con. Gia đình bà Hoa cần lắm sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ Hạnh có thêm cơ hội sống và viết tiếp giấc mơ và hoài bảo của tuổi thanh xuân…

    Ngày 28/12, bệnh nhân Hạnh đã được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E để tiếp tục điều trị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu trước phẫu thuật thay van ĐMC. Vì thế, mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

    Bà Nguyễn Thị Hoa (Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định)

    Số điện thoại: 01687221507

    (Mẹ bệnh nhân Vũ Đức Hạnh, 21 tuổi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E)

    Hoặc: Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện E

    Số điện thoại: 02432191589

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-sinh-vien-nhiem-khuan-huyet-ho-van-tim-nguy-kich-neu-khong-duoc-giup-cua-tu-truc-cho-a214602.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan